Hướng dẫn kỹ thuật nuôi giun quế dưới chuồng nuôi thỏ
05/10/2021 14:20
1.Chuẩn bị nền chuồng.
Nền chuồng nuôi thỏ được chia thành từng dãy tương ứng với các lồng nuôi thỏ và có để đường đi giữa các hàng đặt lồng nuôi thỏ; khoảng cách giữa các hàng đặt lồng nuôi thỏ khoảng từ 60cm – 80 cm. Lồng nuôi thỏ thường đặt cao hơn mặt đất từ 90cm đến 100 cm; Phần nền chuồng phía dưới lồng nuôi thỏ đào rãnh sâu từ 25cm đến 35cm và được lót bằng nilon để giun không chui được xuống dưới và rất thuận lợi cho khi thu hoạch.
2.Chuẩn bị giá thể để nuôi giun.
Dùng cỏ, rơm, rạ băm nhỏ khoảng từ 5cm 10cm đem ủ với phân trâu, bò, lợn, gà cho hoai mục; hoặc dùng mùn cưa của các loại gỗ không có dầu đem ngâm ngập trong nước khoảng 1 – 2 tháng vớt lên phơi khô, sau đó đem ủ với phân trâu, bò, lợn gà khoảng 2 tháng cho hoai mục.
Trộn đều phân đã ủ hoai mục với đất thịt nhẹ theo tỷ lệ 50:50 và phun nước đảm bảo ẩm độ từ 70 đến 80%; dùng dụng cụ đổ đất, phân đã trộn đều vào rãnh đã chuẩn bị sẵn dưới đáy lồng nuôi thỏ, đổ đầy rãnh lên đến mặt nền chuồng nuôi thỏ.
3.Sau từ 1 đến 3 ngày bắt đầu đổ sinh khối giun (gồm cả giun, trứng giun) lên mặt rãnh và tưới ẩm để giun tự chui xuống dưới đất; lưu ý đổ thành từng đống nhỏ, không rắc đầu sinh khối lên trên rãnh nuôi giun.
4.Căn cứ vào số lượng nuôi thỏ để đổ sinh khối giun để đảm bảo các chất thải từ nuôi thỏ (phân, nước tiểu) đảm bảo đủ cung cấp làm thức ăn cho giun; thường xuyên tưới ẩm để đảm bảo môi trường nuôi giun luôn có độ ẩm từ 70 – 80% là tốt nhất.
5.Thu hoạch giun.
Sau thời gian nuôi từ 2 đến 2,5 tháng kiểm tra thấy giun nhiều và đã lớn, tiến hành thu hoạch giun. Dùng xô, thùng, chậu xúc toàn bộ sinh khối nuôi giun đem ra ngoài trời sáng, lót nilon xuống đất, đổ thành đống cao khoảng 20cm, sau 30 phút giun chui xuống đáy, dùng tay hoặc dụng cụ gạt lớp sinh khối bên trên sang 1 bên, cuối cùng dưới đáy là toàn bộ giun sạch sẽ thu được rất nhanh chóng. Thu hoạch bằng phương pháp này tránh làm nát giun và làm dập vỡ hỏng trứng giun.
Sau khi thu hoạch lấy giun xong nhanh chóng đổ sinh khối giun vào rãnh chuồng để nuôi tiếp, không để sinh khối giun lâu ngoài trời sẽ làm hỏng trứng giun.
6.Chế biến và sử dụng giun sau thu hoạch.
Giun sau thu hoạch có thể dùng làm thức ăn giàu dinh dưỡng cho nuôi gia cầm, thủy cầm, thủy sản (tôm,cá),lợn, ba ba…..
Cho ăn trực tiếp: lấy giun băm nhỏ trộn với cám cho ăn gia cầm, thủy cầm, thủy sản (tôm, cá), lợn…..
Sấy khô, bảo quản: sau khi thu hoạch giun đem rửa sạch và sấy khô đóng bao, bảo quản khi cần sử dụng đem nghiền thành bột trộn vào thức ăn cho gia cầm, thủy cầm, thủy sản (tôm, cá), lợn…..
khoahocchonhanong.com.vn