Mô hình “Dân vận khéo” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới

Lượt xem: 121

Những công việc phải làm trong xây dựng nông thôn mới có khối lượng lớn và những yêu cầu mới cả về nội dung và phương pháp. Với phương châm chỉ đạo: Phát huy nội lực của cộng đồng dân cư là chính, chủ thể là các nông hộ, lấy địa bàn xã là đơn vị xây dựng nông thôn mới. Vấn đề trên đã đặt vai trò công tác vận động quần chúng là hết sức quan trọng, có tính quyết định, đòi hỏi các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở cơ sở phải quan sát sâu sắc và cụ thể hoá thành các giải pháp trong tổ chức thực.

Ảnh minh họa nguồn internet

Hưởng ứng Phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã chủ động tích cực triển khai, hướng dẫn hệ thống dân vận trên địa bàn tỉnh tham gia xây dựng nông thôn mới. Ban hành Kế hoạch số 10-KH/BDVTU ngày 18/5/2011 về công tác dân vận tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Kế hoạch số 15-KH/BDVTU ngày 19/12/2011 về xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tại 40 xã xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tổ chức 01 lớp tập huấn cho các đồng chí Lãnh đạo ban dân vận các huyện, thành uỷ; trưởng khối dân vận của 40 xã xây dựng nông thôn mới đến năm 2015; 05 lớp ở các huyện Yên Dũng, Việt Yên, Lục Nam cho các đồng chí là thành viên của khối dân vận các xã về công tác dân vận tham gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức 2 cuộc toạ đàm, trao đổi về công tác dân vận với Chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở kế hoạch, hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh uỷ, ban dân vận các huyện, thành uỷ đã tham mưu cho Ban Thường vụ huyện uỷ ban hành nghị quyết, kế hoạch và các văn bản hướng dẫn; xây dựng tiêu chí đánh giá, công nhận mô hình “Dân vận khéo”; triển khai đến các ban, ngành có liên quan và khối dân vận ở cơ sở. Khối dân vận các xã đã chỉ đạo các tổ dân vận hướng dẫn, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới bằng các việc làm cụ thể như: Tuyên truyền phổ biến để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn về chủ trương, quan điểm, giải pháp và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền làm chủ của mình trong xây dựng nông thôn mới. Phối hợp, tổ chức cho nhân dân tham gia đóng góp vào các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án; bàn và quyết định việc gì làm trước, việc gì làm sau, nhất là những công trình do người dân đóng góp và trực tiếp hưởng lợi. Vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới bằng các mô hình “Dân vận khéo” như: mô hình “Vận động nhân dân hiến đất làm đường”, “Dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn”, “Đóng góp xây dựng nhà văn hoá thôn”, “Liên kết, chuyển đổi phương thức sản xuất”, “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lế hội”, “Giữ gìn an ninh trật tự”, “Vệ sinh môi trường”… các mô hình trên thực sự có hiệu quả, có sức lan tỏa cao trong xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết tháng 9/2012 đã có 454 thôn của 40 xã xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 đăng ký 502 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó: lĩnh vực kinh tế 165, VHXH 96, ANTT 57, hiến đất 20, xây dựng cơ sở hạ tầng 104, dồn điền đổi thửa 02, VSMT 45, xây dựng Đảng các đoàn thể vững mạnh 13.

Đến nay đã có một số mô hình thực hiện có hiệu quả tốt như mô hình “Dân vận khéo” vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn Dưới, xã Cảnh Thụy, huyện Yên dũng, với nguồn vốn đóng góp của nhân dân trên 600 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa trị giá gần 1,2 tỷ đồng; mô hình “Dân vận khéo” dồn điền đổi thửa ở thôn Tân Mỹ, xã Cảnh Thụy, thôn Hưng Thịnh, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng đã huy động nhân dân đóng góp công sức, hiến đất để kiến thiết lại đồng ruộng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Nhiều mô hình hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hoá ở tất cả các xã xây dựng nông thôn mới với tổng diện tích đất đã hiến hơn 200.000 m2…

Bằng việc gắn xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” với chương trình xây dựng nông thôn mới, sự vào cuộc của hệ thống dân vận các cấp sẽ góp phần tạo được sự đồng thuận, nhiệt huyết của người dân góp công, góp sức và trí tuệ vào xây dựng chương trình mục tiêu lớn này. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đẩy nhanh việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

NGÔ VĂN THUẬN

(Ban Dân vận Tỉnh uỷ)