Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Bắc Giang: Nhiều hộ kiếm tiền tỷ mỗi năm

Lượt xem: 250
Qua bình xét, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có trên 100.000 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp, trong đó có từ 200-400 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Các hộ này cũng giúp đỡ hàng nghìn hộ thoát nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn.

Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tăng cả về lượng và chất

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang khẳng định, trong 5 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

“Số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương tăng so với nhiệm kỳ trước và các hộ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình và đóng góp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” – ông Đoàn chia sẻ.

Hàng trăm nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Bắc Giang có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang và lãnh đạo Hội Nông dân huyện Yên Dũng trao đổi với “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022” Nguyễn Văn Mùi ở xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Khương Lực

Trong 5 năm qua, 10/10 huyện, thành hội, 100% cơ sở và chi hội tổ chức phát động và hướng dẫn cho hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp phù hợp với mô hình sản xuất của gia đình. Bình quân, hằng năm có trên 130.000 hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm trên 60% so với tổng số hộ nông dân trong tỉnh.

Qua bình xét, mỗi năm có trên 100.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp chiếm 82% số hộ đăng ký, trong đó tỷ lệ hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương 1%, cấp tỉnh 3%, cấp huyện 16%, cấp cơ sở 80%.

Bình quân hằng năm có trên 50.000 hộ đạt thu nhập từ 100-500 triệu đồng/ năm; 1.500-2.000 hộ thu nhập từ 500- 1 tỷ đồng/năm và 200-400 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hộ nông dân tiêu biểu có mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập cao.

Theo ông Lã Văn Đoàn, nét nổi bật của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là các hộ đã tạo ra công ăn việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn, bao tiêu nông sản cho các hộ dân và giúp đỡ các hộ nghèo cùng vươn lên thoát nghèo, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu và người khá giàu thì giàu thêm.

Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của bà Nguyễn Thị Chiếm, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) cho thu nhập 2,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 12 lao động; mô hình chăn nuôi lợn của ông Hoàng Đình Quê, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) cho thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động; Mô hình sản xuất chế biến gỗ của gia đình ông Nguyễn Văn Sự, xã Hợp Đức (Tân Yên) thu nhập bình quân hằng năm 2,5 tỷ đồng, thường xuyên tạo việc làm cho 50 lao động; mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Ngô Văn Ánh, xã Bảo Đài (Lục Nam) thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động.

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, nhiều mô hình tạo hiệu quả kinh tế cao

Thông qua phong trào, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu canh tác, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng vùng; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, phương thức canh tác tiên tiến, hiện đại gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

“Trong những năm qua mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp nhưng trong khó khăn các cấp ủy, chính quyền cũng như Hội Nông dân các cấp đã giúp cho hội viên nông dân cũng như các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tìm một đầu ra ổn định và thay đổi phương thức tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang phương thức hiện đại, thực hiện áp dụng công nghệ 4.0 như bán hàng qua các trang mạng, trang fanpage, zalo, facebook, rồi các sàn giao dịch điện tử. Do vậy, nông sản Bắc Giang trong những năm qua đã được tiêu thụ một cách tương đối thuận lợi”- ông Đoàn thông tin.

Nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Bắc Giang kiếm tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 4.

Tỉnh Bắc Giang có từ 200-400 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Trong những năm qua, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã liên kết thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, HTX để liên kết trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm sản xuất tạo thành những vùng hàng hóa tập trung, có khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng, thương hiệu và có sức cạnh tranh trên thị trường.

Đến nay, Hội đã hướng dẫn và thành lập 71 HTX, 191 tổ hợp tác, 856 tổ liên kết, 281 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 34 chi hội nông dân nghề nghiệp. Các mô hình hoạt động đã phát huy hiệu quả, tạo sự gắn kết giữa các thành viên khi có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Điển hình như 549 tổ liên kết và tiêu thụ nông sản, chi hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều ở huyện Lục Ngạn; chi hội sản xuất tiêu thụ bánh chưng Vân ở Hoàng Vân (Hiệp Hòa), HTX Na dai Nghĩa Phương (Lục Nam)… Qua đó, góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn như vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng sản xuất cam lòng vàng ở Lục Ngạn; vùng chăn nuôi gà đồi, chè bản Ven ở Yên Thế; vùng sản xuất rau chế biến ở Tân Yên, Lạng Giang; vùng sản xuất gạo thơm hàng hóa ở Yên Dũng…

Thông qua phong trào, nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn tiếp thu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các cây con giống mới vào sản xuất, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả, dồn điền đổi thửa được 16.962 ha, xây dựng 165 cánh đồng mẫu với tổng diện tích 5.159 ha, diện tích vải thiều sản xuất theo VietGap 15.000 ha, diện tích rau chế biến, rau an toàn 8.800 ha.

Một số hộ nông dân đã kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm như: trồng hoa chất lượng cao ở TP Bắc Giang; dứa ở Lục Nam, Lạng Giang; măng lục trúc ở Tân Yên; ba kích tím ở Sơn Động; na thái ở Lục Nam, Lục Ngạn…

Nông dân hiến trên 1,4 triệu m2 đất xây dựng nông thôn mới

Từ phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, tham gia tích cực phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi luôn gương mẫu, tích cực tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở ở nông thôn, thực hiện các tiêu chí thu nhập, nhà ở, giao thông đường làng, ngõ xóm, vệ sinh môi trường và giúp đỡ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để nâng cao thu nhập, xây dựng mô hình nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu văn minh và bền vững hơn.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, các Hội viên, nông dân hiến trên 1,4 triệu m2 đất; đóng góp trên 51 tỷ đồng; trên 350 nghìn ngày công lao động; sửa chữa, bê tông hóa trên 3.770 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa, sửa chữa trên 1.000 km kênh mương nội đồng…

Đến hết năm 2021, tỉnh Bắc Giang có sáu đơn vị cấp huyện, 138 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 146 thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp ở Bắc Giang đã đề nghị UBND cùng cấp khen thưởng hàng trăm hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; các cấp hội biểu dương, tôn vinh trên 1.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Mục tiêu thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2023-2028 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

– Hằng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Phấn đấu đến năm 2026 cơ cấu tỷ lệ bình quân hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp là: cấp cơ sở 75%, cấp huyện, thành phố 20%, cấp tỉnh 5%, cấp Trung ương 1%.

– Hằng năm mỗi cơ sở hội xây dựng ít nhất 01 mô hình liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh hoạt động hiệu quả từ mô hình các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.

– 100% hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đăng ký, cam kết sản xuất kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường nông thôn.

– Phấn đấu 100% hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi biết sử dụng và khai thác mạng internet phục vụ sản xuất kinh doanh, tiếp cận công nghệ số, sàn thương mại điện tử.

– Phấn đấu hằng năm tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, huyện 10% trở lên.

– Phấn đấu hằng năm, mỗi huyện, thành hội trực tiếp hướng dẫn, xây dựng mới và nâng số sao từ 2-3 sản phẩm OCOP.

Nguồn: Báo Dân Việt