Nông dân đang dần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm

Lượt xem: 114
“Cần nhân rộng gương NDSXKGD để bà con không chỉ “tai nghe mà còn mắt thấy” để phong trào ngày càng lan tỏa mạnh mẽ”- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Hội nghị vinh dự đón các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và 300 đại biểu tiêu biểu đại diện cho trên 60 triệu hộ ND trên cả nước về dự Hội nghị. Lấy NDSXKDG làm nòng cốt, trung tâm Phát biểu khai mạc, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn khẳng định: “Điều mới của phong trào 5 năm qua đã làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân đó là: Chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún- sang sản xuất hàng hóa lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ- sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống- sang ứng dụng công nghệ cao; từ năng suất lao động thấp- sang năng suất lao động với hàm lượng khoa học công nghệ cao; từ coi trọng về số lượng sản phẩm- sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững”. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận, trong suốt chặng đường lịch sử phát triển của dân tộc ta, nông dân luôn là lực lượng chủ lực, đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định vị trí hết sức quan trọng của giai cấp nông dân, của nông nghiệp và nông thôn, do đó thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương và cơ chế, chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát huy vai trò chủ thể, sức sáng tạo của giai cấp nông dân. Ba trăm nông dân được tôn vinh và khen thưởng ngày hôm nay những đại biểu tiêu biểu của lớp người nông dân mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế; thực sự là những bông hoa đẹp tô thắm thêm truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của người Việt Nam nói chung và nông dân Việt Nam nói riêng…. Đó là những tấm gương tiêu biểu, có ý chí tự lực tự cường, có ý chí vươn lên, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm làm giàu, chia sẻ giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên cùng làm giàu. Dù phải chịu nhiều khó khăn, nhưng lĩnh vực nông nghiệp vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống của ND được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên kinh tế nông nghiệp, đời sống nông dân còn nhiều thách thức, đặc biệt đời sống vật chất, tinh thần của nông dân vùng sâu, vùng xa, Đảng, Nhà nước sẽ tạo nhiều điều kiện hơn nữa để bà con nông dân vươn lên, hòa chung vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
20 đại biểu được trao tặng huân chương Lao động hạng Ba

Đồng chí Trương Hòa Bình cũng đề nghị Hội NDVN cần tiếp tục chỉ đạo phát triển phong trào NDSXKDG, đoàn kết để phong trào ngày càng phát huy, có sức lan tỏa, đóng góp thiết thực vào nâng cao đời sống nông dân, lấy NDSXKDG làm nòng cốt, trung tâm, giúp nông dân từ sản xuất nhỏ, sang sản xuất lớn, từ sản xuất nhỏ lẻ sang hợp tác, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, cần coi trọng công tác tuyên truyền, phát động thi đua, kịp thời phát hiện, nêu gương, nhân rộng gương NDSXKGD để bà con không chỉ “tai nghe mà còn mắt thấy” để phong trào ngày càng lan tỏa mạnh mẽ- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 69 đại biểu điển hình

Về nhiệm vụ đặt ra cho giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ và giải pháp được Trung ương Hội Nông dân đề ra, đồng thời, nhấn mạnh một số nhiệm vụ lớn, gồm:

Một là, Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục tập trung chỉ đạo phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững để phong trào ngày càng phát huy hiệu quả sâu rộng, có sức lan tỏa lớn và đạt kết quả cao, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao đời sống của nhân dân. Tập trung các nguồn lực xây dựng các mô hình sản xuất, lấy nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt, làm trung tâm để giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn; từ kinh tế hộ nhỏ lẻ, sang liên kết hợp tác theo chuỗi; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao đời sống nông dân.

Hai là, cần coi trọng công tác tuyên truyền, động viên cổ vũ phong trào, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức phát động thi đua. Kịp thời phát hiện, xây dựng, tổng kết, phổ biến nhân rộng, nêu gương người tốt, việc tốt, khen thưởng kịp thời cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, để nông dân không chỉ tai nghe mà mắt nhìn thấy thực tế, tạo ra sức hấp dẫn, lan toả để học tập, làm theo.

Ba là, để tiếp tục thực hiện thắng lợi phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, không ai khác chính là người nông dân, chủ nhân của phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và cũng là người trực tiếp hưởng thụ kết quả từ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục đi đầu, phát huy vai trò điển hình tiên tiến, cống hiến nhiều sức lực, trí tuệ, có cách làm sáng tạo hơn, có tình cảm trong sáng, giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất, xóa nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá, giàu, người khá, giàu thì giàu thêm”.

Bốn là, sau hội nghị này, các cấp Hội tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, hội viên, nông dân kết quả của hội nghị. Tăng cường củng cố các cơ sở, chi, tổ hội, phát triển hội viên gắn với nâng cao chất lượng hội viên, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên nông dân, lấy lợi ích chính đáng và những khó khăn, bức xúc của nông dân làm nội dung hoạt động của Hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức kinh nghiệm thực tế tạo ra bước đột phá mới trong công tác Hội và phong trào nông dân thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế.

Số hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 5 lần

Các đại biểu về dự Hội nghị NDSXKDG
Hội nghị cũng được nghe Báo cáo tóm tắt tổng kết phong trào NDSXKDG giai đoạn 2012-2017, phương hướng nhiệm vụ 2017-2022 do Phó Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn trình bày. Theo đó, bình quân hàng năm, số lượng nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đạt hơn 6,2 triệu lượt hộ chiếm 41,3% so với tổng số hộ nông dân cả nước. Tổng số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp hàng năm của giai đoạn 2012-2017 đạt 3,55 triệu hộ chiếm 57,2 % số hộ đăng ký. Trong đó: số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở 2,63 triệu hộ chiếm 73,9%; cấp huyện 736 nghìn hộ chiếm 20,7 %; cấp tỉnh 170 nghìn hộ chiếm 4,8 %; cấp Trung ương 20 nghìn hộ chiếm 0,6 %. Số hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 5 lần so với giai đoạn 2007 – 2012. Nhiều nông dân đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi sáng chế ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: Hộ gia đình ông Nguyễn Lợi Đức ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang với mô hình sản xuất lúa giống, diện tích 120 ha, kết hợp xây dựng trang trại nuôi bò sinh sản áp dụng theo hướng công nghệ cao. Tổng doanh thu năm 2016 của gia đình ông đạt 25 tỷ đồng, thu nhập trên 15 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hơn 27 lao động với thu nhập từ 3,6 đến 4,6 triệu đồng/người/tháng. Hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Trí, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đầu tư trồng hoa ly trên giá thể với quy mô 4 ha, đã ứng dụng các biện pháp kỹ thuật cao trong các khâu chăm bón, xây dựng hệ thống tưới tự động. Tổng doanh thu hàng năm đạt 37,5 tỷ đồng, thu nhập 13,8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 35 lao động địa phương với thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng. Phong trào mang lại nhiều lợi ích “kép” Thông qua các hộ NDSXKGD, trong 5 năm qua các Hội đã hướng dẫn tổ chức thành lập được 14. 682 mô hình kinh tế tập thể (1.029 hợp tác xã kiểu mới). Đến nay cả nước có hơn 110.000 mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập. Ngoài ra còn thành lập và duy trì hoạt động hơn 80.000 Tổ vay vốn đầu tư sản sản xuất, kinh doanh và 5.146 doanh nghiệp trong nông nghiệp. Phong trào đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ theo chuỗi. Nhiều hộ NDSXKDG là đại diện chonong dân trong vùng để trao đổi ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp, tạo vùng sản xuất lớn, phát huy thế mạnh của mỗi vùng, miền, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá đặc trưng. Điển hình như: Cánh đồng mẫu lớn trồng mía ở Gia Lai; cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa gạo ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bạc Liêu… Qua đó tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ, hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Phong trào đã khuyến khích, động viên các hộ NDSXKDG phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo về vốn, giống, ngày công lao động, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, cách sản xuất hiệu quả… Hàng năm các hộ NDSX giỏi các cấp đã giúp trên 790.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, máy móc, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm…trị giá trên 15.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động, trong đó có trên 3,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên, hơn 7 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc khâu công việc; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 8,2 triệu lượt hộ nông dân; giúp hơn 200 ngàn hộ nông dân thoát nghèo và đang vươn lên làm ăn khá giả, có hộ trở nên giàu có; đóng góp xây dựng hàng ngàn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa và giúp cho trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất… Với những thành tích trên, tại Hội nghị, 20 nông dân tiêu biểu đã được Chủ tịch nước xét, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 69 đại biểu xuất sắc được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chấp hành Trung ương Hội cũng trao tặng Bằng khen cho 211 cá nhân điển hình tiêu biểu trong phong trào ND thi đua SXKD giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững…

Linh Hà