Giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn: Tuân thủ quy trình, đẩy nhanh tiến độ

Lượt xem: 142
Nhà thầu đang thi công đoạn qua huyện Lạng Giang.

Nhà thầu đang thi công đoạn qua huyện Lạng Giang.

Có mặt bằng sạch đến đâu, thi công đến đó

Với tổng chiều dài 64 km, quy mô 4 làn xe, tổng số vốn hơn 12 nghìn tỷ đồng, dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc kết nối hạ tầng giao thông giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần mở ra những cơ hội hợp tác, tăng cường phát triển KT-XH.

Thực hiện dự án, tỉnh Bắc Giang phải triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với 20,4 km, diện tích tương đương khoảng 160 ha, tác động tới gần 4 nghìn hộ dân, tổ chức, cá nhân; hàng trăm hạng mục công trình công, gần một nghìn ngôi mộ phải di dời… Khối lượng công việc khổng lồ song phải hoàn thành trong khoảng 6 tháng.

Xác định được ý nghĩa, nhiệm vụ trên, ngay từ khi dự án được triển khai, tỉnh đã tập trung cao chỉ đạo các sở, ngành, UBND TP Bắc Giang và huyện Lạng Giang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB để kịp thời bàn giao cho nhà đầu tư, nhất là từ khi dự án được tái khởi động vào tháng 6-2017. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) GPMB do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn làm Trưởng Ban. BCĐ thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt chế độ báo cáo, giám sát và huy động sự vào cuộc, nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

Ngoài ra, BCĐ tỉnh thành lập tổ công tác bám sát cơ sở, cùng cán bộ xã, thôn “gõ cửa từng nhà, rà từng thửa đất” để thực hiện các thủ tục đền bù. Ông Đặng Đình Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết: “Sau khi dự án khởi động trở lại, huyện đã triển khai ngay các biện pháp. Cán bộ, đảng viên từ huyện đến các xã, thôn liên quan gần như không có ngày nghỉ, trực tiếp xuống từng gia đình tuyên truyền, giải thích ý nghĩa của dự án và các quy định của pháp luật về GPMB; kịp thời giải quyết thỏa đáng quyền lợi chính đáng của người dân. Đến nay, huyện đã kiểm đếm xong 100% diện tích đất của các hộ bị ảnh hưởng; chi trả tiền 1.584/1.750 hộ gia đình, đạt 90,5% kế hoạch”.

Cùng đó, nhà đầu tư BOT chỉ đạo các đơn vị nhà thầu thi công, tập trung cao nhân lực, phương tiện, vật tư để thi công ngay trên diện tích mặt bằng sạch. Ông Hà Hồng Hải, Giám đốc điều hành hai gói thầu xây lắp số 17, 18 cho biết: “Khi được bàn giao mặt bằng, anh em công nhân tiến hành tăng ca, làm thông đêm. Do đó, đến nay tiến độ tại hai gói thầu này vượt gần 200% kế hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình thi công có thể gây ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt hằng ngày của người dân, chúng tôi rất mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của bà con và chính quyền địa phương”.

Hoàn thành GPMB trước Tết Nguyên đán

Thực hiện dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, tỉnh Bắc Giang phải GPMB đối với 20,4 km, diện tích tương đương khoảng 160 ha, tác động tới gần 4 nghìn hộ dân, tổ chức, cá nhân; hàng trăm hạng mục công trình công, gần một nghìn ngôi mộ phải di dời…

Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng đến cuối năm 2017, GPMB vẫn chậm so với kế hoạch đề ra, nhất là trên địa bàn huyện Lạng Giang. Về tình trạng trên, đại diện lãnh đạo UBND huyện Lạng Giang lý giải, huyện chưa giải phóng được đối với 166 hộ gia đình, cá nhân. Nguyên nhân chủ yếu là do việc xác định hình thức giao đất, loại đất gặp khó khăn vì hệ thống hồ sơ địa chính của xã (xã Hương Sơn) không có. Một số thửa đất được giao trái thẩm quyền, đã nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận.

Trước tình hình trên, vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn đã kiểm tra thực địa công tác GPMB tại huyện Lạng Giang. Qua nắm bắt, đồng chí yêu cầu các cơ quan, sở ngành liên quan và huyện Lạng Giang cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, quyết tâm thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm hoàn thành công tác GPMB trước Tết Nguyên đán 2018. Đồng chí nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở cần tuyên truyền sao cho chủ hộ, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa, vai trò của dự án đối với phát triển KT-XH, từ đó tích cực ủng hộ, đồng thuận, nhằm nhanh chóng gỡ bỏ những nút thắt.

Đối với những vướng mắc về việc xác định ranh giới loại đất trên cùng một thửa, chính quyền địa phương cần khẩn trương giải quyết theo trình tự, quy định của pháp luật. Trong triển khai cần đặt lợi ích chính đáng của người dân lên trên hết; vận dụng linh hoạt các chính sách, thủ tục có lợi cho các hộ.

Trường hợp với các hộ dân thuộc diện phải di dời tái định cư, chính quyền huyện phối hợp với nhà đầu tư BOT gặp gỡ, trao đổi với các hộ gia đình để xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp. Song song với tuyên truyền, vận động cần có những biện pháp kiên quyết đối với các tổ chức, cá nhân cố tình chống đối, không hợp tác.

baobacgiang.com.vn