Hãy để dân làm, từ thông điệp đến hành động của Chính phủ

Lượt xem: 80

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Nội dung nổi bật và nhận được sự thống nhất cao của các ý kiến tham dự hội nghị là một chủ trương được đề cập tại Nghị quyết: Huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng.

Theo các ý kiến đánh giá tại Hội nghị sơ kết, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 13 không chỉ tạo nên bộ mặt mới cho hệ thống kết cấu hạ tầng, mà quan trọng hơn là nhận thức về vận dụng cơ chế thị trường trong huy động và sử dụng nguồn lực, qua đó đã huy động được nguồn vốn đáng kể từ doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Trên thực tế, đẩy mạnh xã hội hóa việc phát triển kết cấu hạ tầng chỉ là một phần trong thông điệp thể hiện qua hàng loạt chính sách được Chính phủ và Thủ tướng quyết liệt triển khai thời gian qua: Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; phá bỏ mọi rào cản để mở rộng tối đa quyền tự do kinh doanh của người dân; đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công… Thông điệp ấy, nói một cách ngắn gọn, là để cho người dân làm.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, “nếu không xã hội hóa thì sẽ muôn đời dàn trải, muôn đời sức ép đè lên đầu tư công”. Thế nhưng, chủ trương ấy được đưa ra không chỉ bởi những khó khăn về ngân sách Nhà nước – vốn được nhắc đến nhiều thời gian vừa qua. Có quá nhiều bằng chứng và lý do xác đáng hơn, căn bản hơn để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh chủ trương này.

Chủ trương xã hội hóa không chỉ giúp giảm phần đầu tư của Nhà nước, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, mà còn giúp hiệu quả đầu tư tổng thể của toàn nền kinh tế tăng cao. Như nhận xét của Thủ tướng, trước đây, đầu tư công chiếm tới 70% tổng đầu tư toàn xã hội, nhưng giờ chỉ còn một nửa; tổng đầu tư toàn xã hội năm 2014 chỉ đạt khoảng 30-31% GDP, thấp hơn so với những năm trước, nhưng tăng trưởng kinh tế lại cao hơn.

Nhìn rộng hơn nữa, cần nhắc lại quan điểm đã được Thủ tướng khẳng định trong Thông điệp đầu năm 2014: Để đất nước phát triển nhanh và bền vững, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội.

Cũng tại Thông điệp này, Thủ tướng đã chỉ rõ, tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước. Nói cách khác, tư nhân làm hay Nhà nước làm thì cũng đều là nguồn lực của đất nước, ai làm tốt hơn, sử dụng nguồn lực tốt hơn thì sẽ được tiếp cận nguồn lực. Đó thực sự là một bước chuyển hướng mạnh mẽ về tư duy phát triển.

Phải thừa nhận rằng, để quan điểm đổi mới đó đi sâu vào cuộc sống, huy động được những nguồn lực vô cùng lớn nhưng còn nằm đâu đó trong dân, thì còn cần một chặng đường rất dài. Khó khăn, cản trở đối với xã hội hóa không chỉ đến từ những người muốn trục lợi từ đầu tư công, mà còn do những định kiến thiếu thiện cảm về vai trò của tư nhân vẫn tồn tại ở đâu đó.

Và cuối cùng, là những rào cản đến từ những thủ tục, cơ chế, chính sách hiện hành, với tất cả những phức tạp, vướng mắc nhiều khi như “mớ bòng bong” tưởng chừng không biết phải bắt đầu tháo gỡ từ đâu. Ngay trong lĩnh vực đầu tư, tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đưa ra một dẫn chứng mà theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đáng “giật mình”: Quy trình chọn nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng theo Nghị định 30 hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư phải mất 588 ngày. Đó là làm đúng quy định, còn thực tế có thể lâu hơn.

Phản ứng đương nhiên của Thủ tướng là “lựa chọn nhà đầu tư gì mà thủ tục mất 588 ngày, như thế thì làm sao mà công nghiệp hóa – hiện đại hóa, làm sao mà nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. Ông nhắc nhở rằng, thủ tục, chính sách “chính chúng ta đặt ra và chúng ta phải sửa. Chúng ta phải quản lý nhưng cần phải cải cách cách thức quản lý, đảm bảo thông thoáng, thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp”.

Nói một cách khác, để thu hút được sự tham gia của người dân, thì cơ chế, chính sách, thủ tục phải tạo thuận lợi nhất cho họ. Điều thấy rõ là thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng đã có những giải pháp hết sức quyết liệt, đụng chạm đến tận gốc rễ của vấn đề, mà nổi bật là ban hành liên tiếp hai Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2014 và 2015 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật về thuế, hải quan, khởi sự kinh doanh… và những chính sách về hợp tác công tư được ban hành, sửa đổi trong thời gian ngắn đã thực sự làm thay đổi mạnh mẽ môi trường kinh doanh, “tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn”, như Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng đã yêu cầu.

Không gian cho mỗi người dân có thể phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội, không chỉ trên giấy tờ hay lời nói, mà còn đang được mở rộng bằng những hành động chính sách cụ thể của Chính phủ.

chinhphu.vn