Nông dân kỳ vọng vào Quốc hội nhiệm kỳ mới
20/07/2021 06:54
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo tại Hội nghị ngày 13.7. Ảnh: Doãn Tấn
Hỗ trợ nông dân vượt qua thách thức, khó khăn
Trang trại của ông Trịnh Văn Tiến ở xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp (Ninh Bình) nổi tiếng trong giới nuôi con đặc sản. Hiện ông Tiến đang là Giám đốc HTX nông sản đặc sản Tam Điệp với quy mô nuôi hàng nghìn con đặc sản, chủ yếu là các con nuôi có giá trị kinh tế cao như: Hươu, nai, dê, lợn rừng, lợn cắp nách, ngựa, nhím…
Trong HTX còn có doanh nghiệp và hệ thống nhà hàng tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi khép kín. Bình quân mỗi năm, HTX xuất bán gần 40 tấn sản phẩm vật nuôi thương phẩm, doanh thu hơn chục tỷ đồng/năm. Hiện HTX cũng đang đầu tư phát triển mô hình du lịch sinh thái tại các trang trại của các thành viên HTX.
Theo ông Tiến, hiện nay khi muốn sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Đó là cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai cho sản xuất lớn; cơ chế cho các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; Bảo hiểm nông nghiệp nhiều nông dân còn chưa tiếp cận được… đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
“Tại kỳ họp Quốc hội lần này, chúng tôi mong muốn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) gửi kiến nghị của cử tri là những nông dân như chúng tôi đến Chính phủ để Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan có các giải pháp thiết thực và hiệu quả để giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này”- ông Tiến bày tỏ.
Thời gian qua, giá phân bón trong nước tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của nông dân. Bà Trần Thị Hòa (ở xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) cho biết, vụ Chiêm Xuân năm nay gia đình bà gieo trồng 7 sào lúa. Tuy nhiên từ đầu năm tới nay giá phân bón liên tục tăng cao nên đã làm đội chi phí sản xuất. Theo tính toán của bà Hòa, chi phí cho sản xuất 1 sào lúa hiện nay ở mức khá cao, lên đến trên 700.000 đồng, gồm công làm đất, giống, cấy (chủ yếu là thuê), phân bón, thu hoạch, thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ tính riêng đầu tư cho phân bón các loại đã lên tới 300.000 đồng, chiếm 48% chi phí. Như vậy, 1 sào lúa cho năng suất 2 tạ thóc, chi phí đầu tư chiếm đến 50% (tính theo giá thóc chất lượng).
Tương tự tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội), nông dân Đặng Duy Cương cho biết, chưa năm nào người trồng hoa lại gặp khó khăn như năm nay. Ngoài bị tác động bởi dịch Covid-19, khó tiêu thụ hoa, thì nay giá phân bón tăng cao khiến chi phí đầu tư cho hơn 1 mẫu hoa đội lên từ 10 – 30% so với năm trước. Để có tiền mua phân cho hơn 1 mẫu hoa, ông Cương đã phải vay nợ mới, trong khi nợ cũ chưa trả hết.
Trái ngược với giá lợn hơi liên tục giảm thì giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp tăng cao. Tính từ tháng 11/2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng trung bình 7 đợt. Trước thực tế này, tại một số vùng chăn nuôi lợn ở miền Bắc như: Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam… bà con đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trang trại, nông hộ chỉ dám chăn nuôi cầm chừng, không dám tăng đàn trong thời gian này.
Tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội), gia đình ông Đỗ Công An cũng chỉ nuôi 10 con lợn nái và 60 lợn con trong khi chuồng trại có thể nuôi tối đa 250 con. Ông An cho hay, rất nhiều hộ chăn nuôi lợn ở xã Cẩm Lĩnh cũng đang phải tính toán, thu hẹp đàn lợn để tránh thiệt hại do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. “Hiện tại, 2/3 diện tích chuồng trại của gia đình tôi vẫn phải bỏ trống. Nếu bây giờ cứ đánh liều tăng đàn thì nguy cơ thua lỗ là không tránh khỏi” – ông An nói.
Trước kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khoá XV, các nông dân như bà Hoà, ông Cương, ông An và nhiều nông dân bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ thảo luận và có các giải pháp gỡ khó cho nông dân trong bối cảnh hiện nay.
Cần quan tâm nhiều hơn đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Ông Trương Văn Bản, Chi hội phó Chi hội ND khu phố 6, TT. Phước Dân (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) chia sẻ: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, có nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất… giúp cuộc sống người dân không ngừng được cải thiện, nâng lên. Tại kỳ họp lần này, tôi mong muốn các ĐBQH thảo luận và đưa ra các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội; thực hiện nhiều chương trình, dự án giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân; giảm dần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa vùng miền núi và đồng bằng; có chính sách thúc đẩy nền giáo dục, y tế miền núi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lương, Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Trị: “Tôi mong muốn các ĐBQH phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm, trí tuệ để đề ra những chính sách hiệu quả phát triển đất nước; quan tâm đến đời sống, an sinh xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các ĐBQH phải là những người luôn gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu những vấn đề mà cán bộ, hội viên nông dân quan tâm, đồng thời chuyển tải những kiến nghị, đề xuất chính đáng, từ đó kịp thời có các chính sách, giải pháp để công tác Hội và phong trào nông dân ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. Nhất là các nguồn lực, giải pháp giúp nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Đề nghị các ĐBQH nỗ lực thực hiện chương trình hành động và lời hứa trước cử tri
Sáng 13.7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Dự thảo đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân về các vấn đề bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ kiến nghị 5 nội dung. Cụ thể, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị các ĐBQH đề cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện chương trình hành động và lời hứa trước cử tri trong quá trình vận động bầu cử.
Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; quan tâm sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Hoạt động giám sát của nhân dân; chú trọng giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, dự án, công trình trọng điểm và công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; sớm có đề án tổng thể và nghị quyết chuyên đề về thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng với nền kinh tế số.
Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo để sớm ban hành các chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; kịp thời bổ sung, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đủ mạnh để góp phần phát triển kinh tế-xã hội; trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để phát huy nguồn lực, hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm.
Chính phủ cần chú trọng xây dựng các chính sách và biện pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước; có cơ chế khuyến khích các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện có hiệu quả hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá, sử dụng hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Chính phủ chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, minh bạch thông tin về tiếp nhận, sử dụng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Chính phủ cần quản lý, kiểm soát tất cả các hoạt động mua sắm và phân phối vaccine; quy định rõ việc phân cấp cho địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, mua và sửa dụng vaccine; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, thẩm định chất lượng, nguồn vaccine; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Báo cáo cần bổ sung ý kiến đánh giá của dư luận nhân dân về công tác bầu cử; công tác phòng, chống dịch Covid-19, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19; kỳ vọng của cử tri và nhân dân vào nhiệm kỳ 2021-2026…
Nguồn: langmoi.vn