Hiểm họa từ đường ngang dân sinh tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn qua địa bàn tỉnh Bắc Giang

Lượt xem: 146

Những đường ngang “tử thần”

Người dân sinh sống ở tổ dân phố Thành Bắc, phường Xương Giang (TP Bắc Giang) bàng hoàng nhớ lại vụ TNGT giữa xe ô tô BKS 29D-045.45 đi qua đường ngang bị tàu hỏa số hiệu MR1, đầu máy 2014 lao vào ngày 3-7 khiến 2 người tử vong, 1 người bị thương.

Cả 3 nạn nhân đều còn trẻ, là trụ cột của gia đình. Hay ngày 22-7, trên địa bàn huyện Lạng Giang xảy ra 2 vụ tai nạn làm một bé gái tử vong và 3 người bị thương. Được biết, địa điểm xảy ra tai nạn đều tại các đường ngang không có rào chắn tại thôn Nguyễn (thị trấn Vôi) và thôn Yên Vinh (xã Yên Mỹ).

Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNGT đường sắt làm 4 người chết, 9 người bị thương, tăng cao so với cùng kỳ năm trước (7 tháng đầu năm 2018 không xảy ra TNGT đường sắt).

Nguyên nhân do khi đi qua các đường ngang, nhất là đường ngang dân sinh không có gác chắn, người tham gia giao thông thiếu chú ý quan sát, không để ý tàu hỏa đến gần. Một nguyên nhân khác là từ tháng 9-2018, ngành đường sắt tăng gấp 3 số chuyến tàu đi qua địa bàn (hiện mỗi tuần có hơn 40 chuyến).

Hơn nữa tuyến đường sắt Hà Nội- Đồng Đăng chạy ngang qua địa bàn tỉnh chạy song song với đường bộ nên tầm nhìn của người tham gia giao thông bị hạn chế khi rẽ qua đường sắt.

Ngoài ra, theo ông Đỗ Đăng Ninh, Phó Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Lạng, việc người dân tự ý mở đường ngang dân sinh qua đường sắt khiến nguy cơ tai nạn ngày càng cao.

Qua rà soát, trong 70 km đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh có 32 đường ngang có gác, biển báo hoặc cảnh báo tự động, nhưng lại có tới hàng trăm lối đi tự mở tập trung nhiều ở khu vực xã Tân Mỹ, phường Xương Giang, Ngô Quyền (TP Bắc Giang); các xã Tân Dĩnh, Phi Mô, Yên Mỹ, thị trấn Vôi (Lạng Giang)…

Do tự mở, tạm bợ nên tại các đường ngang dân sinh chỗ tiếp giáp đường sắt thường lồi lõm, thậm chí chỉ là mấy viên gạch kê nên xe qua lại rất dễ chết máy, sẽ gặp nguy hiểm khi tàu hỏa tới.

Cần xóa 165 lối đi tự mở

Trước tình hình TNGT đường sắt diễn biến phức tạp, ngành đường sắt đã rà soát lại tuyến, địa bàn và yêu cầu cán bộ, nhân viên ứng trực, gác nghiêm theo quy định. Đồng thời, có văn bản gửi Ban ATGT tỉnh đề nghị chỉ đạo Ban ATGT các huyện, TP và cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền về thời gian tàu chạy, cảnh báo người dân hết sức chú ý khi đi qua đường tàu; đầu tư kinh phí giải tỏa mặt bằng, xây dựng các tuyến đường gom dọc đường sắt.

Tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng chạy qua phường Xương Giang (TP Bắc Giang) có nhiều đường ngang dân sinh tiềm ẩn nguy cơ TNGT

Đặc biệt, những địa phương đã có đường gom cạnh đường tàu như ở xã Phi Mô, thị trấn Vôi (Lạng Giang) kiên quyết xóa bỏ các đường ngang dân sinh tự mở; bố trí người cảnh báo tại các điểm giao cắt. Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Lạng còn phối hợp với các địa phương làm thêm 50 gờ giảm tốc, chôn cột bê tông thu hẹp 39 lối tự mở.

Theo tổng hợp của Ban ATGT tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNGT đường sắt làm 4 người chết và 9 người bị thương, tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Về lâu dài, theo ông Hoàng Văn Hải, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, Ban đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, chỉ ra 33 lối đi tự mở, 10 đường ngang nguy cơ cao.

Trên cơ sở đó, kiến nghị xem xét xây dựng gần 10 km đường gom dân sinh nhằm xóa 165 lối đi tự mở. Thành lập 5 đường ngang cảnh báo, lắp cần chắn tự động… Với những công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt, đề nghị ngành chức năng, chính quyền địa phương kiên quyết tháo dỡ.

Thiết nghĩ, quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân. Bởi khi có chuông báo, còi ủ cảnh báo tàu chạy qua, không ít người vẫn bất chấp quy định, cố luồn lách qua rào chắn chỉ để được nhanh vài phút mà không biết nguy cơ tai nạn đường sắt luôn rình rập.

Nguồn: baobacgiang.com.vn