Một HTX ở Bắc Giang trồng thứ sâm tiến vua, có 3 sản phẩm từ sâm nam được gắn sao OCOP

Lượt xem: 16
HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh ở xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đang có 5ha trồng sâm nam núi Dành- một sản vật tiến vua thời xưa. Tất cả các bộ phận trên cây sâm nam núi Dành: hoa, cây, lá và củ sâm tươi đều có giá trị cao, được HTX nghiên cứu chế biến, trong đó có 3 sản phẩm được công nhận OCOP, lan toả thương hiệu “Sâm nam núi Dành Bắc Giang”.
Sâm nam núi Dành đặc sản tiến vua ở Bắc Giang

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Văn Khiển – Giám đốc HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh cho biết: “Cây sâm Nam núi Dành là sản vật quý hiếm của vùng đất Tân Yên, Bắc Giang. Sử sách ghi rằng, thời vua Tự Đức (1829 – 1883) Hoàng Thái hậu Từ Dũ bị bệnh nặng, mắt mờ dần đi. Thế rồi một hôm ngự y sắc sâm được dâng biếu từ núi Dành, thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang ngày nay, bà Từ Dũ uống và mắt dần sáng lại. Chuyện sâm núi Dành là sản vật quý tiến vua lưu truyền từ đó”.

Vùng trồng sâm nam núi Dành của HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh ở xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NVCC

Sâm nam núi Dành có những công dụng rất tốt cho sức khỏe con người và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng Sâm. Để phát triển cây sâm Nam núi Dành, HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh, xã Liên Chung, huyện Tân Yên tập trung vào trồng và chế biến sâm núi chất lượng cao để mang lại những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt nhất.

Ông Trần Văn Khiển cho biết: HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh được thành lập từ năm 2021 tới nay, đã có 7 thành viên và liên kết với hàng chục hộ trong vùng trồng sâm. HTX đã phối hợp với Viện nghiên cứu Đào tạo và tư vấn khoa học công nghệ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo quy trình hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến sâu.

“Hiện nay, HTX chúng tôi đang có 5ha sản xuất sâm Nam núi Dành theo hướng hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Sâm Nam được trồng tại HTX từ năm 2022 đến nay sau 3 năm kiểm tra củ sâm tăng trưởng tốt, củ sâm màu vàng, có mùi thơm đặc trưng”- ông Khiển nói.

HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh ở xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang thu hái hoa sâm. Bình quân, cứ 7kg hoa tươi sẽ cho ra thành phẩm một cân hoa sâm khô có giá bán 600.000 đồng/kg. Ảnh: NVCC.

Theo ông Khiển, từ 5 năm tuổi củ sâm nam núi Dành có thể thu hoạch được.Điều đặc biệt của cây sâm núi Dành là tất cả các bộ phận trên cây sâm nam núi Dành như: hoa, cây, lá và củ sâm tươi đều có giá trị cao.

“Vụ hoa sâm cho thu hoạch vào tháng 9, 10 hàng năm. Năm 2024, HTX thu hoạch khoảng 10 tấn hoa sâm núi Dành tươi và bao tiêu đầu ra 20 tấn hoa sâm cho các hộ nông dân khác. Bình quân, cứ 7kg hoa tươi sẽ cho ra thành phẩm một cân hoa sâm khô có giá bán 600.000 đồng/kg” – ông Khiển thông tin.

Để tăng giá trị của cây sâm nam núi dành, HTX cũng đã đầu tư vào nghiên cứu chế biến từ hoa, cây, lá và củ sâm tươi thành nhiều sản phẩm tiêu dùng như: Sâm hòa tan, trà hoa sâm, sâm đóng túi, rượu sâm, hoa sâm tươi và sấy khô, củ sâm tươi và sấy khô, cây rễ lá sấy khô, sâm mật ong…

Đặc biệt, trong năm 2024, được Hội Nông dân hỗ trợ tư vấn, đồng hành, HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh đã có 3 sản phẩm: Trà hoa sâm Núi Dành, rượu sâm núi Dành và mật ong hoa vải sâm núi Dành được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Được gắn sao OCOP, các sản phẩm sâm nam núi Dành trở thành quà biếu cao cấp được ưa chuộng, nhất là trong dịp Tết.

Trong năm 2024, được Hội Nông dân hỗ trợ tư vấn, đồng hành, HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh đã có 3 sản phẩm: Trà hoa sâm Núi Dành, rượu sâm núi Dành và mật ong hoa vải sâm núi Dành được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: NVCC

Vai trò nòng cốt của Hội Nông dân Bắc Giang trong thực hiện Chương trình OCOP

Ông Nguyễn Anh Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Yên cho biết: Hiện nay, huyện Tân Yên có rất nhiều sản phẩm OCOP nổi tiếng, trong đó tiêu biểu là sản phẩm sâm Nam núi Dành với giá trị kinh tế. Thời gian qua, huyện đã triển khai đề án “Phát triển sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022-2027”.

Xác định rõ vai trò nòng cốt của nông dân trong thực hiện Chương trình OCOP, Hội Nông dân huyện Tân Yên thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về ý nghĩa của việc gắn sao và nâng sao cho sản phẩm để hội viên chủ động tham gia; phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn, tư vấn xây dựng kế hoạch sản xuất; hướng dẫn tìm hiểu bộ tiêu chí chấm điểm; hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì; hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký mã số mã vạch, bảo hộ nhãn hiệu…

Đặc biệt, để sản phẩm OCOP ngày càng tăng về chất và lượng, tổ chức hội còn quan tâm tuyên truyền, vận động thành lập, phát triển tổ hợp tác, HTX. Đây là xu hướng sản xuất tất yếu, đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, là động lực phát triển các sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm của HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh được công nhận OCOP và thường xuyên được tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử. Ảnh: NVCC

Theo đó, các cấp Hội Nông dân huyện Tân Yên đã hướng dẫn, hỗ trợ thành lập 6 chi, 31 tổ hội nông dân nghề nghiệp; 6 HTX, 18 mô hình tổ liên kết, hợp tác. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện triển khai 4 dự án từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cho thành viên HTX tham gia chương trình OCOP (1,8 tỷ đồng tại xã Liên Chung, TT Cao Thượng, Ngọc Châu).

Đánh giá về hiệu quả chương trình OCOP, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Yên khẳng định: Các sản phẩm được công nhận và xếp hạng sản phẩm OCOP giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập; đồng thời thay đổi tập quán sản xuất, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo, khởi nghiệp của nông dân, HTX góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2025, Hội Nông dân huyện Tân Yên tăng cường bám sát cơ sở, gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt thực tế các chủ thể có sản phẩm tiềm năng để vận động, hướng dẫn, đăng ký tham gia chương trình OCOP.

“Hội Nông dân sẽ chủ động phối hợp, tổ chức tư vấn trực tiếp các chủ thể tham gia chương trình OCOP, tranh thủ sự quan tâm của Hội cấp trên để tổ chức các hoạt động tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng lại; sản phẩm đề nghị nâng sao; duy trì nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, quan tâm hướng dẫn thành lập các mô hình HTX, chi, tổ hội nghề nghiệp, liên kết giữa sản xuất và bao tiêu đầu ra.

Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện, cơ sở phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, giao chỉ tiêu thi đua để các cơ sở thực hiện hàng năm, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án OCOP này”- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Yên nhấn mạnh.

Thu Hà