Hội nông dân Yên Dũng: Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể

Lượt xem: 576

Xây dựng kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là tổ hợp tác , hợp tác xã (HTX) có vai trò quan trọng.  Đây là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu mà Hội Nông dân (HND) huyện Yên Dũng (Bắc Giang) tập trung thực hiện. 

Hỗ trợ thiết thực

HTX Công nghệ cao Trí Yên canh tác trên diện tích gần 5 ha tại thôn Đức Thành, xã Trí Yên, trong đó có 3,5 ha nhà màng. Toàn bộ diện tích sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP năm 2018. Hiện HTX sản xuất các loại dưa có giá trị kinh tế cao (dưa leo, dưa lê, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc…), các loại rau và dâu tây. Tổng sản lượng rau, quả tự sản xuất đạt hơn 80 tấn/năm, doanh thu hơn 2,5 tỷ đồng. Năm 2022, HTX đưa vào trồng 2 loại quả đặc sản, lợi nhuận đạt hàng trăm triệu đồng/ha/vụ, đó là dưa lưới Ichiba (Nhật Bản) và ớt chuông.

Dù sản xuất nhiều loại rau, quả nhưng đến nay HTX vẫn chưa có sản phẩm nào được công nhận là OCOP của tỉnh. Nhận thấy điều này, đầu năm nay HND huyện Yên Dũng và xã Trí Yên đã hỗ trợ tư vấn, lập hồ sơ, thủ tục đăng ký chất lượng sản phẩm “Dưa lưới Ichiba” và “Ớt chuông Trí Yên” để tham gia phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao của huyện và tỉnh trong đợt 1 năm nay. Anh Trần Xuân Đăng, Giám đốc HTX chia sẻ: “Nhờ có sự hỗ trợ của HND Yên Dũng và xã Trí Yên, năm nay chúng tôi sẽ nâng diện tích dưa lưới Ichiba và ớt chuông lên gấp đôi”.

Sản xuất nấm rơm tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Duy Bàn, xã Lãng Sơn.

Sản xuất nấm rơm tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Duy Bàn, xã Lãng Sơn.

Tương tự, đầu năm nay, HND xã Lãng Sơn đã tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện toàn bộ hồ sơ, thủ tục pháp lý thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Duy Bàn (thôn Mỹ Tượng), giúp HTX hoàn tất hồ sơ, chứng nhận đánh giá chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm nấm rơm. Nhờ đó, HTX sớm có quyết định thành lập đầu tháng 3 vừa qua. Ông Nguyễn Duy Bàn, Giám đốc HTX cho biết: “Nhiều năm qua, gia đình tôi chỉ biết sản xuất nấm rơm bán cho các thương nhân đến thu mua hoặc chợ đầu mối. Nay được HND xã tư vấn, động viên thành lập HTX và xây dựng sản phẩm nấm rơm thành sản phẩm OCOP của tỉnh nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư, mở rộng thêm 500 m2 nhà xưởng. Tới đây, HTX có thể tự tin đưa sản phẩm của mình vào các siêu thị, góp phần nâng giá trị sản phẩm và thu nhập cho các thành viên”.

Chị Bùi Thị Xuân, Chủ tịch HND xã Lãng Sơn cho biết, ngoài hỗ trợ thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Duy Bàn, năm 2022, HND xã đã đứng ra thành lập Hội liên kết chăn nuôi bò thôn Tân Mỹ với 21 hộ tham gia, tổng đàn gần 100 con. Tham gia mô hình, các hộ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Nếu như trước đây, hằng ngày mỗi nhà phải cử 1 người đi chăn bò, thì nay Hội liên kết cắt cử luân phiên 2 người đi chăn cả đàn bò/ngày, giảm được rất nhiều công lao động. Đặc biệt, tham gia mô hình, đã có 6 hộ được vay vốn ưu đãi mở rộng sản xuất. Ví như hộ ông Hoàng Văn Tĩnh và hộ bà Nguyễn Thị Nguyệt, mỗi gia đình được vay 90 triệu đồng mua bò giống. Nhờ hợp tác chăn nuôi, nhiều hộ có thu nhập 50 triệu đồng/năm trở lên.

Mỗi cơ sở hội có một mô hình KTTT

Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành HND tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023 về đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phát triển KTTT trong nông nghiệp, nông thôn, HND Yên Dũng đã chủ động tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích xây dựng nhiều mô hình. Bao gồm: 16 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP; 33 mô hình với diện tích 1,1 nghìn ha; 50 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích nhà lưới, nhà màng 12 ha; 10 vùng sản xuất rau an toàn mang lại hiệu quả cao. Riêng các cấp HND trong huyện đã hướng dẫn thành lập được 25 tổ hợp tác sản xuất kinh doanh; phối hợp thành lập mới 10 HTX.

Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp HND trong huyện Yên Dũng đã hướng dẫn thành lập được 25 THT sản xuất kinh doanh; phối hợp thành lập mới 10 HTX.

Ông Nguyễn Mạnh Chiến, Chủ tịch HND huyện Yên Dũng chia sẻ: “Việc đẩy mạnh thành lập các tổ hợp tác, HTX đã giúp nông dân cách thức làm ăn mới, mở rộng quy mô, thị trường, hướng đến sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, theo chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa nông sản an toàn”. Phát huy kết quả này, HND huyện đề ra mục tiêu đến năm 2028, 100% cơ sở hội có ít nhất 1 mô hình KTTT do HND hướng dẫn tổ chức. Để hoàn thành, HND sẽ kết hợp giữa tuyên truyền vận động với hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức KTTT. Tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất tiêu biểu. Tăng cường phối hợp với các cấp, ngành và doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân về giống, vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Chú trọng phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đem lại hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Văn Nguồn, Phó Chủ tịch HND tỉnh nhìn nhận, nhiệm kỳ qua, HND huyện Yên Dũng đã thu được nhiều kết quả vượt trội trong hoạt động. Trong đó, có phong trào hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức KTTT trong nông nghiệp. Do đó, HND huyện Yên Dũng được chọn là đơn vị tổ chức Đại hội điểm HND cấp huyện, nhiệm kỳ 2023-2028. Phát triển mô hình KTTT là một trong những nội dung quan trọng, tới đây HND tỉnh đưa vào chỉ tiêu Đại hội HND tỉnh lần thứ X để các cấp hội trong tỉnh tập trung thực hiện. HND huyện Yên Dũng cần khảo sát, nắm chắc nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, nông dân để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải pháp hỗ trợ thiết thực, đồng thời nhân rộng các mô hình có hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương.

Bài, ảnh: Đại La