Thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp Bắc Giang

Lượt xem: 452

Chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là một trong chín lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số của tỉnh, trong đó người nông dân được xác định là trung tâm của chuyển đổi số. Đây vừa là mục tiêu, vừa là cơ hội để Bắc Giang thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, hiệu quả thấp, thiếu liên kết chuỗi giá trị hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, số hóa từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Để hiện thực hóa chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trong những năm qua, Sở Công Thương Bắc Giang đã luôn đồng hành với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất… tích cực triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh. Là địa phương đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số để xúc tiến thương mại, kết nối khách hàng trong và ngoài nước, trong 3 năm trở lại đây, Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo trực tuyến với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước, qua đó đã quảng bá rộng rãi các sản phẩm nông nghiệp, hình ảnh của tỉnh Bắc Giang với doanh nghiệp và du khách trong và ngoài nước. Thông qua các diễn đàn, hội nghị trực tuyến, Sở Công Thương đã kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước ký kết nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt, thường xuyên duy trì hội nghị trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm phát triển thị trường xuất khẩu. Việc ứng dụng nền tảng số trong tổ chức xúc tiến thương mại đã thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là thị trường các tỉnh phía Nam và thị trường xuất khẩu như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc… Đến nay, nhiều thị trường xuất khẩu đã trở thành thị trường truyền thống của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã mở bán hàng trên các nền tảng số, mỗi năm hàng nghìn tấn sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được tiêu thụ thuận lợi ở thị trường trong và ngoài nước như: Vải thiều, cam, bưởi, gà, mỳ Chũ…

Vườn vải thiều Lục Ngạn được quản lý mã số vùng trồng.

Ứng dụng chuyển đổi số không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất mà còn giúp nhiều doanh nghiệp nâng cao giá trị, tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các nền tảng thương mại điện tử như: Zalo, Facbook, Instagram, Youtube, sàn thương mại điện tử… Khi có lượng khách hàng ổn định, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để các sản phẩm nông sản của tỉnh ngày càng có chất lượng cao hơn, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc luôn được các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đầu tư và làm mới, đa dạng về mẫu mã, sản phẩm. Bên cạnh đó, khi tham gia vào các nền tảng số, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất từng bước nâng cao trình độ, ứng dụng các thiết bị số trong sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp cũng như việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh, hằng năm, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thương mại điện tử, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp (trong 3 năm qua đã tập huấn cho hơn 600 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất và hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử). Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong chuyển đổi số của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 178.400 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân có tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và đã đưa được gần 1.000 sản phẩm nông sản các loại. Đặc biệt, Sở Công Thương đã hỗ trợ 01 doanh nghiệp của tỉnh tham gia trên sàn thương mại điện tử quốc tế Alibaba.com, bước đầu đã có những khách hàng tại các nước như Anh, Pháp, Australia, Hà Lan, Đức ghé thăm và tìm hiểu thông tin. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức khóa huấn luyện “Tư vấn tiêu chí xuất khẩu và Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm qua sàn Alibaba.com” cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bắc Giang đã có những thành công bước đầu trong ứng dụng chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, đối tượng chủ yếu tác động, thụ hưởng là người nông dân, tổ hợp tác với trình độ công nghệ thông tin, hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất còn manh mún. Cán bộ cấp cơ sở ở các địa phương thực hiện triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp còn thiếu kiến thức, ít kinh nghiệm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản của tỉnh đa số có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn, nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu nhân viên quản trị mạng, dữ liệu công nghệ thông tin, quản trị các sản phẩm, gian hàng trên sàn giao dịch còn yếu, chưa chuyên nghiệp từ khâu quảng cáo tiếp thị, xây dựng hình ảnh sản phẩm, tiếp nhận đơn hàng, giới thiệu sản phẩm, chốt đơn hàng và chăm sóc khách hàng.

Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp,  hợp tác xã, hộ sản xuất ứng dụng chuyển đổi số mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp. Trong đó tập trung: (1) Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thương mại điện tử cho các đối tượng từ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân, quản lý, giám sát các hoạt động thương mại điện tử đảm bảo cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh lành mạnh, cạnh tranh, uy tín với người tiêu dùng. (2) Tổ chức các hội nghị trực tuyến với các đối tác thương mại trong và ngoài nước để kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh. Tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp triển khai, ứng dụng thương mại điện tử; ưu tiên các sản phẩm ocop, sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh. (3) Hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, hộ kinh doanh mở các gian hàng, kết nối khách hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Có thể nói, chuyển đổi số thông qua thương mại điện tử, các sản phẩm, hàng hóa nông sản đặc trưng, tiềm năng của tỉnh được giới thiệu nhiều hơn đến mọi miền của Tổ quốc và các nước trên thế giới, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước, sản phẩm bán được nhiều hơn, tạo thu nhập cao hơn cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh, thúc đẩy đầu tư, ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.

Phạm Công Toản – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang