Ngày 25/5, tại xã Tự Lạn (Việt Yên), Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Bắc Giang: Trao đổi kinh nghiệm canh tác lúa thân thiện với môi trường
29/05/2023 15:48
Các đại biểu tham quan cánh đồng lúa thân thiện với môi trường tại xã Tự Lạn (Việt Yên). |
Hơn 150 đại biểu là cán bộ Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện Việt Yên, Sơn Động, Tân Yên và cán bộ, nông dân một số xã thuộc địa bàn ba huyện nói trên tham gia.
Theo ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, năm 2020, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam triển khai dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam”. Nhiều địa phương trong tỉnh đã tham gia (chia theo các giai đoạn), trong đó có huyện Việt Yên.
Phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường chú trọng vào các kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả. Theo đó, nông dân được tuyên truyền không đốt rơm rạ mà dùng rơm rạ ủ gốc cho cây trồng khác hoặc xử lý bằng chế phẩm làm phân bón; hạn chế thuốc bảo vệ thực vật; tưới tiêu hợp lý theo nhu cầu phát triển của cây… Thông qua đó góp phần tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại.
Đại diện Công ty Cổ phần giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam trao đổi một số kỹ thuật chăm sóc lúa thân thiện với môi trường. |
Các đại biểu được tìm hiểu thực tế tại một số cánh đồng trồng giống lúa J02 theo phương pháp canh tác thân thiện với môi trường tại thôn Nguộn và Râm, xã Tự Lạn.
Được biết, vụ xuân năm 2023, hai thôn trên có 240 hộ tham gia dự án với tổng diện tích 54,3 ha, vượt kế hoạch 24,3 ha (trong đó thôn Nguộn có 123 hộ gieo trồng 25,9 ha; thôn Râm có 117 hộ gieo trồng 28,4 ha).
Các hộ thực hiện đúng kỹ thuật được hướng dẫn. Khoảng 15 ngày nữa lúa chín vàng đều, nông dân sẽ thu hoạch. Dự kiến sản lượng từ 280 đến 300kg thóc tươi/sào; gạo J02 khi nấu thành cơm sẽ có độ dẻo, vị thơm đặc trưng.
Đại diện Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh, sau khi thu hoạch lúa, bà con sử dụng chế phẩm sinh học trộn với cát để vãi vào rơm rạ ngay tại đồng ruộng; cày lấy đất lấp kín chế phẩm nhằm duy trì độ ẩm, giúp rơm rạ phân hủy hoàn toàn, trở thành phân bón có độ dinh dưỡng cao.
Đại diện Hội Nông dân tỉnh đề nghị Hội Nông dân huyện Sơn Động, Tân Yên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân canh tác lúa theo phương thức mới, thân thiện với môi trường; hướng dẫn các kỹ thuật canh tác bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”; lấy nông dân tuyên truyền cho nông dân.
Được biết, từ tháng 4/2023 đến 9/2024, 18 xã trên địa bàn 8 huyện sẽ tiếp tục thực hiện dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” giai đoạn 3.