Bắc Giang: Tăng hiệu quả sản xuất nhờ hợp tác xã

Lượt xem: 476

Quan tâm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hội viên thành lập hợp tác xã (HTX) là một trong những biện pháp được các cấp hội nông dân huyện Lục Nam (Bắc Giang) thực hiện. Nhờ hoạt động của HTX, giá trị sản xuất nông nghiệp được nâng lên.

Thành lập từ tháng 7/2022, HTX Hữu cơ Lục Nam ở xã Bảo Sơn hiện có 7 thành viên. Trên cánh đồng rộng 3,2 ha trồng chuyên canh cây dược liệu hương thảo, chị Nguyễn Thị Nga cùng các thành viên HTX tập trung chăm bón lại cây sau đợt thu hoạch trước đó. Chị chia sẻ: “Vào HTX, chúng tôi không phải lo lắng đầu ra cho sản phẩm. Trong quá trình chăm sóc cây, hội viên được hướng dẫn kỹ thuật. Gia đình tôi có gần 1 ha, trung bình mỗi sào đạt 2 tạ lá tươi. Với giá bán 20 nghìn đồng/kg, thu nhập khoảng 16 triệu đồng/sào/năm”.

Ông Dương Ngọc Vương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Sơn cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 5 HTX đang hoạt động hiệu quả. Hội luôn quan tâm cử đại diện thành viên các HTX, chủ trang trại, gia trại tham gia các lớp tập huấn về quy trình, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; phương thức liên kết tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử… Đơn cử như sản phẩm dứa, địa phương đang duy trì, hướng dẫn kỹ thuật cho 35 hộ dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mục tiêu là nâng cao chất lượng, tiến tới hoàn thiện hồ sơ tham gia nâng hạng sao sản phẩm dứa”.

Cán bộ Hội Nông dân xã Bảo Sơn thăm mô hình trồng dứa của HTX  Dứa Lục Nam. 
Cán bộ Hội Nông dân xã Bảo Sơn thăm mô hình trồng dứa của HTX  Dứa Lục Nam.

HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lục Sơn có 69 thành viên chuyên sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, tổng diện tích khoảng 50 ha, sản lượng trung bình đạt khoảng 500 tấn/năm. Nhãn Lục Sơn vừa được cấp mã vùng trồng, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao nên tiêu thụ thuận lợi.

Ông Nguyễn Đình Thế, Giám đốc HTX cho biết: “Thời gian qua, HTX tích cực kết nối các xã viên tổ chức, tham gia nhiều buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP; kiểm tra, ứng dụng zalo để thông tin tới các thành viên về thời vụ chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình, sử dụng phân bón có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm có bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, tạo được niềm tin đối với khách hàng”.

Trên địa bàn huyện Lục Nam hiện có 27 HTX với 265 thành viên do Hội Nông dân huyện trực tiếp hướng dẫn thành lập. Các HTX đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển một số sản phẩm chủ lực ở địa phương như: Na dai, dứa, nhãn và một số loại cây rau màu gồm: Hành lá, dưa leo, khoai sọ… Bà Ngô Thị Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện thông tin: “Hội xác định công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển kinh tế HTX là nhiệm vụ quan trọng gắn với củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội. Chúng tôi đã chỉ đạo các cấp hội tích cực vận động hội viên nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể. Hằng năm, thông qua các kỳ sinh hoạt chi, tổ hội, các lớp tập huấn, hội viên được tiếp cận các phương thức phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Từ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, căn cứ vào tình hình thực tế ở cơ sở, theo nhu cầu và đặc thù về lợi thế sản xuất từng địa phương, Hội Nông dân huyện hướng dẫn các hộ tham gia các tổ hợp tác, HTX theo loại hình nghề nghiệp, ngành nghề phù hợp”.

Huyện Lục Nam hiện có 27 HTX với 265 thành viên do Hội Nông dân huyện trực tiếp hướng dẫn thành lập. Các HTX đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển một số sản phẩm chủ lực ở địa phương như: Na dai, dứa, nhãn và một số loại cây rau màu khác.

Để nâng cao hiệu quả trong hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế HTX, Hội Nông dân huyện còn chủ động phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý HTX gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm; tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nhờ vậy, các HTX sau khi thành lập cơ bản đã phát huy vai trò của mình trong liên kết sản xuất. Đơn cử như HTX Dưa leo quê Lục Nam, sau 3 năm thành lập, mỗi năm tiêu thụ khoảng 7 nghìn tấn nông sản, chủ yếu là dưa leo, khoai tây, khoai sọ, hành… cho người dân trong xã và địa phương lân cận. Trong đó chiếm hơn nửa là dưa leo. HTX đang duy trì hợp đồng cung cấp dưa leo với sản lượng 20-30 tấn/ngày cho Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu G.O.C (xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang); ký hợp đồng tiêu thụ tại TP Hà Nội và các tỉnh miền Trung.

Việc thành lập HTX đã tạo được mối liên kết vững chắc, giúp nông dân giảm thiểu những chi phí không cần thiết, gia tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các HTX mới thành lập vẫn còn gặp khó khăn chung như: Thiếu vốn, việc chủ động tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế… Khắc phục khó khăn trên, thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan quan tâm hơn nữa tới việc liên kết, tiêu thụ nông sản sau thu hoạch để các HTX yên tâm phát triển sản xuất.

Bài, ảnh: Vân Anh