Từ quả bưởi “đi Tây” nghĩ về nông sản xuất khẩu

Lượt xem: 189

Doanh nghiệp, nhà nông cùng phấn khởi

Gần một tháng qua, người dân thôn Xóm Làng, xã Bình Sơn (Lục Nam) vẫn chưa hết xôn xao bởi quả bưởi thôn mình được… “đi Tây”. Người hưởng niềm vui đầu tiên là hộ anh Nguyễn Văn Trụ, vì toàn bộ lô bưởi đầu tiên xuất sang Nga là của gia đình anh. Niềm vui ấy càng lan rộng khi Công ty Kim Hằng tiếp tục thu mua thêm hơn 20 vạn quả bưởi đào đường của 11 hộ khác trong thôn Xóm Làng để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

 Bà Đỗ Thị Hằng giám sát khâu thu hoạch bưởi tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Thái.

Bà Đỗ Thị Hằng giám sát khâu thu hoạch bưởi tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Thái

Ông Nguyễn Văn Thái, cùng ở thôn Xóm Làng chia sẻ, gia đình có hơn 1 ha với 800 cây bưởi. Trong đó, một nửa là bưởi đào đường, còn lại là bưởi hoàng. Sản lượng mỗi loại đạt khoảng 4 vạn quả. Những năm trước, việc tiêu thụ, giá bán, thời gian thu hoạch… đều phụ thuộc vào tư thương. Họ cắt chọn những quả loại 1 với giá cao, còn lại là những quả loại 2, loại 3 được bán với giá rất thấp.

Nhiều vụ, thời gian thu hoạch kéo dài cả tháng nên ảnh hướng tới quy trình sản xuất vụ sau. Nhưng vụ này đã khác vì gia đình được Công ty Kim Hằng đặt mua cả vườn. Mặc dù năm nay, ông chỉ bán 10,5 nghìn đồng/quả (thấp hơn giá bưởi loại 1 năm trước) nhưng bù lại, tổng thu vẫn nhiều hơn hàng chục triệu đồng. Hơn thế, chỉ trong một ngày, vườn bưởi của gia đình đã thu hoạch xong, rất thuận cho việc cắt tỉa cành, dưỡng cây chờ vụ tới.

Theo bà Đỗ Thị Hằng, Giám đốc Công ty Kim Hằng, những vườn bưởi doanh nghiệp (DN) thu mua đều đáp ứng được các tiêu chí do phía Nga đặt ra, như: Bưởi được sản xuất theo quy trình hữu cơ, thân thiện với môi trường; hàm lượng đường của bưởi đạt yêu cầu, bảo đảm lên men để nấu thành rượu; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nga…

 Phân loại bưởi tại kho hàng của Công ty Kim Hằng.

Phân loại bưởi tại kho hàng của Công ty Kim Hằng.

Tuy nhiên trước đó, khi nhận được đơn hàng từ phía bạn, DN này khá lo vì không biết chọn nhà vườn nào, ở đâu để thu mua. “Chúng tôi tìm hiểu thông tin về các vùng trồng bưởi đào đường tại Lục Ngạn nhưng một số phòng chức năng ở đây không mấy mặn mà. Rất may, khi đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang thì mọi việc, từ giới thiệu vùng sản xuất đến kiểm dịch thực vật, thông quan đã được đáp ứng, chúng tôi rất hài lòng”, bà Hằng nói.

Luôn sẵn sàng cho bưởi xuất khẩu

Được biết, mặc dù đã tìm được vùng cung ứng bưởi đạt tiêu chuẩn nhưng biểu mẫu quả phía DN Nga đưa ra trọng lượng phải đạt từ 1,4- 1,6 kg/quả. Trong khi đó lượng quả đạt tiêu chuẩn này chỉ chiếm khoảng 15% tại mỗi vườn. Vì thế Công ty Kim Hằng phải thu mua số lượng lớn mới chọn đủ lượng hàng xuất khẩu. Số bưởi không đủ tiêu chuẩn, Công ty phải tìm cách tiêu thụ tại các chợ đầu mối hoặc dùng làm mứt hay ủ men nấu rượu.

Bắc Giang có hơn 10 nghìn ha cây có múi, sản lượng gần 80 nghìn tấn/năm, đứng thứ 4 toàn quốc. Riêng bưởi đạt khoảng 30 nghìn tấn/năm.

Do bưởi Bắc Giang có chất lượng cao nên đối tác phía Nga tiếp tục hợp đồng với Công ty Kim Hằng cung ứng sản phẩm trong 5 năm nữa. Để nâng chất lượng quả, phía DN đó đã ủy quyền cho Công ty Kim Hằng xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ theo quy trình mà đối tác đưa ra với diện tích khoảng 10 ha. Hiện Công ty đã liên kết với 10 hộ dân tại thôn Xóm Làng, đồng thời đề nghị ngành chức năng của tỉnh xem xét, nghiên cứu và cho phép áp dụng quy trình sản xuất bưởi mà DN này yêu cầu.

Bà Hằng thông tin: “Ngày 2/1 tới, chúng tôi xuất thêm 3,6 vạn quả bưởi nữa, tất cả đều được thu mua tại huyện Lục Nam”. Điều này cho thấy huyện Lục Ngạn – nơi được coi là thủ phủ cây có múi của tỉnh chưa có cơ hội liên kết sản xuất, cung ứng bưởi xuất khẩu sang Nga.

Trao đổi với ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về liên kết sản xuất bưởi xuất khẩu, được biết, Nga là thị trường lớn, không “khó tính”. Tuy nhiên, cam, bưởi không phải là đặc sản vùng mà là loại cây trồng phổ biến tại Việt Nam. Bắc Giang đang chiếm ưu thế bởi người dân đã ứng dụng sâu khoa học – kỹ thuật, quy trình sạch vào sản xuất nông nghiệp. Đáp ứng được yêu cầu hàng đầu về chất lượng đó là an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất sang Nga nên phía bạn chọn bưởi của Bắc Giang.

 Chỉ trong một ngày, vườn bưởi hơn 4 vạn quả của ông Thái đã được thu xong.

Chỉ trong một ngày, vườn bưởi hơn 4 vạn quả của ông Thái đã được thu xong.

Mặc dù nước này chưa yêu cầu mã vùng trồng nhưng chúng ta vẫn phải có tem chứng nhận đạt tiêu chuẩn xuất khẩu do Cục Bảo vệ thực vật cấp. Việc này Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và các Trung tâm vùng giúp Công ty Kim Hằng kiểm dịch hàng hóa dễ dàng, rút ngắn thời gian thông quan.

Cũng theo ông Thành, định hướng sản xuất cây có múi của tỉnh là không tăng diện tích mà tập trung cải tạo, nâng chất lượng những vùng sản xuất hiện có, tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, mẫu mã. Bưởi được sản xuất theo quy trình hữu cơ, thân thiện môi trường. Đặc biệt, đối với cây có múi việc sản xuất theo hướng này sẽ giúp đất tốt hơn, cây bền lâu hơn.

Hiện nông sản của Bắc Giang đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Úc, Nga, Trung Quốc… do đó khá thuận lợi khi sang các nước còn lại. Vì thế người dân, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương phải giành thế chủ động, luôn sẵn sàng cho xuất khẩu. Làm tốt được những điều này thì nông sản của Bắc Giang, đặc biệt là quả bưởi và cây có múi mới phát triển bền vững.

Nguồn: baobacgiang.com.vn