Anh Nguyễn Hữu Quý – Nông dân thế hệ mới

Lượt xem: 123

Anh Nguyễn Hữu Quý (SN 1977) ở thôn Ngò 2, xã Đồng Kỳ (Yên Thế) hiện có đàn gà lai chọi quy mô lớn nhất tỉnh. Anh là một trong 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023, được đề cử một trong 10 “Công dân Bắc Giang Ưu tú”.

Làm giàu từ gà lai chọi

Bố mẹ anh Quý sinh được 6 anh chị em thì 4 người theo nghề chăn nuôi gà với quy mô từ vài nghìn đến vài chục nghìn con. Sinh ra từ làng nên anh quen với việc ruộng vườn từ nhỏ. Ngày trước, ở quê anh nhà nào cũng nuôi vài chục con gà, ngan, vài ba con lợn, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình, thỉnh thoảng mới đem ra chợ bán nên đồng tiền mang về chẳng được bao nhiêu. Đến khi trưởng thành, anh Quý có thời gian tham gia quân ngũ, sau đó về quê xây dựng gia đình, ngược xuôi tất bật đi chợ buôn chuyến nhằm thoát ly đồng ruộng. Một thời gian nhìn lại anh thấy công việc vất vả nhưng thường xuyên đi xa, đồng lãi kiếm được chỉ đủ ăn chứ không thể làm giàu.

Anh Nguyễn Hữu Quý trong trại chăn nuôi gà lai chọi.

Với chút vốn tích luỹ, gia đình anh mua 5 ha đất ở xã Đồng Vương trồng bạch đàn, keo song để có thu nhập từ rừng phải mất 5 – 7 năm. Trong thời gian chờ cây lớn, anh quyết định tập trung cho việc nuôi gà. Chỉ tay về hướng trại gà nằm xen những hàng cây bạch đàn đang vươn mình thẳng tắp, anh kể: “Năm 2005, tôi nuôi khoảng 3 nghìn con gà lai chọi ở quanh vườn nhà. Thấy con vật có sức đề kháng tốt, lớn nhanh, ít bệnh, phù hợp với địa hình đồi núi, một năm nuôi 2 lứa, lợi nhuận thấy rõ nên gia đình tôi tiếp tục đầu tư xoay vòng mở rộng quy mô”.

Chăn nuôi đàn lớn cần có quỹ đất rộng và bảo đảm vệ sinh môi trường, năm 2007, anh lập trại gà ở thôn Ngò 2, mua thêm các khoảnh vườn tạp lân cận mở rộng diện tích lên hơn 5,4 ha. Trang trại gà nằm trên đồi, xung quanh là keo, bạch đàn vừa lấy gỗ vừa tạo không gian thoáng mát cho gà sinh trưởng, tận dụng được nguồn chất thải chăm bón cho cây trồng.

Nuôi được con gà chất lượng đã khó nhưng xây dựng được thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” còn khó gấp nhiều lần. Để gà đạt mức cân nặng tốt nhất (từ 2,7-2,8 kg mùa đông và 2,4 – 2,5 kg vào mùa hè, sau mỗi vụ nuôi khoảng 4 tháng), mã đẹp, bán có lãi phụ thuộc nhiều yếu tố. Trước hết cần tìm được nguồn giống gà khoẻ mạnh. Chuồng trại được che chắn cẩn thận, bảo đảm thông thoáng, đủ ánh sáng. Để gà có mã lông đẹp hút khách, khi gà con được 12-14 ngày tuổi là phải dùi mỏ; tiếp đó dùi lần 2 khi gà hơn 50 ngày tuổi; tiêm vắc-xin phòng bệnh và bổ sung vitamin đúng kỳ để gà hấp thụ tốt.

Anh Quý khoe mới đầu tư xây dựng thêm 3 chuồng nuôi diện tích hơn 500 m2/chuồng, quy mô khoảng 15 nghìn con. Đến nay, gia đình anh có 20 chuồng với tổng đàn 28 nghìn con. Nhờ giữ chữ tín, gà lai chọi từ trang trại nhà anh Quý có đầu ra ổn định được thương lái ở Hà Nội và các chợ đầu mối về tận nơi đặt mua. Doanh thu năm 2022 của anh đạt 8,7 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 2,4 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, trang trại xuất bán hơn 2 vạn con, dự kiến bán rải từ nay đến Tết Nguyên đán khoảng 3 vạn con. Với giá hiện nay là 77 nghìn đồng/kg, lợi nhuận thu về ước đạt hơn 2 tỷ đồng.

Chăm gà như chăm con

Khách đến thăm thấy trang trại chăn nuôi gà của anh Quý ngăn nắp, quy củ ai cũng thích nhưng không có nghĩa việc chăn nuôi là nhàn nhã, dễ làm và chỉ có “thắng”. Ông chủ quả quyết: “Giống và vốn có thể vay mượn, nhờ công ty giống cung ứng song khâu kỹ thuật là mình phải trực tiếp làm mới thành”. Người thân của anh kể, từ ngày nuôi gà, hiếm thấy anh đi đâu cách nhật; cùng lắm có việc xa nhà thì chốc chốc lại gọi điện thoại về cho vợ chỉ để hỏi thăm… gà.

 Chuồng trại được thiết kế thông thoáng, vệ sinh thường xuyên.
Chuồng trại được thiết kế thông thoáng, vệ sinh thường xuyên.

Anh Quý chăm gà như chăm con. Từ việc cấp nước, chọn thức ăn, mua vắc-xin, pha chế thuốc đều do vợ chồng anh trực tiếp làm. Mỗi khi trời nổi mưa giông hay chuyển mùa nắng nóng, anh chị đứng ngồi không yên, lo đến mất ăn, mất ngủ. Lo nhất là gà mắc dịch tả, tụ huyết trùng, Gumboro, cúm H5N1… Lúc đầu chưa có kinh nghiệm chăm sóc, một lần đi thăm chuồng thấy đàn gà ủ rũ, đùi xuất huyết, anh tá hoả tìm hiểu, nhờ cán bộ chuyên ngành chăn nuôi hướng dẫn cách điều trị. Do kịp thời cách ly đàn nên số gà mắc bệnh ít, thiệt hại không đáng kể song cho anh bài học lớn để chủ động nghiên cứu về các loại bệnh phổ biến trên gia cầm và biện pháp khắc phục. Những năm sau, nhờ kỹ thuật tốt nên trang trại gà không bị dịch bệnh, doanh thu ổn định.

Nhìn vào khu trang trại rộng rãi, quy mô, anh Quý kể: “Thời kỳ đầu vào đây lập trang trại, đường đi gập ghềnh, khó khăn, cũng không thuê được máy móc. Hai vợ chồng tự tay đào hàng chục khối đất đồi; kéo xe cải tiến chở vật liệu lên tận đỉnh đồi làm “nhà” cho gà. Bàn tay, bàn chân, bả vai cứ rớm máu rồi se lại, chai sạn lúc nào không hay. Khi trang trại đã hình thành, vườn thả gà được khoanh lưới bảo vệ, tránh tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài, bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông vì có thêm hệ thống đèn sưởi. Không gian vườn bãi rộng giúp gà thoải mái vận động đúng với bản năng tự nhiên”.

Người thân của anh kể, từ ngày nuôi gà, hiếm thấy anh đi đâu cách nhật; cùng lắm có việc xa nhà thì chốc chốc lại gọi điện thoại về cho vợ chỉ để hỏi thăm… gà.

Xuất phát từ đặc tính gà nuôi trên núi yên tĩnh, ít tiếp xúc với tiếng ồn nên thời kỳ đầu anh thường xuyên cho gà nghe nhạc bằng cách lắp hệ thống loa trong chuồng, giúp vật nuôi không hoảng loạn khi có người đến cho ăn, dọn vệ sinh đồng thời nhanh nhẹn, khỏe mạnh hơn. Anh còn áp dụng công nghệ sinh học; lắp hệ thống cho ăn, uống nước tự động.

Sau mỗi lứa xuất chuồng, anh rắc vôi khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, để ngơi chuồng chừng ba tháng cho sạch mầm bệnh mới tiếp tục thả lứa gà tiếp theo. Chăn nuôi ở khu đồi biệt lập song công tác vệ sinh luôn được quan tâm, toàn bộ chất thải, vỏ bao bì, chai, lọ từ hoạt động chăn nuôi đều được anh thu gom, xử lý. Riêng phân gà ủ mục tái sử dụng để chăm bón cho cây rừng.

Trung bình mỗi ngày tổng chi phí cám, điện, nước… lên tới 38- 40 triệu đồng. Số tiền không hề nhỏ. Lịch làm việc mỗi ngày đều kín. Công việc được người chủ trang trại ghi chép tỉ mỉ “đầu vào”, “đầu ra”, lịch hẹn giao dịch để giám sát, quản lý. Anh chuẩn bị lắp thêm camera và mạng internet để thuận tiện cho việc giám sát chuồng trại 24/24 giờ.

Giúp người dân thoát nghèo, xây đời sống mới

Tiếp chuyện với anh nông dân thế hệ mới Nguyễn Hữu Quý, tôi hiểu thêm về hành trình của anh để trở thành tỷ phú, là nông dân Việt Nam xuất sắc. Tất cả thành công của anh đều bắt đầu từ sự chăm chỉ, say mê, tinh thần học hỏi, sẵn sàng áp dụng cái mới, tiến bộ vào sản xuất và tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật lao động.

Làm kinh tế giỏi, gia đình anh Quý còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Đơn cử như ủng hộ 25 triệu đồng và vận động người thân hiến đất làm đường bê tông; ủng hộ kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương. Năm 2019, thôn Ngò 2 thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi gà với 12 thành viên do anh Quý làm Tổ trưởng.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chọn mua con giống, nguồn thức ăn tốt, kỹ thuật chăm sóc, cung cấp thông tin thị trường cho thành viên. Bên cạnh đó, gia đình anh sẵn sàng hỗ trợ giống, vốn cho từ 7 – 9 hộ khó khăn trên địa bàn; giải quyết việc làm cho từ 10-15 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Gia đình anh Nguyễn Hữu Tuấn (cùng thôn Ngò 2) nhờ được anh hướng dẫn kỹ thuật đến nay đã mở rộng quy mô đàn gà lai chọi lên hơn 8 nghìn con/năm; gia đình anh Nguyễn Minh Đức cùng thôn cũng nuôi hơn 10 nghìn con/năm.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Kỳ, anh Quý là hội viên tiêu biểu, giàu kinh nghiệm chăn nuôi gà. Dù thành công với mô hình kinh tế, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm song anh rất giản dị, gần gũi và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với bà con. Mô hình nuôi gà lai chọi của anh Nguyễn Hữu Quý cũng trở thành điểm đến tham quan, học hỏi của nhiều nông dân trong tỉnh. Với những danh hiệu cao quý được các cấp tôn vinh, tỷ phú nông dân coi đây là động lực để anh tiếp tục cố gắng giành thêm nhiều thành tựu trong lao động sản xuất.

Nguồn: Báo Bắc Giang