Bón phân cho chuối tiêu hồng?
05/12/2011 03:12
Chuối tiêu hồng được Viện Nghiên cứu Rau quả nghiên cứu và tuyển chọn có chất lượng ngon, mùi thơm, màu đẹp, để lâu không bị nát nên thường được tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán và xuất khẩu đem lại lợi ích kinh tế lớn. Tuy nhiên, cây chuối có nhu cầu dinh dưỡng cao nên sẽ làm đất nhanh bị bạc màu, cây nhanh bị tàn nếu không có chế độ phân bón đầy đủ và hợp lý. Chuối cần nhiều nhất là kali và đạm sau đó đến lân, ngoài ra cây cũng hút khá nhiều canxi, magiê, lưu huỳnh và nhiều chất vi lượng. Một số triệu trứng thiếu dinh dưỡng dễ phân biệt như sau:
– Đa lượng: Thiếu đạm (N) cây bị úa vàng đặc biệt các lá già, phiến lá có màu vàng xanh lợt, cuống và bẹ màu xanh hơi hồng. Khi thiếu nhiều cây sinh trưởng chậm, thân mảnh, lá nhỏ và chóng tàn, phân hóa mầm hoa kém, năng suất thấp; Thiếu lân (P2O5) lá già có màu xanh thẫm, sau chuyển sang xanh nhạt hoặc màu đồng thau. Mép lá xuất hiện những vết chết khô không liên tục ăn vào gân lá tạo thành hình răng cưa, vết khô lan nhanh làm lá héo nhanh và tàn sớm; Thiếu kali (K2O) xuất hiện các vệt màu nâu, nâu tím trên các rãnh của gân lá, sau đó toàn bộ mặt lá chuyển màu vàng óng, bắt đầu từ những lá già. Phiến lá bị rách, lá chuyển khô và bị gẫy gập xuống. Hiện tượng này lan dần từ lá già tới lá non làm cho cây chuối trụi lá dần, năng suất sụt giảm nghiêm trọng.
– Các trung lượng: Thiếu canxi (Ca) xuất hiện những vệt vàng hình răng cưa không liên tục ở đầu lá, sau chuyển vàng óng và đỏ nâu, gân lá dày lên, lá uốn cong, thiếu nặng làm lá búp bị nghẹt, vỏ quả nứt; thiếu magiê (Mg) xuất hiện những vệt màu trắng vàng dọc theo mép lá, mép lá úa vàng và khô nhanh, lá già xuất hiện trước; thiếu lưu huỳnh (S) làm gân phụ dày lên, lá uốn cong, mép lá gợn sóng, phiến lá xuất hiện nhiều đốm chấm tạo thành dải sọc.
– Một số vi lượng: Thiếu bo (B) làm lá bị cong một bên, lượn sóng, đầu lá bị xoắn lại, cây con ra nhiều nhưng sinh trưởng bị đình trệ; Thiếu mangan (Mn) xuất hiện úa vàng từ lá thứ 2 đến lá thứ 4 sau lan dần ra các lá khác, vệt úa vàng xen kẽ những vệt xanh tạo thành hình răng lược; Thiếu đồng (Cu) làm bẹ và lá cây bị úa vàng. Mép các lá già xuất hiện vệt chết khô ở mép lá, sinh trưởng của cây bị chậm lại, lá bị rũ xuống, số lá giảm…
Cách bón phân cho chuối:
– Bón lót trước khi trồng: 10-15kg phân hữu cơ + 1-2kg lân cho mỗi hố trồng.
– Tưới thúc: Định kỳ 15 ngày tưới một lần bằng cách hòa 50-100gam NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu trong 10-15 lít nước. Bắt đầu tưới sau trồng 10 ngày và khi được 2 tháng thì chuyển qua bón vào đất.
– Bón thúc: Sau trồng 2 tháng bón phân NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu, lượng bón 30-50 gam/cây/lần.
– Sau trồng 3-4 tháng: 100-150kg NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu/cây.
Từ tháng thứ 5 trở đi tới khi thu hoạch lần đầu, mỗi tháng bón một lần bằng phân NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu. Lượng bón 200-300 gam/cây, bón rải quanh gốc cây.
– Với chuối đã cho thu hoạch, đã mọc thành bụi (2-5 cây) lượng bón ở các thời kỳ như sau:
+ Sau khi thu hoạch: Đào bỏ ngay cây mẹ và bón cho mỗi bụi 5-10kg phân chuồng + 0,5-1,0kg NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu.
+ Trước khi chuối trổ hoa: Bón 0,5-1kg NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu/bụi.
+ Sau khi trổ hoa: Bón định kỳ 1-1,5 tháng/lần bằng phân NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu. Lượng bón 0,5-0,75 kg/bụi/lần.
Theo VNG