Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân

Lượt xem: 217

Trong những năm qua, để cụ thể hóa chức năng hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai đồng bộ các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân trên các lĩnh vực và đã mang lại kết quả tích cực. Đối với lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Hội đã chủ động, tích cực khai thác các nguồn lực để nâng cấp, hoàn thiện và có cơ chế phù hợp phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân; thường xuyên khảo sát, nắm vững nhu cầu về đào tạo nghề và nhu cầu việc làm của hội viên nông dân; đổi mới nội dung, hình thức đào tạo theo hướng tăng cường thực hành, gắn với mô hình thực tế theo hướng cầm tay chỉ việc và đào tạo những nghề xuất phát từ nhu cầu của hội viên, nông dân; gắn đào tạo nghề với nâng cao trình độ quản trị và giải quyết việc làm cho học viên sau học nghề tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Từ 2016 đến 2020, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp đào tạo hàng ngàn lao động nông thôn, trong đó riêng trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã trực tiếp tổ chức đào tạo được 42 lớp học nghề cho 1.243 lao động nông thôn, tập trung vào nhóm nghề nông nghiệp, nghề may, gò hàn, sửa chữa máy nông cụ…

Các cấp Hội tăng cường hoạt động cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp, nhất là phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào như: phân bón, giống, chế phẩm sinh học, máy nông nghiệp có chất lượng cao… theo phương thức trả chậm gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tiêu biểu như: phối hợp với Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông cung ứng gần 25.000 tấn phân bón các loại, trị giá hàng trăm tỷ đồng; Công ty cổ phẩn Giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam cung ứng trên 12.000 kg giống lúa J02 và QR15 với trị giá gần 500 triệu đồng; Công ty TNHH Một thành viên Máy kéo và máy nông nghiệp Việt Nam cung ứng được gần 500 máy các loại trị giá gần 7 tỷ đồng; phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng 11.600 gói chế phẩm sinh học phục vụ nông dân sản xuất.

Cùng với tăng cường công tác dạy nghề và cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp, các cấp Hội quan tâm hỗ trợ nông dân vay vốn xây dựng mô hình, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Các cấp Hội chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, đến nay tổng quỹ toàn tỉnh đạt trên 56 tỷ đồng cho hàng nghìn lượt hộ vay xây dựng các mô hình kinh tế gắn với chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách – Xã hội tín chấp cho hội viên nông dân vay thông qua tổ chức hội với tổng dư nợ trên 4.600 tỷ đồng, cho 63.696 hộ, ở 2.118 tổ vay vốn.

Các cấp HND quan tâm hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị tại các huyện Việt Yên, Lục Nam, Lục Ngạn; hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu nông sản như Na dai Nghĩa Phương (Lục Nam), Ba kích tím Sơn Động, lúa thơm Yên Dũng. Tổ chức lựa chọn, giới thiệu, tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu định kỳ 02 năm một lần; nâng cao năng lực truyền thông, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet cho cán bộ, hội viên nông dân. Trung bình hằng năm tổ chức và phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 200 nghìn lượt người tham dự.

Hằng năm, các cấp Hội làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm; công tác tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân. Trong đó, Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng ngàn lao động; nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hàng trăm ngàn lượt cán bộ, hội viên, nông dân; hoà giải thành công trên 120 vụ mâu thuẫn phát sinh ngay tại cơ sở; phối hợp giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, giúp nông dân hiểu và chấp hành pháp luật.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, HND các cấp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động liên kết, tư vấn việc làm, dịch vụ hỗ trợ nông dân; vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh, gắn sản xuất với thị trường; thực hiện cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV và các điều kiện cần thiết để phục vụ nông dân sản xuất hiệu quả. Chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan chuyên môn, các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường nông thôn, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương./.

Vũ Hải Đăng- Giám đốc Trung tâm HTND