Phát triển nghề trồng nấm hiệu quả kinh tế cao

Lượt xem: 90

Một góc mô hình trồng nấm hộ anh Hoàng Văn Bẩy,

xã Phi Mô, huyện Lạng Giang

Xuất phát từ điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi cùng nhiều lợi ích thiết thực của nghề trồng nấm như tận dụng các phế liệu trong nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, khai thác được lợi thế lao động nông nhàn, góp phần bảo vệ môi trường, tăng lượng phân hữu cơ sạch cho đồng ruộng…Thời gian qua, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã đầu tư trồng nấm và thu được kết quả đáng khích lệ.

Anh Hoàng Văn Bẩy, chi hội trưởng Nông dân thôn Đại Phú 2, xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, chủ cơ sở sản xuất, chế biến nấm là một ví dụ điển hình trong việc đưa nghề trồng nấm phát triển tại thôn. Sinh năm 1970, anh Bẩy đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề trồng nấm “dễ mà khó” này. Anh cho biết, từ năm 2006, thông qua lớp dạy nghề trồng nấm do Trung tâm dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh Bắc giang tổ chức tại xã (thời gian 03 tháng), anh đã bắt đầu làm quen với nghề trồng nấm. Ban đầu, anh chỉ trồng nấm sò và sử dụng 1 tấn nguyên liệu/năm, thu lãi hơn 6 triệu động. Nhận thấy hiệu quả của cây nấm, anh quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay cùa Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT, vay bạn bè, người thân để xây dựng, mua sắm trang thiết bị mở rộng cơ sở sản xuất, chế biến nấm với tổng diện tích 500m2. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, hàng năm anh tăng dần quy mô sản xuất từ 3 tấn đến 6 tấn nguyên liệu/năm. Đến nay, mỗi năm anh đều đưa vào sử dụng từ 60 đến 70 tấn nguyên liệu để trồng các loại nấm như nấm sò, nấm mọc nhĩ….Bình quân, mỗi năm gia đình anh thu lãi từ 70-80 triệu đồng từ sản xuất nấm sò và 60-70 triệu đồng từ sản xuất nấm mọc nhĩ. Trong những năm tiếp theo, anh Bẩy có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, trong đó có cả loại nấm quý như nấm linh chi với 2 vạn bịch/năm. Qua trao đổi, anh Bẩy cho biết: trồng nấm dễ mà cũng khó, các công đoạn ủ, vào giống, chăm sóc đòi hỏi phải đúng quy trình kỹ thuật, vệ sinh môi trường sạch sẽ…Mặc dù vậy, hiện nay trồng nấm đang cho hiệu quả kinh tế cao hơn một số cây trồng khác, chi phí đầu tư nguyên liệu ít, tỷ lệ rủi ro thấp, thị trường tiêu thụ rộng, không gây ô nhiễm môi trường…

Giống như gia đình anh Bẩy, anh Phùng Văn Tuấn, thôn Thân, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) cũng là một hộ nông dân điển hình vượt khó vươn lên làm giàu từ nghề trồng nấm. Sau nhiều năm vất vả với công việc trồng lúa nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 1996, được Hội Nông dân thị trấn tạo điều kiện cho vay vốn qua ngân hàng cộng với vốn kiến thức tích lũy được thông qua các lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện, xã tổ chức, đặc biệt nhờ sự truyền dạy của giáo sư Hà Huy Thứ, nguyên giảng viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, anh Tuấn quyết định đầu tư phát triển nghề trồng nấm. Từ sự thành công bước đầu của nghề trồng nấm với khoảng 20-30 tấn nguyên liệu/năm. Anh quyết định đầu tư, mở rộng quy mô và sản lượng nấm theo từng năm, đến nay mỗi năm anh đưa vào sử dụng khoảng 70-80 tấn nguyên liệu, thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ có anh Bẩy và anh Tuấn, nhiều hộ dân khác đã nhận thấy tiềm năng của cây nấm nên đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất như hộ ông Đỗ Vinh Thúy, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang), ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Trí Yên (Yên Dũng), ông Nguyễn Danh Thuyết, xã Ninh Sơn (Việt Yên)…hàng năm sử dụng hơn 100 tấn nguyên liệu, doanh thu đạt 500-800 triệu đồng/năm, thu lãi từ 300-500 triệu đồng/năm.

Cùng với việc làm giàu cho gia đình, các hộ trồng nấm trên địa bàn tỉnh còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, sẵn sàng giúp đỡ về kinh nghiệm sản xuất, kỹ thuật, giống, vốn để các hộ dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên khá, giàu. Điển hình như cơ sở sản xuất nấm của anh Hoàng Văn Bẩy, xã Phi Mô (Lạng Giang) tạo việc làm cho gần chục lao động thời vụ với mức thu nhập 100.000đ/ngày; hộ anh Phùng Văn Tuấn, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) tạo việc làm cho 30-40 lao động thời vụ, giúp đỡ gần 100 hộ nông dân trong và ngoài xã về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao; hay như hộ ông Đỗ Vinh Thúy, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) tạo việc làm thường xuyên từ 5-10 lao động với thu nhập ổn định hơn 1 triệu đồng/người/tháng…

Từ hiệu quả của nghề trồng nấm, đến nay toàn tỉnh có khoảng 500 hộ sản xuất nấm và ở một số địa phương đã hình thành những điểm sản xuất tập trung có quy mô làng nghề như xã Tiên Lục, Tân Dĩnh, Nghĩa Hưng (Lạng Giang); Trí Yên, Đồng Việt (Yên Dũng); Ninh Sơn (Việt Yên)… Trong giai đoạn từ 2007-2010, các cơ sở sản xuất đã đưa hơn 8 nghìn tấn nguyên liệu rơm rạ, mùn cưa vào sản xuất nấm; sản lượng đạt 3.500 tấn nấm tươi; doanh thu gần 41 tỷ đồng, lợi nhuận thu được hơn 14 tỷ đồng. Ngoài ra, khoảng hai nghìn lao động nông thôn có việc làm từ trồng nấm với mức thu nhập khá… Đây là kết quả bước đầu khá thuận lợi và là cơ hội để nghề trồng nấm ngày càng phát triển, trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao trong nông nghiệp.

Tú Quyên – Tống Thắng