Nhiều cách làm sáng tạo của người trồng vải ở Lục Ngạn
14/06/2021 03:35
Vườn vải cho nhiều quả nhất
Thời điểm chính vụ, mỗi ngày, anh Bình cần tới 25 lao động thu hoạch vải.
Từng đặt chân đến nhiều vườn cây ăn quả trong tỉnh nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi đến thăm trang trại vải thiều của gia đình anh Vũ Nguyên Bình, thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn (Lục Ngạn). Phần lớn vườn quả được bao bọc bởi hồ Làng Thum. Quan sát từ trên cao, khu này giống như hình con chim khổng lồ đang sải cánh, vươn về phía lòng hồ, trên lưng “cõng” những cây vải hình mâm xôi, quả đỏ trĩu cành soi bóng xuống mặt nước. Anh Bình cho biết, trang trại rộng 10 ha, trong đó có 7 ha trồng vải thiều, với 1.200 cây, đa phần cây đã trên 30 năm tuổi. Do được chăm sóc tốt nên cây rất khỏe, năng suất cao, đạt gần 10 tấn/ha, trái to đều, mã đẹp.
Vụ này cả vườn cho chừng 65 tấn quả. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn, vườn vải của anh Bình diện tích không lớn nhất huyện nhưng sản lượng hiện cao nhất Lục Ngạn và cả tỉnh Bắc Giang. Với diện tích và năng suất, sản lượng vải hiện có, mỗi vụ thu hoạch anh phải cần tới 25 nhân công/ngày. Mỗi năm gia đình anh thu lãi từ trồng vải cả tỷ đồng.
Che màng ni-lông bảo vệ vườn
Trong vườn vải được che phủ màng ni lông của anh Bình (bên phải).
Chưa hết ngỡ ngàng trước “rừng” vải đang thu hoạch rộ, anh Bình lại đưa chúng tôi đến khu trồng vải được che phủ màng ni-lông khép kín. Bên trong, một khung cảnh khác lạ hiện ra. Hàng chục cây vải cao từ 5-6m trái sai lúc lỉu, tỏa hương thơm dịu, không một bóng côn trùng.
Theo anh Bình, đây là mô hình “che màng lưới cho vải thiều” do Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn khởi xướng, diện tích 1.000 m2. Khi tham gia, anh được hỗ trợ 100 triệu đồng mua vật tư, lắp đặt và hướng dẫn sử dụng.
Mục đích nhằm hạn chế côn trùng, nhất là sâu đục cuống quả, giúp sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu. Nhờ che phủ màng ni-lông, vụ vải này gia đình anh Bình tiết kiệm được gần 3 triệu đồng thuốc BVTV và nhân công. Lợi ích lớn nhất khi che màng cho vải thiều, đó là không phải dùng thuốc BVTV, bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người lao động, nâng chất lượng, giá trị quả vải.
Đây là một trong các biện pháp giúp người nông dân sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí bền vững, hướng đến sản xuất hữu cơ. Anh Bình cho biết: “Chỉ với 50 cây vải trong khu nhà màng, vụ này gia đình tôi thu khoảng 5 tấn quả. Toàn bộ vải trong vườn đã được khách đặt trước với giá cao gấp 2 lần vải thường bán trên thị trường tại thời điểm thu hoạch”.
Cho vải ra quả từ thân cây
Anh Phú chăm sóc vườn vải cho quả từ thân cây.
Đây là vườn vải của anh Tô Văn Phú, thôn Héo A, xã Hộ Đáp. Từ xa đã thấy những vạt quả đỏ đầy ắp trên tán vải. Vào sâu trong khu vườn, tôi thực sự ngỡ ngàng, thích thú khi lần đầu thấy những chùm vải căng mọng mọc ra từ thân cây.
Anh Phú giải thích, để có những chùm quả ra từ thân vải, tầm tháng 7 năm trước anh đã phải tạo lộc, sao cho lộc trên thân và ngọn cây phải đều nhau để đến mùa xuân cây phân mầm sẽ ra hoa đồng loạt. “Đây là một quá trình tỉ mỉ, không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng cần sự kiên trì”, anh Phú nói.
“Chúng tôi khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp thâm canh vải thiều theo hướng hữu cơ. Động viên bà con tích cực sáng tạo trong sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, giá trị quả vải nhưng phải giảm chi phí thuốc BVTV và nhân công lao động”. Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn Tăng Văn Huy |
Cách làm này có nhiều lợi ích, như: Sản lượng quả tăng gấp rưỡi so với chỉ để quả trên ngọn cây; mã quả đẹp, ít bị rụng vì không chịu va đập do gió, bão gây nên.
Anh Phú chia sẻ: “Năm 2017 tôi đã áp dụng kỹ thuật cho vải ra quả ở thân cây. Trước đó, tôi thấy đài truyền hình thông tin có hộ ở xã Giáp Sơn (cùng huyện) thực hiện thành công phương pháp sản xuất mới này nên rất háo hức và quyết thực hiện cho bằng được.
Mặc dù các kỹ thuật có được tôi đều học hỏi trên mạng Internet là chính nhưng có thể tự tin là mình đã làm chủ kỹ thuật”. Với cách làm sáng tạo, vườn vải 200 cây của anh Phú vụ này ước thu khoảng 10 tấn quả, hiện đã có thương lái đến đặt mua cả vườn với giá cao hơn thị trường 15%.
Cách vận chuyển độc đáo
Anh Yên (bên trái) điều khiển ròng rọc đưa vải từ trên núi xuống.
Xã Hộ Đáp cũng như 5 xã trên đèo khác của Lục Ngạn, vải thiều thường được trồng trên các triền núi dốc nên việc chăm sóc, thu hoạch rất khó khăn, vất vả. “Người dân phải vác từng bao phân bón nặng qua suối, qua khe, vượt dốc mới lên đến vườn. Khi thu hoạch lại phải gánh từng sọt vải xuống núi, nhiều khi trượt ngã, vải dập nát. Nếu lũ về là không lên vườn chăm cây, thu quả được”, anh Lăng Văn Yên (dân tộc Nùng), thôn Khuôn Trang, xã Hộ Đáp tâm sự.
Để cải thiện sản xuất, anh Yên đã lên huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) học cách làm, điều khiển ròng rọc, cáp treo vận chuyển na của bà con nơi đây. Năm 2020 anh đầu tư gần 15 triệu đồng xây dựng hệ thống ròng rọc (tận dụng động cơ xe máy cũ), cáp treo dài hơn 150 m của gia đình, vượt qua suối, khe sâu đưa vải về nhà.
“Trước đây, mỗi gánh vải phải mất 30 phút mới về tới nhà. Cùng thời gian đó, nay tôi đưa được cả tấn vải xuống núi. Thấy nhà mình làm được nên nhiều người gọi điện đến nhờ tư vấn làm theo”, anh Yên cười nói.
Năm nay vải được mùa, sản lượng lượng lớn nên nhiều hộ trong, ngoài xã Hộ Đáp có ý tưởng học anh Yên để làm ròng rọc. Anh Lâm Văn Khánh, dân tộc Nùng, cùng thôn Khuôn Trang chia sẻ: “Nhà tôi có hơn 1 ha vải trên núi cao. Tới đây cũng gom tiền làm một cái ròng rọc để việc thu hái, chăm cây đỡ vất vả”.
Lục Ngạn hiện có hơn 28 nghìn ha vải thiều, trong đó có hàng nghìn ha trồng trên địa hình đồi núi dốc nên không thể làm đường cho xe đến vận chuyển được. Do đó, việc xây dựng cáp treo vận chuyển như của anh Yên thật hữu ích, nhất là vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thiếu rất nhiều nhân công thu hoạch vải thiều.
Cùng đó, sự năng động, sáng tạo của người trồng vải càng góp cho thương hiệu “Vải thiều Lục Ngạn” ngày càng vươn xa.
Nguồn: baobacgiang.com.vn