Kế hoạch tổ chức Đại hội Hội Nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023

Lượt xem: 135

* VỀ NỘI DUNG, CÔNG TÁC CHUẨN BỊ VÀ TIẾN HÀNH ĐẠI HỘI

(1) Nội dung đại hội Hội Nông dân các cấp

Đại hội Hội Nông dân các cấp thực hiện 04 nội dung sau:

– Tổng kết thực hiện nghị quyết của đại hội nhiệm kỳ qua; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác Hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ tới; kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành trong nhiệm kỳ.

– Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội cấp trên theo hướng dẫn của Trung ương Hội và Hội cấp trên trực tiếp. Kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam.

– Bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2018 – 2023.

– Bầu đoàn đại biểu dự đại hội đại biểu Hội Nông dân cấp trên trực tiếp.

(2) Xây dựng và tổ chức thảo luận các dự thảo văn kiện đại hội

  • Về chuẩn bị các dự thảo văn kiện đại hội

Báo cáo chính trị;

Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành;

Dự thảo nghị quyết đại hội.

  • · Thảo luận các dự thảo văn kiện của đại hội

(3) Về chuẩn bị nhân sự và tiến hành bầu cử cơ quan lãnh đạo Hội Nông dân các cấp

(3.1) Yêu cầu

– Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cơ quan lãnh đạo Hội Nông dân các cấp phải bám sát quy định của Đảng, Nhà nước; thực hiện đúng Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam, quy chế, quy định hướng dẫn của cấp trên về công tác cán bộ; phải đảm bảo dân chủ, công khai.

– Tiến hành công tác nhân sự ban chấp hành phải đảm bảo đúng quy trình công tác cán bộ, có cơ cấu hợp lý, có tính kế thừa và phát triển, công tâm, khách quan trong lựa chọn; chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố điển hình, nhất là cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

(3.2) Tiêu chuẩn

Lựa chọn, giới thiệu nhân sự ban chấp hành các cấp căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá và tiêu chuẩn của từng chức danh theo quy định. Cụ thể là:

– Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

– Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; có ý thức tổ chức kỷ luật; trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nông dân, được nông dân tín nhiệm.

– Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Trong đó cần nhấn mạnh các điều kiện: Am hiểu về tổ chức Hội, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; có khả năng lãnh đạo, quản lý, quy tụ, đoàn kết cán bộ, vận động, tập hợp hội viên, nông dân; có khả năng cụ thể hoá nghị quyết của Đảng, nghị quyết Hội Nông dân các cấp phù hợp với công tác Hội và phong trào nông dân của địa phương; có tư duy đổi mới, nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tích cực, chủ động bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân, có khả năng huy động được các nguồn lực và tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ để giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Riêng các chức danh chủ chốt của Hội ngoài các tiêu chuẩn chung, phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, uy tín, năng lực thực tiễn, nhiệt tình, tâm huyết, được cán bộ, hội viên, nông dân tín nhiệm.

(3.3) Số lượng và cơ cấu

  • · Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành, Uỷ viên Ban Thường vụ

Căn cứ địa giới hành chính, số lượng đơn vị hành chính trên địa bàn, số lượng tổ chức Hội trực thuộc và hội viên; số lượng cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên trách; số lượng các ngành liên quan và cá nhân tiêu biểu; căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, tiêu chuẩn và thực trạng đội ngũ cán bộ, đại hội quyết định số lượng uỷ viên ban chấp hành từng cấp cho phù hợp, ban chấp hành khóa mới quyết định số lượng ủy viên ban thường vụ không quá 1/3 so với tổng số ủy viên ban chấp hành, theo định hướng như sau:

– Đối với cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn): Số lượng ủy viên ban chấp hành không quá 19 đồng chí; thường trực gồm chủ tịch và 01 phó chủ tịch.

– Đối với cấp huyện: Số lượng ủy viên ban chấp hành không quá 35 đồng chí (đối với đơn vị có số tổ chức cơ sở hội đông, địa bàn rộng số lượng ủy viên ban chấp hành tối đa không quá 39 đồng chí); thường trực gồm chủ tịch và từ 01 đến 02 phó chủ tịch.

– Đối với cấp tỉnh: số lượng ủy viên Ban Chấp hành không quá 45 đồng chí. Thường trực gồm chủ tịch và không quá 03 phó chủ tịch.

  • Cơ cấu

Trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, ban chấp hành Hội Nông dân ở mỗi cấp cần có cơ cấu hợp lý để lãnh đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị của Hội; cần có 3 độ tuổi (dưới 40 tuổi; 40 – 50 tuổi; trên 50 tuổi) để đảm bảo tính kế thừa và phát triển. Một số cơ cấu cần xem xét trong quá trình xây dựng ban chấp hành:

– Cán bộ Hội Nông dân các cấp chuyên trách;

– Lãnh đạo Hội Nông dân các đơn vị trực thuộc.

– Đại diện lãnh đạo một số ban, ngành, đoàn thể, ngân hàng, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và mối quan hệ trực tiếp với tổ chức Hội và hội viên, nông dân tiêu biểu ở cơ sở.

– Phấn đấu tỷ lệ ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ là nữ cấp huyện, thành phố và cơ sở 20% trở lên.

– Đối với vùng dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có đạo nên có ủy viên ban chấp hành là người dân tộc thiểu số, người có đạo phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.

  • · Độ tuổi

Căn cứ vào các quy định của Đảng và Công văn số 1769-CV/BTCTW, ngày 10/11/2016 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về “Một số yêu cầu về công tác cán bộ”, độ tuổi quy định giới thiệu ứng cử và tái cử ban chấp hành Hội Nông dân các cấp như sau:

– Các đồng chí lần đầu tham gia ban chấp hành phải đủ thời gian công tác ít nhất trọn một nhiệm kỳ. Những đồng chí được giới thiệu tái cử vào ban chấp hành khóa mới nói chung phải đủ tuổi công tác trọn nhiệm kỳ, ít nhất cũng phải đủ tuổi công tác 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng). Trường hợp đặc biệt, đối với các đồng chí cán bộ chủ chốt của Hội phải được sự đồng ý của cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên có ý kiến bằng văn bản.

– Nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch các cấp phải được cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp phê duyệt.

(4) Thành phần, số lượng đại biểu đại hội và bầu đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên

(4.1) Thành phần đại biểu chính thức của đại hội

– Ủy viên ban chấp hành đương nhiệm cùng cấp.

– Đại biểu do đại hội cấp dưới bầu theo phân bổ.

– Đại biểu chỉ định (không quá 5%).

Trong đó, phấn đấu tỷ lệ đại biểu là nữ không dưới 20%.

(4.2) Số lượng đại biểu đại hội

Số lượng đại biểu dự đại hội do ban chấp hành cấp triệu tập đại hội quyết định trên cơ sở số lượng hội viên, đơn vị hành chính, số tổ chức Hội trực thuộc, điều kiện kinh tế, sự chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp và Hội Nông dân cấp trên trực tiếp. Số lượng đại biểu đại hội ở mỗi cấp theo định hướng như sau:

  • Cấp cơ sở

– Đơn vị có dưới 2.000 hội viên, triệu tập không nên quá 100 đại biểu.

– Đơn vị có từ 2.000 hội viên trở lên, triệu tập không nên quá 120 đại biểu.

  • Cấp huyện

– Đơn vị có dưới 15 cơ sở, triệu tập không nên quá 150 đại biểu

– Đơn vị có từ 15 cơ sở trở lên, triệu tập không nên quá 200 đại biểu

  • Cấp tỉnh

Số lượng đại biểu chính thức triệu tập không quá 300 đại biểu

(4.3) Bầu đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên

– Căn cứ vào số lượng hội viên, số lượng tổ chức Hội trực thuộc và vị trí đặc thù của từng tổ chức, ban chấp hành cấp triệu tập đại hội phân bổ số lượng đại biểu tham dự đại hội cho phù hợp.

– Căn cứ phân bổ của Hội cấp trên, ban chấp hành cấp triệu tập đại hội xây dựng Đề án nhân sự đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên, tiến hành các thủ tục bầu cử theo quy định của Điều lệ Hội, quy chế bầu cử trong hệ thống Hội Nông dân và hướng dẫn của Hội cấp trên.

Ngoài số đại biểu chính thức được phân bổ để đại hội bầu, đại hội sẽ bầu một số đại biểu dự khuyết dự đại hội cấp trên để thay thế khi đại biểu chính thức vắng mặt trong suốt thời gian đại hội cấp trên. Số lượng cụ thể do đại hội mỗi cấp quyết định.

(5) Thời gian tổ chức đại hội Hội Nông dân các cấp

– Đại hội cấp cơ sở: Không quá 01 ngày, thời gian hoàn thành chậm nhất vào giữa quý II/2018.

– Đại hội cấp huyện: Không quá 02 ngày, thời gian hoàn thành trong quý II/2018.

– Đại hội cấp tỉnh: Không quá 03 ngày, thời gian hoàn thành trong quý III/2018.

Thời gian họp nội bộ của đại hội các cấp không quá 1/2 ngày.

Trong trường hợp cần thiết, đại hội cấp huyện có thể diễn ra sớm hơn (trong quý I/2018), nhưng phải đảm bảo đã chỉ đạo tổ chức xong đại hội của các đơn vị trực thuộc./.