An toàn giao thông cho công nhân
06/10/2021 11:53
6 giờ 30 phút ngày 23/8, tại ngã ba giao cắt giữa tỉnh lộ 293 với đường dẫn lên cầu Đồng Sơn (TP Bắc Giang), lượng người, phương tiện tăng đột biến. Xe máy, ô tô chở công nhân đi lại xen kẽ, chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng có thể dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông (TNGT). Bám theo dòng xe máy vượt qua cầu, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm, xe không có gương chiếu hậu.
Nhiều công nhân đi làm bằng xe máy song không chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm.
Ảnh chụp sáng 23/8 tại nút giao quốc lộ 17 với đường nối quốc lộ 37.
Tại nút giao quốc lộ 17 và đường nối quốc lộ 37 thuộc xã Tiền Phong (Yên Dũng), chỉ vài chục giây đèn đỏ, dòng xe máy đã ùn ứ vài chục mét. Đáng chú ý, gần 20 phút có mặt tại đây đã có hơn chục xe tải trọng lớn ngang nhiên đi vào đường nối với quốc lộ 37 (đoạn đường này cấm xe tải từ 3,5 tấn đi trong khung giờ từ 6 đến 7 giờ 30 và từ 17 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút hằng ngày – PV). Anh Ngụy Trung Hiếu, xã Tư Mại (Yên Dũng), công nhân Công ty TNHH Luxshare-ICT (KCN Quang Châu) nói: “Từ nhà tôi đến công ty khoảng 20 km. Trước đây tôi cùng nhóm công nhân trong xã thuê ô tô đưa đón. Sau đợt dịch Covid-19, lượng công nhân đi làm ít hơn, phương tiện trên cũng dừng hoạt động nên tôi phải sử dụng xe máy làm phương tiện đi làm. Vẫn biết nguy hiểm song tôi không có lựa chọn nào khác”.
Theo thống kê của Ban Quản lý Các KCN tỉnh, đến nay 100% DN trong các KCN đã hoạt động trở lại với hơn 158 nghìn công nhân. Trong số này chỉ có hơn 27,8 nghìn công nhân có xe ô tô đưa đón, hơn 11,6 nghìn lao động ở tại DN, số còn lại đi đến nhà xưởng bằng phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy. Lượng xe máy tăng đột biết không chỉ gây áp lực đối với hạ tầng giao thông còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Mới đây, tối 18/8, vừa ra khỏi công ty, anh Bùi Tá Duy (SN 1991), trú tại tổ dân phố Tăng Quang, thị trấn Bích Động (Việt Yên) bị tai nạn tại địa bàn xã Nội Hoàng (Yên Dũng) dẫn đến tử vong. Hay như sáng 21/8, thời điểm chúng tôi khảo sát trên tuyến quốc lộ 37, đoạn qua huyện Việt Yên cũng có 2 vụ va chạm giao thông xảy ra, dù không gây thiệt hại về người song dẫn đến ùn tắc cục bộ. Thiếu tá Chu Bá Phú, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông – trật tự (Công an huyện Việt Yên) cho biết: “Sau khi các DN hoạt động trở lại, lượng xe máy lưu thông trên tuyến đường này tăng 2-3 lần so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Để bảo đảm lưu thông cũng như an toàn cho người dân, đầu giờ sáng chúng tôi đều tổ chức tuần tra lưu động song rất khó để kiểm soát, nguy cơ tai nạn cao”.
Cần sự chung tay
Ngày 5/8, UBND tỉnh có công văn yêu cầu Sở Giao thông – Vận tải (GT-VT), các đơn vị, địa phương triển khai biện pháp quản lý, hỗ trợ DN, người lao động. Ngoài xe vận tải do DN sử dụng lao động tổ chức, các nhóm công nhân cũng có thể ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải có đủ điều kiện. Cùng với cắm biển phân luồng, cấm xe tải di chuyển trên các tuyến đường dẫn vào KCN, Sở GT-VT tiếp nhận, cấp phù hiệu “Xe đưa đón công nhân” cho hơn 1,4 nghìn phương tiện, chủ yếu là xe từ 29 đến 45 chỗ.
Đến nay 100% DN trong các KCN hoạt động trở lại với hơn 158 nghìn công nhân. Trong số này chỉ có hơn 27,8 nghìn người có xe ô tô đưa đón, hơn 11,6 nghìn lao động ở tại DN, còn lại hơn 118,9 nghìn công nhân đi đến nhà xưởng bằng phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy. |
Mặc dù vậy, qua thống kê hiện chỉ có hơn 700 phương tiện tham gia đưa đón công nhân, trong đó 348 phương tiện được các nhóm công nhân tự thuê, tỷ lệ xe có phù hiệu song không tham gia vào hoạt động này cao. Ví như nhà xe Tuyền Trang ở xã Bảo Sơn (Lục Nam) chỉ có 5/9 xe đã được cấp phù hiệu hoạt động. Theo anh Trần Văn Tuyền, chủ nhà xe, trước đây toàn bộ phương tiện của nhà xe đều hoạt động và đủ người trên xe. Hiện nay do nhiều lao động chuyển sang sử dụng xe máy, lượng công nhân thuê xe giảm khoảng 50% nên nhiều tuyến chỉ chở khoảng 70% số ghế.
Theo cơ quan chức năng, việc công nhân đi làm bằng xe máy dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là nguy cơ tai nạn giao thông. Cùng với đó, việc di chuyển trên quãng đường xa, căng thẳng khi điều khiển phương tiện cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm hiệu quả, năng suất lao động. Theo đại diện một số cơ quan, đơn vị, nguyên nhân là do công nhân vẫn lo nguy cơ dịch bệnh từ những phương tiện này. Nhiều DN chưa chủ động kết nối, bố trí xe đưa đón; công nhân ở không tập trung, thời gian làm việc của các DN không giống nhau nên các nhóm công nhân khác DN khó liên kết để cùng thuê xe.
Khắc phục tình trạng này, Ban Quản lý Các KCN tỉnh lên kế hoạch làm việc với các nhóm DN gần nhau, có ít công nhân để kết nối, phối hợp đưa đón công nhân; bố trí đủ khu vực tập kết phương tiện cho xe đưa đón. Với trách nhiệm của mình, Sở GT-VT sẵn sàng làm cầu nối DN sản xuất với các đơn vị vận tải để ký kết hợp đồng vận chuyển; kiểm tra, giám sát, bảo đảm phương tiện đủ điều kiện kinh doanh vận tải cũng như an toàn phòng, chống dịch.
“Để bảo đảm các chuyến xe an toàn, tới đây Sở GT-VT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan cấp mã QR Code cho 100% xe đưa đón để công nhân quét, khai báo y tế trước khi lên xe. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của ngành chức năng, các DN, người lao động cũng cần nêu cao trách nhiệm, coi việc sử dụng xe đưa đón chính là bảo vệ an toàn cho bản thân và DN”, ông Hoàng Thế Hanh, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái (Sở GT-VT) nói.
Nguồn: baobacgiang.com.vn