Giúp nông dân Lục Nam tiêu thụ nông sản trực tuyến

Lượt xem: 293

Với diện tích và sản lượng lớn, sản phẩm nông nghiệp đa dạng, việc tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ quan trọng đối với huyện Lục Nam (Bắc Giang). Bên cạnh những cách tiêu thụ truyền thống, gần đây, huyện đã có nhiều giải pháp giúp người dân tiếp cận người tiêu dùng nhanh hơn, tăng thu nhập.

Mùa này đến xã Bảo Sơn dễ dàng bắt gặp những chiếc xe tải chạy hối hả khắp các triền đồi trồng dứa để thu mua, vận chuyển đi tiêu thụ. Tìm đến vạt dứa đang sắp đến kỳ cho thu hoạch của gia đình ông Lâm Văn Vạn, thôn Đồng Cống, phải đợi một lúc vợ chồng ông mới đi từ đỉnh đồi xuống.

Kiểm tra những quả dứa đang chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng, mỗi quả ước chừng nặng hơn 1 kg, ông Vạn nói: “Gia đình tôi có gần 4 ha dứa, trồng theo kiểu gối vụ. Mặc dù tốn công chăm sóc nhưng trồng dứa cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây khác. Với giá bán từ 7,5 – 8 nghìn đồng/kg như hiện nay, cho lãi khoảng 150 triệu đồng/ha/vụ. Trước đây chúng tôi phải lo từ khâu trồng, chăm bón, thu hoạch đến vận chuyển ra chợ. Có khi 2 giờ sáng đã phải thức dậy để bẻ dứa, dùng xe máy đưa từng sọt đi bán, rất vất vả, tốn công. Nay các đầu mối thu mua đưa ô tô vào tận vườn, thuận mua vừa bán. Vừa qua tôi được phổ biến về cách bán, đặt dứa qua Internet và các mạng xã hội. Quả nhiên, sản phẩm dứa Bảo Sơn được nhiều người biết đến hơn”.

Theo ông Dương Ngọc Vương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Sơn, toàn xã có 250 ha dứa, tập trung nhiều ở các thôn Đồng Cống, Quất Sơn, Hà Sơn 1, Huê Vận 2… sản lượng bình quân 5 nghìn tấn/năm. Quả dứa Bảo Sơn được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng do chất lượng tốt, sản xuất an toàn. Tuy nhiên cũng giống nhiều loại nông sản khác, quả dứa không tránh khỏi những lúc “được mùa, mất giá” hoặc khó khăn trong mở rộng thị trường. Để khắc phục, xã Bảo Sơn vừa thành lập tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ đưa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương lên không gian mạng, hỗ trợ nông dân tiếp cận các sàn thương mại điện tử.

Tháng 4 vừa qua, chính ông Dương Ngọc Vương được tham gia chương trình đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam, hiện dứa Bảo Sơn cũng đã có một gian hàng trên sàn này. Mặc dù vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, chưa hoạt động chính thức nhưng đã mở thêm một kênh tiêu thụ nông sản cho người dân với ưu điểm không còn bị giới hạn về không gian và thời gian như các kênh truyền thống trước đây.

Sản phẩm dứa Bảo Sơn được biết đến với nhãn hiệu “Dứa ngọt Lục Nam” đang được hỗ trợ đưa lên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn.
Sản phẩm dứa Bảo Sơn được biết đến với nhãn hiệu “Dứa ngọt Lục Nam” đang được hỗ trợ đưa lên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn.

Còn với HTX Nông sản an toàn Lục Nam (thị trấn Đồi Ngô) mỗi năm liên kết với nông dân trong huyện cung cấp ra thị trường khoảng 200 – 300 tấn dưa các loại, măng tây… Ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc HTX cho biết, bên cạnh chuỗi cửa hàng trong tỉnh và nhiều tỉnh, TP khác như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Yên… hệ thống bán hàng của đơn vị được đẩy mạnh tiêu thụ qua hình thức online.

Đặc biệt là thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, người tiêu dùng đặt mua hàng qua facebook, zalo với số lượng lớn. “Chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh bán hàng theo cách này, hướng đến các khách hàng có thói quen mua hàng trực tuyến, mở rộng thị trường tiêu thụ” – ông Phương nói.

Được biết, tổng diện tích gieo trồng của huyện Lục Nam hằng năm đạt hơn 36 nghìn ha, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản trung bình hơn 3.500 tỷ đồng/năm, nhiều sản phẩm cây ăn quả như na, dứa đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa tập thể, có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý từ năm 2020. Ngoài ra, huyện đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, duy trì 33 cánh đồng mẫu, 41 mô hình công nghệ cao.

Ông Nguyễn Hữu Luân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện trao đổi: Hiện có một số sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Postmart.vn… đã kết nối đưa những sản phẩm nông sản của huyện lên giao dịch như: Na dai, dứa ngọt Lục Nam, củ đậu, dưa lưới. Tuy vậy, hình thức này còn mới mẻ đối với nông dân, nhiều người chưa quen với phương pháp bán hàng hiện đại.

Thời gian tới, huyện tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, an toàn, tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị. Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực. Giúp các hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử về hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa nông sản lên sàn, tạo lập tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch.

Hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Cung cấp thông tin thị trường, nguyên liệu đầu vào, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất, thời tiết, mùa vụ, giá giống và phân bón… Qua đó kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa của huyện cả trong và ngoài nước.