Kiếm “lộc” nhờ nuôi cá “độc”

Lượt xem: 92

Vốn là người nuôi cá giống lâu năm, những năm trước đây, ông Khoa nhiều lần lên huyện Sơn Động giao cá giống cho khách hàng và ông đã “bén duyên” với loài cá lăng chấm ở nơi đây. Năm 2006, trong những lần dạo qua các hàng bán cá, tình cờ ông thấy có một số con cá lăng chấm bơi trong chiếc chậu. Biết đây là loài cá quý hiếm được đánh bắt ở sông, ông chọn mua về nuôi thử trong ao cá của gia đình. Ban đầu, chỉ có 5-10 con, thu gom dần, chẳng bao lâu, ao cá lăng chấm của gia đình ông tăng lên hơn 3 nghìn con. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm và truy cập mạng Internet để tìm hiểu đặc tính, kỹ thuật nuôi loại cá này. Trên cơ sở đó, ông áp dụng vào chăm sóc cá nên đàn cá lớn nhanh, hầu như không bị bệnh. Ông tận dụng cá giống loại thải của gia đình và mua thêm ốc bươu vàng để làm thức ăn cho cá. So với một số loài cá khác, cá lăng chấm sinh trưởng phát triển chậm hơn, khoảng từ 2-3 năm mới có thể thu hoạch được, bình quân 3 kg/con nhưng giá trị kinh tế của loại cá này cao gấp 15-20 lần cá truyền thống. Đầu năm 2010, gia đình ông bán gần 1 tạ cá thương phẩm cho một số nhà hàng ở Hà Nội với giá gần 350 nghìn/kg và hơn 1.000 con cá giống, trị giá 130 triệu đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lăng chấm, ông Khoa cho biết: “Cá lăng chấm nuôi không khó, nhưng loài cá này cần lượng ô xi trong ao lớn hơn các loài cá khác nên tôi nuôi với mật độ thưa và lắp đặt đường ống dẫn nước từ sông chảy vào ao thường xuyên để tăng lượng ô xi; dưới lòng ao thả một lượt cây tre để cá trú rét qua đông và tránh nắng vào những ngày hè”. Được biết, cá lăng chấm là loài cá quý hiếm, thường sống ở hệ thống sông Hồng, từ lâu đã nổi tiếng là đặc sản nước ngọt hàng đầu ở miền Bắc, thịt cá lăng mềm, ít xương dăm, vị thơm, giàu chất đạm. Đặc biệt, loại cá này có giá bán cao tương đương như cá sấu. Hiện nay, nhiều nhà hàng, khách sạn lớn trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các nhà hàng ở Hà Nội và gần đền Hùng (Phú Thọ) chế biến cá lăng chấm thành các món ăn đặc sản hấp dẫn du khách như: sào lăn, luộc, lẩu, nướng hoặc hầm…

Nhờ biết cách đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, ông Khoa đã thành công với loài cá “lăng chấm” và làm tấm gương tiêu tiểu cho mọi người học tập và noi theo.

Tú Linh

Báo Bắc Giang