Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 26 CT/TTg: “Chính phủ yêu cầu UBND các cấp, các ngành phối hợp tốt với Hội ND”

Lượt xem: 82

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND các cấp, các bộ, ngành phối hợp tốt hơn nữa với Hội ND trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân

Tới dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền; đại diện các ban, ngành TƯ; Chủ tịch, phó Chủ tịch và các đồng chí phụ trách công tác kiểm tra các tỉnh, thành Hội. 25 tập thể và 15 cá nhân được nhận Bằng khen của BCH TƯ Hội trong việc thực hiện Chỉ thị 26 CT/TTg. Khiếu kiện chủ yếu về đất đai Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, nhiều vụ việc khiếu kiện của nông dân còn bức xúc, kéo dài, dẫn đến những bất ổn ở nông thôn. Tình hình khiếu nại, tố cáo kéo dài, đông người, vượt cấp, mà số đông là nông dân đã trở thành vấn đề bức xúc, có nơi, có lúc trở thành những điểm nóng, phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trên địa bàn nông thôn. Phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo (chiếm trên 70%) liên quan đến đất đai về thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng… Nhiều ý kiến tham luận tại Hội nghị đều cho rằng, tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do một số quy định của pháp luật điều chỉnh vẫn còn những điểm bất cập, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong một số trường hợp chưa phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước ở một số địa phương còn nhiều yếu kém, nhất là công tác quản lý đất đai. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nên có những yêu cầu, đòi hỏi không đúng hoặc vượt quá quy định pháp luật. Có những địa phương, khiếu kiện đã trở thành “điểm nóng” như cách đây hơn 10 năm, 14/18 xã, thị trấn của huyện Giao Thuỷ, Nam Định liên kết khiếu kiện. Hay vụ việc khiếu kiện đòi lại đất đai của gần 700 hộ dân tộc Khơme tại hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) với các hộ trực canh, có lúc tranh chấp hết sức phức tạp, gay gắt. Vụ nhân dân xã Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa- Vũng Tàu) tập trung đông người chiếm đất của lâm trường diễn ra từ năm 2001, 2002. Gần đây Bến Tre có khoảng 30 người, chủ yếu ở huyện Ba Tri thường xuyên đến khiếu nại tại UBND tỉnh để yêu cầu đòi lại đất đai trước đây đưa vào tập đoàn, đòi nhận đất trên chân ruộng cũ, đòi trả thêm hoa lợi… – “Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phối hợp tốt với Hội ND trong công tác giải quyết, khiếu kiện của nông dân” (Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ). – “Chỉ thị 26 CT/TTg cần được thay thế, bổ sung bằng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội tham gia giải quyết, khiếu nại, tố cáo của nông dân để sát với tình hình thực tế hiện nay”. (Nguyễn Thuý Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp). Lý giải về tình trạng khiếu kiện ngày càng nhiều hiện nay, ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ cho biết, hội viên, nông dân là đối tượng ông được tiếp nhiều nhất (khoảng trên 60%) và lĩnh vực bà con khiếu kiện nhiều nhất chính là về đất đai (chiếm 70-80%). Ông cho rằng, ở đâu càng đô thị hoá nhiều, càng giải toả lắm thì càng nổi cộm về việc khiếu nại, tố cáo. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tuyên truyền pháp luật cho hội viên, nông dân; thực hiện công khai, minh bạch, đúng trình tự trong công tác giải toả, đền bù. Để hạn chế tình trạng trên, Hội phải tham mưu với chính quyền để tham gia vào Ban giải phóng mặt bằng ngay từ đầu, để vận động, bảo vệ quyền lợi cho hội viên- Ông Hải chia sẻ thêm. Vai trò của Hội trong việc hạn chế khiếu nại, tố cáo Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, 10 năm qua, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với UBND các cấp, các ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên & Môi trường tích cực triển khai tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường trao Bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ

Bà Nguyễn Thuý Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao vai trò của các cấp Hội ND trong việc phối hợp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho nông dân. Bà cũng đề nghị, TƯ Hội cần tiếp tục chỉ đạo theo ngành dọc để phổ biến những văn bản, pháp luật đáp ứng nhu cầu của hội viên, nông dân; xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có năng lực, trách nhiệm để đưa pháp luật đến với người dân. Đồng thời, các cấp Hội cần được tham gia trước- trong- sau các vụ khiếu kiện để nâng cao năng lực, vai trò của Hội. Mười năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 1.403.382 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 50 triệu lượt hội viên, nông dân; trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật được 306.524 cuộc cho 6.679.494 lượt hội viên, nông dân; xây dựng được 18.288 tủ sách pháp luật phục vụ nhu cầu của hội viên, nông dân. Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp hoà giải thành 194.098 vụ việc và tham gia với các ngành, đoàn thể ở cơ sở hoà giải thành 541.187 vụ việc góp phần bảo đảm trật tự xã hội ở nông thôn, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp. Tham gia cùng các cấp chính quyền, ngành Thanh tra tiếp 350.111 lượt hội viên, nông dân, giải quyết 302.350 vụ việc khiếu nại, tố cáo của nông dân. Các cấp Hội trực tiếp giải quyết 96.560 đơn thư thuộc thẩm quyền của Hội. Đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, vai trò của Hội rất quan trọng trong thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng như tuyên truyền, vận động, trợ giúp, tư vấn pháp luật tới hội viên, nông dân; đặc biệt tham gia giải quyết một số vụ việc khiếu kiện kéo dài như vụ Văn Giang, Hưng Yên… Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng biểu dương những cơ quan đã chủ động phối hợp với Hội ND. Nếu các cấp, các ngành đều chủ động, tạo điều kiện cho Hội thì hiệu quả còn cao hơn nữa. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hội ND cần nhanh chóng khắc phục, hạn chế yếu kém, chủ động tham mưu cho UBND các cấp, ngành chức năng để giải quyết dứt điểm các vụ việc kéo dài. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền tới hội viên, nông dân về tinh thần yêu nước, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó các mâu thuẫn, vướng mắc được giải quyết ngay từ cơ sở. Hội cũng cần chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ chuyên trách về chính sách đất đai, giải phóng, đền bù… Hội phải giám sát việc lấy đất lúa làm các công trình giải trí; việc xử lý giải quyết khiếu kiện của nông dân. Phó Thủ tướng đề nghị Hội nhanh chóng tham mưu để thay Chỉ thị 26 bằng Quyết định của Thủ tướng nhằm chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện và tăng cường phối hợp với Hội ND các cấp để giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân đạt kết quả cao hơn. Kết luận bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường yêu cầu các cấp Hội đổi mới và nâng cao hiệu quả tiếp công dân; rà soát nắm chắc các vụ tồn đọng, kéo dài để tham mưu giải quyết. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân. Sâu sát nắm tình hình cơ sở, khi có vụ việc phức tạp cần báo cáo kịp thời với cấp trên để kịp thời xử lý. Củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh việc thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật cho nông dân… Chủ tịch cũng nhắc nhở, trong quá trình triển khai thực hiện, chắc chắn sẽ có những khó khăn, vướng mắc, các cấp Hội cần chủ động, nâng cao năng lực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.

HNDVN