Nông dân Bắc Giang trồng lúa kiểu “đút tay túi quần”, máy cấy, máy gặt, drone làm thay hết, vừa nhàn lại lời cao
11/02/2025 08:03
Mô hình “Cánh đồng không dấu chân” do Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) triển khai trên diện tích 55ha, với khoảng 200 hội viên tham gia, tại 4 xã: Toàn Thắng, Đoan Bái, Xuân Cẩm, Mai Đình. Mô hình đều ứng dụng máy cấy, drone phun thuốc BVTV, máy gặt đập liên hợp, nông dân không phải “động tay, động chân” trong quá trình sản xuất lúa.
Những ngày đầu xuân năm mới Ất Tỵ 2025, bà Ngụy Thị Lựa, thôn Ngọc Phú, xã Toàn Thắng phấn khởi đứng trên con đường đồng được trải bê tông phẳng lì quan sát máy cấy đang đi những đường mạ thẳng tắp như kẻ chỉ trên diện tích 2 sào ruộng của gia đình.
“Trời rét căm căm, không phải lội bùn, cúi còng cả lưng để cấy nữa rồi”, bà Lựa cười tươi cho biết, bởi gia đình bà được Hội Nông dân xã Toàn Thắng lựa chọn tham gia mô hình “Cánh đồng không dấu chân” do Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa triển khai thực hiện bắt đầu từ vụ đông xuân năm 2025.
Bà Trần Thị Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa cho biết, mô hình “Cánh đồng không dấu chân” được triển khai với diện tích 55ha tại 4 xã: Toàn Thắng, Đoan Bái, Xuân Cẩm, Mai Đình, với khoảng 200 hội viên nông dân tham gia.
Thông qua mô hình nhằm giúp người dân tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ khâu làm đất, mạ khay-máy cấy, phun thuốc BVTV bằng Drone, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. “Tham gia mô hình, nông dân gần 100% không phải động tay, động chân trong quá trình sản xuất lúa, đổi lại máy móc sẽ làm thay tất cả”, bà nói.
Đặc biệt, khi tham gia mô hình nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, hạn chế thấp nhất việc phơi nhiễm thuốc BVTV. Đồng thời giải được bài toán nhân công lao động, góp phần bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Vụ đông xuân 2025, trên diện tích 2 sào, bà Lựa cấy giống lúa TBR225 và dự kiến, năng suất lúa tăng 10 – 15% (đạt 2,5 tạ/sào) so với phương pháp canh tác truyền thống, chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng. “Tham gia mô hình sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất”, bà chia sẻ.
Tại xã Toàn Thắng, ông Hoàng Văn Trung, thôn Ngọc Phú là hộ tham gia mô hình với diện tích lớn nhất, 6 sào. Lão nông có hàng chục năm trồng lúa bảo, chưa bao giờ trồng lúa lại nhàn như bây giờ. Người nông dân không phải làm gì, thay vào đó, máy móc sẽ “làm thay” tất cả, năng suất lại cao.
“Cũng vì trồng lúa vất vả, hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều gia đình bỏ ruộng đi làm thuê ở thành phố, rồi đi làm công nhân. Tôi mong rằng, từ những mô hình như thế này sẽ giữ chân được người dân ở lại nông thôn, đất đai không bị bỏ hoang”, ông Trung bày tỏ.
Bên cạnh mô hình “Cánh đồng không dấu chân” đang được triển khai, những năm qua, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất lúa hiệu quả. Trong đó, phải kể đến mô hình “cánh đồng 3 không”, hay như mô hình “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”…
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là trên 20.000 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là gần 16.000 ha, diện tích đất trống lúa gần 8.000 ha. Vì vậy, trong những năm qua, Hội Nông dân huyện thường xuyên xây dựng các mô hình gắn với sản xuất lúa, trong đó, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên nông dân.
Với mô hình “Cánh đồng không dấu chân” sẽ hướng tới thành lập 4 Tổ hội nông dân nghề nghiệp và 1 Chi hội nông dân nghề nghiệp.
Nguồn: Báo Dân Việt