Hợp tác xã – nhân tố chính phát triển ngành nghề nông thôn

Lượt xem: 607

Xác định nhân tố chính trong thực hiện Chương trình OCOP là các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), Hội Nông dân (HND) tỉnh Bắc Giang đang tích cực thực hiện nhiều đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hoá. Qua đó, phát huy những sản phẩm có tiềm năng, chủ lực, xây dựng sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH vùng nông thôn.

Đứng thứ 7 toàn quốc về sản phẩm OCOP

Kể từ khi thực hiện Chương trình OCOP tới nay, Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hiện toàn tỉnh có 155 sản phẩm OCOP, trong đó có 36 sản phẩm 4 sao và 119 sản phẩm 3 sao, đưa Bắc Giang xếp thứ hai khu vực miền núi phía Bắc (sau Hà Giang) và đứng thứ 7 cả nước về số sản phẩm OCOP, góp phần cải thiện đời sống người dân và diện mạo nông thôn của tỉnh.

Các đại biểu thăm quan gian trưng bày tại lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu lần thứ III.
Các sản phẩm chế biến từ thịt gà của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế.
Các sản phẩm chế biến từ thịt gà của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế.

Theo đó, HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng, nhân tố chính trong sản xuất và xây dựng các sản phẩm OCOP. Bởi HTX có 3 nhiệm vụ chính, đó là: Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, phát triển vùng sản xuất hàng hóa; thúc đẩy liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị; đầu mối tiếp nhận, chuyển giao chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác, nhằm tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể, hạt nhân là các HTX thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Qua thống kê, mỗi làng, xã trên địa bàn tỉnh đều có ít nhất một sản phẩm đặc trưng, chủ lực. Để trở thành các sản phẩm được người tiêu dùng trong nước, khu vực và thế giới biết đến cũng như mở rộng hơn nữa thị trường thì các HTX thông qua chương trình OCOP đang đóng góp không nhỏ để thực hiện điều này.

Mấy năm trước, xây dựng sản phẩm OCOP phần lớn là các hộ gia đình, nhưng hiện nay hơn 80% đối tượng tham gia là các DN, HTX. Đến hết năm 2021, trong 155 sản phẩm đạt OCOP của tỉnh thì có 127/155 sản phẩm của 86 HTX. Tiêu biểu như HTX Rau sạch Yên Dũng, HTX Nông nghiệp Sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn) cùng có 3 sản phẩm OCOP; HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế có 2 sản phẩm…

Từ việc xác định được vai trò quan trọng của các THT, HTX trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, thời gian qua HND các cấp đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình THT, HTX như: Đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, vai trò của các THT, HTX; phối hợp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn về điều kiện cần thiết, hồ sơ, thủ tục cho việc thành lập THT, HTX…

Sơ chế, đóng gói rau sạch trước khi bán ra thị trường tại HTX Rau sạch Yên Dũng. Ảnh: Đại La
Sơ chế, đóng gói rau sạch trước khi bán ra thị trường tại HTX Rau sạch Yên Dũng. Ảnh: Đại La

Đặc biệt, để có cơ chế cho các THT, HTX phát triển bền vững tích cực tham gia vào sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, HND tỉnh đã xây dựng và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt 2 đề án gồm: “Xây dựng THT tạo tiền đề để phát triển thành HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025” và “HND các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 – 2025”.

Sau triển khai, thực hiện các đề án, hằng năm, HND các cấp đã vận động, hướng dẫn thành lập từ 40-50 THT và 20-25 HTX mới. Hiện tổng số THT, HTX do Hội hướng dẫn thành lập là 260 THT và 80 HTX. Bên cạnh nâng cao về số lượng, HND cũng quan tâm hỗ trợ các THT, HTX nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất, hỗ trợ tư vấn phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu, tem truy xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm…

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Mặc dù vai trò của HTX trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP đã dần được khẳng định, nhưng trên thực tế, số lượng HTX nông nghiệp trên địa bàn quy mô hoạt động còn nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao. Số lượng các sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng còn thiếu tính cộng đồng, tính tự nguyện, chủ yếu dựa vào sản phẩm có sẵn, khả năng thương mại yếu, chỉ tập trung vào sản phẩm mà thiếu sự hỗ trợ nâng cao năng lực thương mại.

Hiện toàn tỉnh có 155 sản phẩm OCOP, trong đó có 36 sản phẩm 4 sao và 119 sản phẩm 3 sao, đưa Bắc Giang xếp thứ hai khu vực miền núi phía Bắc (sau Hà Giang) và đứng thứ 7 cả nước về số sản phẩm OCOP.

Trình độ quản lý điều hành của một số HTX còn yếu, lúng túng trong định hướng, xây dựng kế hoạch, giải pháp hoạt động, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể ở một số ít đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến hiệu quả hoạt động của một số HTX còn hạn chế.

Để tiếp tục phát huy tốt vai trò của THT, HTX trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, góp phần hoàn thành mục tiêu của tỉnh năm 2022, đó là có thêm từ 25-30 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, nâng hạng sao cho từ 5-10 sản phẩm, xây dựng, phát triển ít nhất một sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, phấn đấu có tối thiểu một sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn nhằm thu hút khách du lịch và quảng bá hoạt động du lịch của tỉnh, HND các cấp tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội, các sở, ngành có liên quan tuyền truyền vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia, thành lập các THT, HTX.

Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động của các THT, HTX. Chú trọng phát triển các mô hình THT, HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng, các sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm OCOP. Khuyến khích các THT, HTX tăng cường liên kết để tăng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đủ lớn, có sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường…

Cùng với đó, bản thân các HTX cũng cần chủ động phát huy nội lực, liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, đẩy mạnh quảng bá và xây dựng thương hiệu, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, để nâng cao giá trị gia tăng.

Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh