Đông Hưng khai thác tiềm năng rừng

Lượt xem: 88

Những năm trước, gia đình chị Trần Thị Bảy thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng được nhà nước giao quản lý, sử dụng hơn 40 ha đất lâm nghiệp. Diện tích đất được giao chủ yếu là cây bụi giá trị kinh tế thấp. Từ năm 2006, gia đình chị đã huy động nhân lực cải tạo rừng tạp để trồng cây bạch đàn và keo. Được sự hỗ trợ của Nhà nước về giống, phân bón, sự giúp đỡ về kỹ thuật từ cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân xã…, diện tích đất rừng của gia đình chị đã cho thu nhập ổn định. Chị Bảy cho biết: “Tất cả nguồn thu của gia đình đều dựa vào rừng. 1 ha rừng trồng sau chu kỳ 6 năm, đầu tư khoảng 35 triệu đồng, cho thu lãi khoảng 60-70 triệu đồng…”. Nhận thấy việc trồng rừng mang lại hiệu qủa kinh tế cao, chị Bảy tiếp tục phát triển và mở rộng diện tích rừng bằng việc mua lại của các hộ khác 15ha và nhận khoán 40ha sản xuất liên doanh với Công ty lâm nghiệp Lục Nam. Theo ước tính của chị khoảng 1 năm nữa diện tích rừng của gia đình sẽ cho thu hoạch với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Khác với chị Bảy, gia đình ông Nguyễn Văn Khiển, thôn Tân Quý, xã Đông Hưng đã biết khai thác lợi thế từ rừng để nuôi ong phát triển kinh tế. Năm 1983 gia đình ông đầu tư 5 thùng ong. Vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay ông Khiển đã phát triển đàn ong lên 40 thùng, mỗi năm cho thu nhập hơn 30 triệu đồng…. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong cho bà con quanh vùng. Học tập theo mô hình của ông, hiện trên địa bàn xã đã có hơn 20 hộ nuôi ong.

Qua tìm hiểu được biết, Đông Hưng là xã miền núi khó khăn của huyện Lục Nam, có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 5.000 ha trong đó có 3.500 ha đất lâm nghiệp (chiếm gần 70%). Những năm qua, để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về đất lâm nghiệp, Đông Hưng đã đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng và lợi thế từ rừng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó UBND xã đã chủ động quy hoạch lại vùng trồng, tận dụng các chương trình, dự án, vận động nhân dân phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chủ động phối hợp với Phòng nông nghiệp, Trạm khuyến nông và các Công ty lâm nghiệp…. cung ứng cây con, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. tích cực trồng rừng sản xuất kết hợp khoanh nuôi tái sinh rừng. Đồng thời xã tạo mọi điều kiện thuận lợi vận chuyển sản phẩm từ rừng, nâng cao giá trị sản xuất. Đến nay, diện tích rừng trên toàn xã đạt hơn 2.000 ha, hàng năm thường xuyên trồng mới hàng chục ha rừng. Ông Phạm Hải Dương, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Phát triển kinh tế đồi rừng có những đóng góp quan trọng trong chiến lược thoát nghèo của xã. Đặc biệt, từ hiệu quả kinh tế đồi rừng, bà con trong xã đã chuyển gần 200 ha diện tích cây vải kém hiệu quả sang trồng rừng kinh tế…”

Phong trào trồng rừng và khai thác những lợi thế từ rừng đã mang lại hiệu quả thiết thực trong chiến lược phát triển kinh tế xã Đông Hưng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của xã. Năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo còn 23,74%, giảm 16.57% so với năm 2008.

XUÂN TÚ – Báo BG