Trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp giữa hai tỉnh Bắc Giang và Xay Sổm Bun
26/06/2024 14:01
Ngày 25/6, tại TP Bắc Giang, Sở Ngoại vụ Bắc Giang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và Sở Nông Lâm tỉnh Xay Sổm Bun (Lào) tổ chức gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm.
Cùng dự có đại diện cán bộ nông dân cơ sở, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giám đốc HTX nông nghiệp tiêu biểu của hai tỉnh.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang trao đổi với các nông dân tiêu biểu tỉnh Xay Sổm Bun. |
Sau khi ký Thỏa thuận hợp tác năm 2021, các ngành, cơ quan, địa phương hai tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều nội dung trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và phong trào nông dân.
Đối với tỉnh Bắc Giang, nông dân hiện chiếm hơn 80% dân số, lao động nông nghiệp chiếm 38,4% tổng số lao động. Nông dân là lực lượng có đóng góp rất quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hình thành nhiều trang trại, vùng sản xuất hàng hóa tập trung nổi tiếng của tỉnh.
Điển hình như vùng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng sản xuất cam lòng vàng ở Lục Ngạn; vùng chăn nuôi gà đồi, chè bản Ven ở Yên Thế; vùng sản xuất rau chế biến ở Tân Yên, Lạng Giang; vùng sản xuất gạo thơm hàng hóa ở Yên Dũng…
Từ các vùng này đã hình thành nhiều chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, HTX, tổ dịch vụ, tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản… Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Quang cảnh cuộc trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp giữa nông dân hai tỉnh. |
Tại đây, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giám đốc HTX nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang đã chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ một số nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang; cởi mở, thẳng thắn trao đổi, thảo luận các vấn đề cùng quan tâm để tìm ra giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp cũng như định hướng hợp tác giữa hai bên.
Đại diện Hội Nông dân xã Hương Sơn (Lạng Giang) chia sẻ về cây dứa Queen đang được nông dân trong xã quan tâm phát triển nhờ hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích cả xã khoảng 100 ha, bà con đã áp dụng giải pháp kích thích ra hoa trái vụ, giúp cho cây ra quả nhiều lần, thu hoạch 3 vụ/năm; sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học. Liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua thành lập HTX Dứa sạch Hương Sơn; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng sản phẩm dứa đạt OCOP 3 sao.
Về kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành, đại diện HTX sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung cho biết: Năm 2020, HTX thành lập đã quy tụ được 17 hộ dân tại địa phương trồng và chăm sóc cây sâm Nam.
Cùng với mở rộng diện tích (hiện có 60 ha), HTX thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn và hội nông dân tổ chức tập huấn cho các hộ xã viên trồng và chăm sóc cây theo quy trình canh tác thân thiện với tự nhiên; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, cấp mã số vùng trồng để thuận tiện cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
HTX cũng liên kết với công ty Sâm Việt Nam tổ chức vùng trồng và thu mua sản phẩm; mở kênh bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử…
Ông Nguyễn Hữu Quý, chủ trang trại chăn nuôi gà ở xã Đồng Kỳ (Yên Thế) chia sẻ kinh nghiệm. |
Ông Nguyễn Hữu Quý, chủ trang trại gà thả vườn ở xã Đồng Kỳ (Yên Thế) mỗi năm thu lãi từ 2 đến gần 3 tỷ đồng chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà. Con giống bảo đảm rõ nguồn gốc, gà bố mẹ phải to khỏe; gà con khi nở ra phải mập mạp, chân tươi, mắt sáng. Sau đó làm công tác úm gà bằng thắp điện hoặc lò úm. Nuôi thả tự do trong không gian rộng lớn, dưới những tán cây vải thiểu, cây nhãn và cây bưởi. Gà tự kiếm thêm các loại thức ăn khác như cỏ, côn trùng… để bổ sung thêm dinh dưỡng. Tháng đầu tiên sử dụng đầy đủ các loại vắc-xin để phòng các loại bệnh. Vườn thả gà được khoanh lưới để gà không tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài; dùng men vi sinh rắc lên nền chuồng cùng với chấu đệm lót để khử mùi hôi…
Đoàn cán bộ nông dân tỉnh Xay Sổm Bun bày tỏ ấn tượng với kết quả các mô hình sản xuất nông nghiệp của Bắc Giang, mong muốn tỉnh tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để các nông dân đến học hỏi kinh nghiệm. Với những tiềm năng sẵn có, nông dân tỉnh Xay Sổm Bun tin tưởng có thể học hỏi để áp dụng các mô hình này trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi tại tỉnh nhà.
Thu Phong