Làm giàu từ mô hình Na dai trên núi đá

Lượt xem: 199

Năm 2006, anh Hoàng Văn Đèn, thôn Bả, xã Cấm Sơn đã khai phá đất, đá để ươm những hạt giống Na dai đầu tiên trên đỉnh núi Teo To. Và rồi, từ những hạt giống ngày nào, giờ đây, vùng đất khô cằn đá núi ấy đã được phủ lên màu xanh của những vườn na dai trĩu quả, hứa hẹn một cuộc sống ấm no nơi vùng chiến khu xưa Cấm Sơn.

 

Sau nhiều năm đi gánh na thuê bên vùng na Đồng Mỏ, Lạng Sơn, nhận thấy ở địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp, đất đồi rừng rộng lớn, năm 2006, anh Hoàng Văn Đèn đã mạnh dạn ươm những hạt na giống đầu tiên trên khu vực núi đá gần nhà. Để có được những hố đất trồng cây, hai vợ chồng anh cặm cụi đào đá, quây thành từng ô rộng để cây na phát triển. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, anh Đèn chỉ trồng 1 nghìn cây ở lưng núi. Thấy cây na bén dễ phát triển xanh tốt, năm 2008 anh trồng thêm 1 nghìn cây giống ở phần đất phía trên cao. Đất không phụ công người, nhờ công chăm sóc của vợ chồng anh Đèn mà vườn Na cứ thế phát triển và bắt đầu ra hoa kết trái. Vui mừng khôn siết khi năm 2009, na bắt đầu bói những quả đầu tiên, với những trái na mở mắt căng tròn làm sáng lên cả một vùng đồi.

Anh Hoàng Văn Đèn đang thu hoạch Na.

Anh Đèn chia sẻ: những năm đầu cuốc đất, đá trên núi để trồng na, nhiều người cho là mình gàn dở, bởi từ trước đến nay chưa ai trồng cây na trên vùng đất này cả mà chủ yếu là cây vải thiều và cây lâm nghiệp. Nhưng bỏ ngoài tai những lời dị nghị, vợ chồng tôi vẫn quyết tâm làm. Và rồi sau 2 năm, thấy cây na phát triển tốt, lại cho sai quả, chất lượng ăn ngon, ngọt lịm. Lúc đó tôi thấy quyết định của mình đã đúng…

Từ 2009 đến nay, mỗi năm cây na mang lại thu nhập cho gia đình anh 40, 50 triệu đồng. Riêng năm 2020, vườn na cho 5 tấn quả, với giá bán buôn tại chợ Đồng Bành, Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn bình quân từ 20 đến 50 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập cho gia đình 120 triệu đồng. Từ mô hình của anh đã mở 1 hướng đi mới cho bà con nơi đây. Đồng chí Hoàng Văn An, Bí thư Chi bộ thôn Bả, xã Cấm Sơn cho biết: trước đây khu vực núi đá này chủ yếu chỉ có cây bụi mọc được, nhưng khi thấy mô hình na dai của anh Đèn có hiệu quả, bà con trong thôn cũng từ đấy học và trồng theo. Đến nay, thôn Bả, xã Cấm Sơn đã có gần 30 hộ trồng cây Na dai trên núi đá, với tổng diện tích khoảng 8ha. Trong đó khoảng 5ha đã cho thu hoạch, bình quân ước đạt 15 tấn/vụ.

Anh Vi Hồng Thích, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cấm Sơn chia sẻ: để giúp bà con yên tâm sản xuất, bằng nguồn vốn Quỹ hộ trợ nông dân của huyện, năm 2017, Hội Nông dân xã Cấm Sơn đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho hộ anh Đèn và 2 gia đình hội viên vay để đầu tư phát triển sản xuất cây na dai. Đến nay, các mô hình đều phát triển tốt và mang lại tín hiệu vui cho người nông dân. Không những thế, Hội cũng đã thành lập 1 tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ na dai, với tổng số 17 thành viên tham gia. Cùng đó, để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương, Đảng ủy, UBND xã Cấm Sơn đã tập trung nguồn lực, huy động nhân dân mở đường giao thông từ thôn Bả lên khu sản xuất, trong đó gần 1km đã được cứng hóa, tạo thuận lợi cho việc sản xuất cũng như thu hoạch na của bà con. Về lâu dài, xã cũng có chủ trương quy hoạch vùng sản xuất na tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa trên đỉnh núi Teo To. Để rồi cùng với quả vải thiều, rồi đây vùng đất Cấm Sơn sẽ có thêm mùa na dai ngọt lịm, gọi mời.

Mặt trời đang dần khuất bóng bên kia đỉnh Teo To, len lỏi trên những bãi đá lởm chởm, anh Đèn đang hối thúc vợ và các con nhanh tay vun xới nốt những gốc na đang làm dở, thu dọn đồ đạc trở về nhà. Trên khuôn mặt đen sạm vì nắng của anh, tôi thấy ánh lên một niềm vui khôn tả; bởi trên sự khô cằn của sỏi cuội, của đá núi, bằng bàn tay và khối óc của mình, anh Đèn và những người nông dân nơi vùng cao ấy không cam chịu đói nghèo, đang từng ngày, từng giờ biến vùng đất cằn thành mùa na trĩu quả.

Vũ Đoàn- Lục Ngạn