Đầu tư hạ tầng, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Lượt xem: 237

Hệ thống kênh tưới nội đồng chủ yếu là kênh đất thường xuyên bị sạt lở, gây ách tắc dòng chảy dẫn đến nguồn nước tưới chủ động từ công trình thủy lợi cho cây trồng tại các vùng sản xuất tập trung mới chỉ bảo đảm 85% tổng diện tích cây trồng.

Hạ tầng vùng sản xuất rau màu tập trung ở xã Bảo Đài (Lục Nam) vẫn chủ yếu là đường, mương đất.

Hạ tầng vùng sản xuất rau màu tập trung ở xã Bảo Đài (Lục Nam) vẫn chủ yếu là đường, mương đất.

Hệ thống giao thông nội đồng đa phần là đường đất đã và đang xuống cấp; tỷ lệ cứng hóa thấp, thiếu tính kết nối nội vùng và liên vùng dẫn đến khó sử dụng phương tiện cơ giới khi sản xuất, thu hoạch.

Theo số liệu thống kê, đến nay, toàn tỉnh mới cứng hoá được 36,5% tổng chiều dài đường nội đồng, còn khoảng 1 nghìn km đường giao thông nội đồng chưa được cứng hóa. Tỷ lệ kênh mương nội đồng được cứng hóa đạt 48%.

Tìm hiểu tại huyện Lục Nam, địa phương có hàng chục vùng sản xuất tập trung song cũng chỉ có 245/585 km kênh được cứng hóa và phần lớn đường nội đồng là đường đất.

Khảo sát tại vùng trồng khoai tây chế biến, bắp cải vụ đông quy mô hơn 30 ha tại xã Bảo Đài cho thấy, dù khu sản xuất gần kênh mương nhưng vẫn có thời điểm gặp khó khăn về nước tưới do lượng nước thất thoát lớn.

Mùa này, cỏ dại mọc kín kênh, cản trở dòng chảy và lòng kênh thường xuyên bị bồi lắng. Ông Vũ Văn Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Lục Nam là địa bàn trọng điểm sản xuất nông nghiệp, bà con chịu khó, năng động làm cây vụ đông song không phải vùng nào cũng thuận về nước tưới cũng như thu hoạch, tiêu thụ nông sản.

Do đó, ngoài ngân sách huyện, đơn vị tham mưu với huyện đề xuất tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng 9 vùng sản xuất lúa, hoa màu với diện tích gần 3 nghìn ha”.

Ưu tiên hỗ trợ vùng lúa, hoa màu, cây ăn quả

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin, thực hiện xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030 hình thành vùng sản xuất lúa tập trung với quy mô hơn 63 nghìn ha, rau màu khoảng 10 nghìn ha, cây ăn quả hơn 32 nghìn ha, cây dược liệu 1,1 nghìn ha; sản xuất lâm nghiệp khoảng 80 nghìn ha.

Vùng trồng cam ở xã Tân Mộc (Lục Ngạn) được ưu tiên hỗ trợ xây dựng hạ tầng trong thời gian tới.

Vùng trồng cam ở xã Tân Mộc (Lục Ngạn) được ưu tiên hỗ trợ xây dựng hạ tầng trong thời gian tới.

Dù hạ tầng về thủy lợi, giao thông nội đồng thời gian qua đã được quan tâm đầu tư song để thực hiện mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có nhiều chính sách khuyến khích, tập trung hơn nữa.

Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch “Hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông và kênh mương nội đồng phục vụ các vùng sản xuất tập trung, sản xuất ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2022-2025”.

Kế hoạch được triển khai góp phần tạo thành các vùng sản xuất tập trung bền vững, bảo đảm đủ nước tưới và đưa cơ giới hóa phục vụ sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới; đáp ứng các điều kiện để các vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ.

Giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng cho 87 vùng sản xuất tập trung với quy mô gần 20 nghìn ha. Trong đó, 67 vùng sản xuất lúa, 10 vùng hoa màu và 10 vùng trồng cây ăn quả. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 340 tỷ đồng.

Qua nắm bắt nhu cầu tại các huyện, TP, Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp số vùng sản xuất cần đầu tư hỗ trợ đường nội đồng và kênh mương là 87 vùng sản xuất với diện tích gần 20 nghìn ha.

Trong đó, 67 vùng sản xuất lúa tập trung; sản xuất rau, hoa màu 10 vùng và 10 vùng sản xuất cây ăn quả. Tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2022-2025 hơn 340 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ và phát triển đất trồng lúa.

Trên cơ sở Kế hoạch tỉnh ban hành, hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang triển khai thực hiện các hạng mục theo từng năm để khẩn trương đầu tư hạ tầng. Trong đó sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ, ưu tiên lựa chọn các vùng sản xuất là vùng trồng lúa tập trung; vùng trồng cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày tập trung có quy mô từ 20 ha trở lên (riêng các huyện miền núi như: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế có quy mô từ 10 ha trở lên).

Đối với vùng trồng cây ăn quả tập trung phải có quy mô từ 50 ha trở lên, ưu tiên các đối tượng cây ăn quả chủ lực như: Vải thiều, cam, bưởi, na, nhãn.

Nguồn: baobacgiang.com.vn