Sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp

Lượt xem: 195

Quá trình sản xuất nông nghiệp tạo ra nguồn phế, phụ phẩm chất hữu cơ rất lớn. Nếu được tận dụng sẽ đem lại giá trị không nhỏ, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tại nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang duy trì nhiều cách làm hay tận dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp.

Việc sử dụng phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, góp phần hạn chế sử dụng các loại vật tư nông nghiệp và tạo ra nông sản chất lượng, sạch. Đối với cây lúa, phụ phẩm là rơm, rạ được dùng làm thức ăn chăn nuôi, chất độn chuồng, chất đốt, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất nấm hoặc được kết hợp xử lý để làm phân bón, phủ mặt luống giữ ẩm cho đất. Trong lĩnh vực chăn nuôi, chất thải vật nuôi đang được người dân tận dụng ủ làm phân bón hoặc sản xuất khí biogas làm nhiên liệu chất đốt…

Biến rơm, rạ, chất thải chăn nuôi thành sản phẩm có ích hơn

Tìm hiểu tại xã Thái Sơn (Hiệp Hòa), trước đây sau mỗi vụ thu hoạch lúa, người dân thường đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn phân hữu cơ hoặc chôn vùi rơm, rạ xuống đất khiến cây trồng dễ nghẹt rễ. Được Hội Nông dân tỉnh tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ thành phân bón, 500 hộ nông dân trên địa bàn xã Thái Sơn đã áp dụng thực hiện trên diện tích 60 ha.

Người dân xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa.

Thực hiện mô hình này, các hộ dân cam kết không đốt, không vùi rơm, rạ tươi vào đất hoặc ruộng ngập nước. Thay vào đó, bà con phun chế phẩm sinh học lên ruộng lúa sau khi gặt, dùng chế phẩm này ủ giúp rơm, rạ phân hủy nhanh, tạo mùn cho đất. Cùng đó, các hộ được hướng dẫn sử dụng rơm, rạ che đậy cho những cây trồng khác (dưa, hành, tỏi, khoai tây, cây ăn quả…) vừa có tác dụng giữ ẩm, vừa làm tơi xốp đất. Qua đánh giá, diện tích áp dụng kỹ thuật canh tác này đã giảm 20-30% lượng phân hóa học.

Gia đình ông Hoàng Đình Quê, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) đang nuôi hơn 2,5 nghìn con lợn được áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn. Ông sử dụng khí ga từ chất thải chăn nuôi chạy máy phát điện, đun nấu hoặc cung cấp nhiệt cho các hoạt động của trang trại, góp phần xử lý triệt để chất thải từ gia súc, gia cầm (mỗi năm tiết kiệm 300-350 triệu đồng tiền điện). Ngoài ra, ông dùng chất thải từ chăn nuôi lợn, gia cầm để nuôi giun trùn quế, giun phục vụ chăn nuôi, giúp giảm chi phí mua thức ăn, phân trùn quế được bán phục vụ hoạt động trồng trọt (mỗi năm cho thu lãi 250-300 triệu đồng).

Theo Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 18/7/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025, phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạng Giang, hằng năm tổng lượng phế phụ phẩm nông nghiệp phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 510 tấn. Trong đó, các hộ gia đình thu gom tận dụng làm chất đốt (210,1 tấn, chiếm 41,2%), thức ăn gia súc (199,8 tấn, chiếm 39,2%), phân hữu cơ (69,9 tấn, chiếm 13,7%), phần còn lại (30,2 tấn, chiếm 5,9%) vận chuyển về các điểm tập kết, thu gom về bãi rác tập trung để xử lý. Còn tại huyện Tân Yên, ngành chức năng và Hội Nông dân các cấp luôn quan tâm tập huấn, hướng dẫn hội viên kỹ thuật sản xuất cám từ phụ phẩm nông nghiệp.

Tận dụng nguồn nguyên liệu như cám gạo, ngô, đậu tương, bã cá khô, rơm, rạ… nghiền nhỏ rồi trộn thêm cám đậm đặc hoặc bột và muối làm thức ăn cho lợn đã giúp tiết kiệm chi phí, giảm phụ thuộc vào nguồn thức ăn công nghiệp. Tương tự, chỉ riêng các mô hình áp dụng nông nghiệp tuần hoàn tận dụng phụ phẩm, chất thải chăn nuôi cho sản xuất vải thiều ở Tân Yên đã tiết kiệm được 30-40% lượng phân bón hóa học.

Hỗ trợ xây dựng mô hình để nhân rộng

Theo ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, khối lượng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp hầu hết là xác hữu cơ thực vật như thân, lá, vỏ, hạt, lõi… có chứa lượng dinh dưỡng nhất định, có thể hoàn trả, cải tạo lại cho đất hoặc chế biến làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tài nguyên này đang bỏ phí.

Nhằm hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh cho nông sản và bảo vệ môi trường, thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng và các địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động hội viên tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh trong sản xuất nông nghiệp, giảm lượng phân bón hóa học.

Hội Nông dân tỉnh đang phấn đấu thành lập 72 tổ, nhóm với gần 4 nghìn người tham gia tuyên truyền nông dân sử dụng rơm, rạ đúng cách, hướng tới vận động 80% hội viên xóa bỏ tình trạng đốt, vùi trực tiếp rơm, rạ tươi vào đất. Qua đó, giúp người dân hiểu được lợi ích cũng như phương pháp áp dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất sau mỗi vụ thu hoạch lúa.

Điểm nhấn là mô hình xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học tại 18 xã thuộc 8 huyện. Đồng thời đang phấn đấu thành lập 72 tổ, nhóm với gần 4 nghìn người tham gia tuyên truyền nông dân sử dụng rơm, rạ đúng cách, hướng tới vận động 80% hội viên xóa bỏ tình trạng đốt, vùi rơm, rạ trực tiếp vào đất.

Qua đó, giúp người dân hiểu được lợi ích cũng như phương pháp áp dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất sau mỗi vụ thu hoạch lúa.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã cung ứng 3 tấn chế phẩm sinh học trong chăn nuôi cho 120 hộ và 30 trang trại, xây dựng được 15 mô hình sử dụng chế phẩm sinh học cho chăn nuôi lợn, gà, vịt tại các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên, Hiệp Hòa, Việt Yên… Cách làm này đã phát huy hiệu quả cao và được nhiều hộ dân áp dụng.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng