Bắc Giang: Lợi bất cập hại từ đốt rơm rạ

Lượt xem: 488

Dịp này, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh đang thu hoạch lúa vụ chiêm xuân. Tuy nhiên, sau khi rơm rạ khô, người dân đốt ngay tại cánh đồng. Điều này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nguy cơ mất an toàn giao thông.

Dịp này, hàng chục ha lúa ở tổ dân phố Minh Phượng, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) đã được thu hoạch. Rơm rạ để lại đến khi khô thì người dân thu gom rồi đốt ngay tại ruộng; khói mù mịt, ngột ngạt khắp một vùng.

Người dân đốt rơm rạ tại cánh đồng thuộc tổ dân phố Minh Phượng, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng).

Nhiều cánh đồng ở các xã Dương Đức, Đào Mỹ (Lạng Giang) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Một người dân xã Đào Mỹ nói: “Bao năm nay, chúng tôi vẫn đốt rơm rạ ngay tại cánh đồng vì cách này nhanh gọn, tro rơm rạ được sử dụng làm phân bón. Cũng có lần được hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học, vi sinh nhưng tốn kém quá, chúng tôi không dùng nữa”.

Việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường. Nơi đốt ở gần đường, tạo khói bụi làm che khuất tầm nhìn, nguy cơ mất an toàn giao thông. Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi đốt rơm rạ làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân bị xử phạt 3 triệu đồng song đến nay chưa ai bị xử phạt về hành vi này.

Người dân đốt rơm rạ trên một cánh đồng thuộc xã Dương Đức (Lạng Giang).

Mặc dù đã được tuyên truyền, vận động song do thói quen từ nhiều năm mà người dân vẫn đốt rơm rạ ngay tại ruộng.

Trước thực tế trên, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở phối hợp tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ. Cùng đó triển khai Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2024.

Mới đây, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng rơm rạ đúng cách trong canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân 18 xã thuộc 8 huyện tham gia dự án.

Hội Nông dân tỉnh tập huấn kỹ thuật sử dụng rơm rạ đúng cách cho nông dân xã Tư Mại (Yên Dũng).

Cụ thể là:  Xã Lương Phong, Thái Sơn (Hiệp Hòa); xã Tân Trung, Phúc Sơn (Tân Yên); xã Hương Mai, Tự Lạn (Việt Yên); xã An Thượng, Hồng Kỳ, Tân Hiệp (Yên Thế); xã Vĩnh An, Cẩm Đàn (Sơn Động); xã Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa (Lạng Giang); xã Tư Mại, Xuân Phú (Yên Dũng); xã Bảo Sơn, Thanh Lâm (Lục Nam).

Nông dân được tuyên truyền, hướng dẫn không đốt rơm rạ, không vùi rơm rạ tươi vào đất hoặc ruộng ngập nước. Thay vào đó, người dân phun chế phẩm vi sinh lên ruộng lúa sau khi gặt; dùng rơm rạ để che, đậy cho những cây trồng khác (hành, tỏi, khoai tây…); dùng chế phẩm sinh học ủ phân không cần đảo; sử dụng rơm làm nấm. Qua đó giúp tạo nguồn phân bón chất lượng cho cây trồng, duy trì độ màu mỡ của đất canh tác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, không gây mất an toàn giao thông.

Được biết, 240 hộ của thôn Nguộn và Râm, xã Tự Lạn (Việt Yên) tham gia dự án đã cam kết không đốt rơm rạ tại ruộng sau khi thu hoạch vụ lúa chiêm xuân. Người dân sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ thành phân bón.

Nguồn: Báo Bắc Giang