Nụ cười là ánh mặt trời

Lượt xem: 263

Ánh mặt trời, vầng thái dương tỏa sáng rực rỡ chói lọi khắp thế gian là những hình ảnh vĩ đại không thể có gì so sánh được và cũng không ai dám so sánh.

Nụ cười là ánh mặt trời - Ảnh 1

Ấy thế mà đại văn hào Thackeray đã mạnh dạn coi một nụ cười tươi của con người bằng xương bằng thịt trong một gia đình yên ấm hạnh phúc như ánh sáng của vầng thái dương. Thackeray đã viết: “Một nụ cười tươi là ánh sáng mặt trời ở trong nhà” (A good laugh is sunshine in a house). Thật quá xúc động, quá hạnh phúc cho những ai có được những nụ cười tươi trong cuộc sống.

Việt Nam ta có câu: “Một nụ cười hơn mười thang thuốc bổ” cũng đã phản ánh được lời khuyên của người thầy thuốc với người bệnh là phải luôn lạc quan yêu đời để sống khỏe mạnh, để chiến thắng mọi bệnh tật, chiến thắng mọi hiểm nguy.

Theo Từ điển tiếng Việt: “Cười là: 1/ Cử động môi hoặc miệng, có thể kèm theo tiếng, biểu lộ sự vui thích hoặc thái độ tình cảm nào đó. Thí dụ: Bật cười. Mỉm cười. Vô duyên chưa nói đã cười (tục ngữ). Cười nửa miệng. Cười mỉa mai. “Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc, tuyết nhường mầu da (Nguyễn Du)”. 2/ Tỏ ý chê bai bằng những lời nói kèm theo tiếng cười hoặc có thể gây cười. Thí dụ: Không biết thì hỏi, chẳng sợ ai cười”.

Cũng theo Từ điển tiếng Việt thì “cười” gồm rất nhiều loại, có thể tạm kể ra như sau: cười nụ, cười tủm, cười xòa, cười ruồi, cười như nắc nẻ, cười ra nước mắt, cười sằng sặc, cười trừ, cười cợt, cười gằn, cười khẩy, cười mũi, cười nhạt, …

Như thế, cười là một câu chuyện rất phức tạp, muôn hình muôn vẻ, ta chỉ nên bàn về khía cạnh tích cực, khía cạnh đáng yêu của nụ cười. Cũng nên chú ý tới một vài cách nhìn mang tính triết học về nụ cười đã được phản ánh qua một vài danh ngôn thế giới (World famous saying).

Nhà triết học lớn Fulke Greville (1794 – 1865) đã khẳng định: “Chỉ có con người là loài duy nhất được Tạo hóa ban cho cái quyền lực của tiếng cười” (Man is only creature endowed with the power of laughter). Đây là một mệnh đề triết học quan trọng nhất để khẳng định cái độc quyền, cái ưu việt, cái độc tôn của tiếng cười con người. Tất cả các tiếng phát ra từ loài vật chỉ là những tiếng kêu, tiếng hú, tiếng gầm, tiếng hót… không hơn không kém. Nhiều nhà động vật học, cổ sinh học, nhân loại học, khảo cổ học… đã mất rất nhiều thì giờ và tiền bạc để nghiên cứu về các tiếng kêu của loài vật, song các kết quả thu được không đi đến đâu cả.

Trong khi đó, chính con người lại hiểu biết rất ít về cái đặc quyền của tiếng cười mà ai cũng sẵn có. Cần hiểu rằng con người biết khóc lúc chào đời thì cũng biết cười trong cuộc sống hàng ngày. Nói được thì cười được. Thế mà: “Lời nói không mất tiền mua/ Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau” (ca dao) thì tiếng cười cũng không mất tiền mua, sao không biết phát huy, không biết tận dụng nó?

Trong sách giáo khoa về Y đức (Code of Deontology) của Hội Y học Thế giới (World Medical Association) đã quy định cụ thể về nụ cười của người thầy thuốc được áp dụng trong thực hành hàng ngày ở bệnh viện, có những nội dung rất thiết thực như sau: “Tiếng giầy êm ái, cái nắm tay thân tình, nụ cười thấu cảm, lời thăm hỏi nhẹ nhàng trìu mến của người thầy thuốc sẽ làm vơi nỗi sợ hãi, nhẹ đi cái cảm giác đau đớn của người bệnh”.

Điều này cũng phù hợp với lời dạy của đại danh y Hypôcrát (thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên) là ông Tổ của ngành Y thế giới, đó là: “Người thầy thuốc chân chính: Đôi khi chữa khỏi bệnh, luôn an ủi người bệnh, suốt đời nâng đỡ con người” (Un vrai médecin: guérit parfois, soulage souvent, console toujours).

Trong tất cả các kỹ năng: chữa bệnh, an ủi, nâng đỡ, thì vũ khí “nụ cười” là đầu bảng, là số 1, là trên hết, là chủ đạo! Chính nhờ sự khái quát đến cô đọng này của ông Tổ ngành Y mà hàng trăm năm nay, khi tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại tất cả các châu lục, người tân bác sĩ đã tuyên thệ bằng lời thề Hypôcrát, hay lời thề Y khoa, hay lời thề tốt nghiệp Đại học Y. Sau này khi đã đi hành nghề trị bệnh cứu người, làm một người lương y kiêm một người mẹ hiền, các thầy thuốc chân chính vẫn luôn luôn lấy lời thề Hypôcrát để tự kiểm điểm mình mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm.

Khi bàn kỹ về tiếng cười, khi nghiên cứu sâu về tiếng cười, nhà triết học vĩ đại của mọi thời đại, ông Frédéric Nietzsch (sinh ngày 15/10/1844 tại miền trung nước Đức) đã mổ xẻ thật sâu sắc: “Trên thế gian này duy chỉ có một mình con người phải chịu quá nhiều vất vả ghê gớm đến nỗi bắt buộc họ phải sáng tạo ra tiếng cười” (Man alone suffers so excruciatingly in the world that he was compelled to invent laughter).

Đây là một quy luật triết học hiện sinh mang tính khám phá là: cứ có nhu cầu, cứ có đòi hỏi thì lập tức phải có thích ứng, phải có thích nghi, phải có đáp ứng lại (feedback). Vì thế về bản chất, tiếng cười chính là một đáp ứng sinh tồn của con người, nó quan trọng và thiết yếu như ôxy để thở, nước để uống và ánh mặt trời để kích hoạt cuộc sống. Một lần nữa ta lại thêm kính phục Thackeray khi ông đã ví tiếng cười tươi (good laugh) như ánh mặt trời chiếu rọi (sunshine).

Nhìn sâu hơn nữa, tiếng cười là một vũ khí để tồn tại, một kỹ năng để nâng cao chất lượng cuộc sống, là một góc nhìn của lòng yêu đời, lạc quan để sống, lạc quan để tồn tại.

Trong cuốn sách giáo khoa về Dạy làm người nổi tiếng “Danh ngôn và tư tưởng” (Maximes et Pensées), nhà triết học Sébastien Chamfort (1741 – 1794) đã cảnh báo con người chớ nên để mất tiếng cười, chớ nên để mất thời gian không có tiếng cười. Chamfort viết: “Cái thời gian đánh mất nhiều nhất trong cuộc đời mỗi con người chính là thời gian mà người ta không được vui cười” (La plus perdue de toutes les journées est celle où l’on n’a pas ri).

Vậy thời gian nào là thời gian mà con người không được vui cười? Đó là những lúc con người cúi mặt xuống để mưu cầu danh lợi, không dám ngửng cao đầu để nghĩ đến công ơn của quê hương đất nước, của ông bà cha mẹ, của những người nông dân đã khó nhọc sản xuất ra hạt gạo nuôi ta. Đó là những lúc con người cúi mặt xuống để suy nghĩ mưu hèn kế bẩn, hãm hại đồng nghiệp để đoạt lấy những gì không thuộc về mình. Thử hỏi những lúc như thế thì con người vui cười làm sao được. Nếu tổng số những ngày mất đi không có tiếng cười càng lớn thì cuộc sống càng ít giá trị dưới ánh mặt trời.

Trong cuộc sống sinh động và phức tạp, những người lương thiện lạc quan với một tâm thế tốt thì ngay cả những lúc khó khăn gian khổ nhất họ cũng không bao giờ để mất tiếng cười, không bao giờ thiếu nụ cười. Vì họ tin chắc rằng ngày mai nhất định sẽ tươi đẹp hơn, ít vất vả hơn, đó là quy luật tiến bộ của xã hội.

Sơ kết lại, cười là một động tác sinh hoạt, một hoạt động sinh lý trong đời sống hàng ngày. Nó có nhiều hình thái, từ tích cực đến vô hại rồi đến tiêu cực. Con người sử dụng tiếng cười cũng như sử dụng lời ăn tiếng nói, phải biết “uốn lưỡi 7 lần” rồi hãy cười, rồi hãy nói, tức là rất cần thận trọng mà làm, theo hai lời khuyên sau đây:

Nhà viết kịch đại tài Molière (1622 – 1673) đã viết: “Ai muốn cười người khác thì nên biết sợ rằng cũng có lúc người ta cười lại mình” (Qui rit d’autrui: doit craindre qu’en revanche on rie aussi de lui).

Ông bà ta cũng nhắc nhở: “Cười người hôm trước, hôm sau người cười” (ca dao). Vì thế cười ai, cười cái gì cũng nên thận trọng, đắn đo, suy nghĩ trước khi cười.

Đại thi hào Florian (1755 – 1794) trong tác phẩm nổi tiếng “Hai người nông dân và đám mây” (Les deux Paysans et le Nuage) đã viết rất xác đáng: “Kẻ nào cười sau cùng mới là kẻ biết cười” (Rira bien qui rira le dernier).

Mới kể qua một vài “góc nhìn” về tiếng cười như thế cũng đủ nhắc ta làm sao để sử dụng tiếng cười cho có ý tứ nhất, có ý nghĩa nhất để tận dụng được món quà quý báu mà Tạo hóa đã ban tặng con người.