PHONG TRÀO SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI PHÁT HUY TIỀM NĂNG, SỨC SÁNG TẠO CỦA NÔNG DÂN
05/10/2021 15:28
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Bắc Giang và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” (phong trào SXKD giỏi) do Hội Nông dân phát động đã phát triển sâu rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Phong trào đã khích lệ, động viên cán bộ, hội viên nông dân phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.
Đ.c Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương và chủ tịch HND tỉnh Nguyễn Văn Thi thăm mô hình sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Na dai Nghĩa Phương, Lục Nam.
Xác định phong trào SXKD giỏi là “phong trào hành động cách mạng”, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, các cấp Hội đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào, tiêu chí hộ nông dân SXKD giỏi các cấp nhằm giúp hội viên, nông dân hiểu rõ và lấy đó làm cơ sở đăng ký, phấn đấu. Đồng thời, các cấp Hội đã tích cực hỗ trợ, khích lệ hàng nghìn hộ nông dân phát huy tinh thần lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, “dồn điền, đổi thửa” tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản và tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 nghìn hộ đạt danh hiệu SXKD các cấp, trên 51.000 hộ nông dân đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; xây dựng và nhân rộng 300 mô hình điểm SXKD, 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó với nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap, GlobalGap, góp phần tích cực phát triển các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng và thực hiện chương trình xây dựng NTM của tỉnh với 127 xã, 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới tính đến hết năm 2020.
Để tạo động lực thúc đẩy phong trào, các cấp Hội đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn, triển khai thực hiện các đề án, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn. Từ đó khích lệ hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn từ 2016-2021, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 56 tỷ đồng đã phát huy hiệu quả hơn 230 dự án với gần 2.000 hộ vay; phối hợp Ngân hàng NN&PTNT cho 30.460 hộ vay với dư nợ trên 3.300 tỷ đồng, Ngân hàng CSXH với dư nợ trên 1.500 tỷ đồng cho 34.396 hộ vay để đầu tư, mở rộng sản xuất. Các cấp Hội tổ chức trên 1.000 lớp tập huấn cho trên 102.000 lượt hội viên, nông dân; cung ứng trên 24.000 tấn phân bón trả chậm; chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng hàng chục mô hình trình diễn, 48 HTX và 191 tổ hợp tác. Thông qua đó, xuất hiện nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao; hàng ngàn gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như: mô hình trồng cây ăn quả của bà Nguyễn Thị Chiếm, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) cho thu nhập 2,2 tỷ đồng/năm; mô hình sản xuất chế biến gỗ của gia đình ông Nguyễn Văn Sự, xã Hợp Đức (Tân Yên) cho thu nhập bình quân 2,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động hay như HTX Đồng Tâm 3 (Hiệp Hòa) được hỗ trợ 01 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND phát triển mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, là HTX đầu tiên của tỉnh tham gia liên hiệp HTX kinh tế số Việt Nam…Cùng với đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp, các cấp Hội chú trọng tăng cường thông tin thị trường, tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, liên kết tiêu thụ nông sản, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc và bao bì sản phẩm Ba kích tím Thanh Luận (Sơn Động), Na dai Nghĩa Phương và Khoai sọ Khám Lạng (Lục Nam). Hội đã thành lập các Câu lạc bộ “Nông dân với Internet”, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên nông dân sử dụng và truy cập internet để khai thác thông tin thị trường, giá cả, quy trình sản xuất mới tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh; tổ chức hàng chục hội nghị tọa đàm giữa doanh nghiệp với nhà nông về vấn đề liên kết tiêu thụ nông sản; định kỳ 02 năm thực hiện tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” nhằm khơi dạy tiềm năng, sáng tạo của nông dân trong lao động, sản xuất. Từ phong trào SXKD giỏi đã giúp đỡ trên 100.000 lượt hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn về mô hình sản xuất, giống, vốn; tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động; giúp trên 2.000 hộ vươn lên thoát nghèo. Phong trào đã thu hút và tạo sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa hội viên với tổ chức Hội. Trong giai đoạn từ 2016-2021, toàn tỉnh đã phát triển mới trên 30.000 hội viên, nâng tổng số lên trên 246.000 hội viên, chiếm 106% so với tổng số hộ nông nghiệp; số chi hội, cơ sở hội vững mạnh hằng năm chiếm trên 95%.
Với những kết quả đã đạt được, khẳng định phong trào SXKD giỏi đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của hội viên nông dân, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển. Thông qua phong trào làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, thay đổi tư duy của hội viên nông dân với quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng nông nghiệp xanh, bền vững.
Để đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của phong trào SXKD giỏi, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào theo hướng sâu sát, cụ thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khích lệ nông dân thi đua lao động sản xuất và kinh doanh, năng động, sáng tạo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, chủ động ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao trong nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, góp phần từng bước thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ cho nông dân, chú trọng tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho nông dân. Tích cực vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, tương trợ giống, vốn để cùng nhau làm giàu; tuyên truyền hỗ trợ và thúc đẩy nông dân khởi nghiệp. Tiếp tục thực hiện chủ trương “trí thức hóa nông dân”, xây dựng một giai cấp nông dân tự cường, sáng tạo, có kiến thức khoa học công nghệ, đổi mới tư duy, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, thực sự là chủ nhân của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đóng góp tích cực phát triển nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại./.
Nguyễn Văn Thi – TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh