Đại dịch tả lợn Châu Phi – Nông dân kiệt quệ chờ hỗ trợ

Lượt xem: 96

Kiệt quệ

Tại Hội nghị trực tuyến về triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi (ASF) sáng 13/5 tại Hà Nội, theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, đến 12/5, bệnh ASF đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố. Tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con, chiếm khoảng trên 4% tổng đàn heo của cả nước. Thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, nhưng sau đó lại phát sinh heo bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã.

Không chỉ gây thiệt hại trực tiếp do thua lỗ, tại các địa phương, số heo bệnh bị tiêu hủy đang tăng theo cấp số nhân. Kinh phí hỗ trợ heo tiêu hủy cũng tăng lên chóng mặt. Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết, Thái Bình là một trong những tỉnh xuất hiện sớm dịch tả heo châu Phi, đến nay tròn 3 tháng. Số liệu về bệnh dịch được báo cáo từng ngày, với quy mô tổng đàn khoảng 1 triệu con, số heo bệnh đã tiêu hủy là 300.000 con heo (14.900 tấn). Tỉnh dự kiến phải hỗ trợ 470 tỷ đồng, trong khi ngân sách dự phòng chỉ trên 100 tỷ đồng.

Còn tại Hà Nội, thiệt hại do dịch đến nay cũng rất lớn, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, Hà Nội đã phải tiêu hủy 10 vạn con heo mắc bệnh, tiêu tốn khoảng hơn 200 tỷ đồng.

Theo tính toán, với hơn 1,2 triệu con heo bị tiêu hủy do dịch bệnh thì con số thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi – Ảnh: Báo PL

Còn nhiều bất cập

Theo đánh giá của ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, qua kiểm tra của các đoàn công tác do Bộ NN&PTNT tổ chức thời gian qua cho thấy, tại một số địa phương, việc chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời. Công tác tổ chức tiêu hủy heo bệnh, heo chết chưa triệt để, chưa bố trí đủ lực lượng tiêu hủy heo đảm bảo đúng thời gian quy định, để người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác heo ra môi trường… gây ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh. Một số địa phương còn chậm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có heo phải tiêu hủy và chưa bố trí đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, công tác thú y và kiểm dịch tại những nơi có dịch cũng còn hạn chế. Như phân tích của ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan: Quyết định 4527 về kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với ASF ngoài những ưu điểm thì còn một số điểm chưa phù hợp với dịch bệnh hiện nay. Cụ thể, biện pháp “Nghiêm cấm vận chuyển heo và các sản phẩm heo ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp” đã gây ra những rủi ro như: các cơ sở tư nhân hoặc các lò giết mổ nhỏ lẻ, thủ công do không cập nhật các quy định pháp luật, hạn chế về các phương tiện giết mổ, phương tiện kiểm nghiệm thì vẫn hoạt động, trong khi lực lượng thú y còn mỏng. Hơn nữa, quy định về heo sạch bệnh trong vùng dịch, vùng bị uy hiếp chỉ được giết mổ, tiêu thụ tại chỗ làm hạn chế trang trại, hộ chăn nuôi tập trung quy mô lớn, khiến việc tiêu thụ tại chỗ khiêm tốn so với nguồn cung. Điều này có nguy cơ dẫn đến việc người dân kê khai cả heo sạch bệnh để hưởng hỗ trợ của nhà nước, hoặc thậm chí chủ động gây bệnh cho đàn heo do không tìm được đầu ra. Như vậy, nhà nước sẽ tiếp tục phải hỗ trợ tài chính cho việc tiêu hủy heo và sản phẩm heo. Ngoài ra, biện pháp cấm đoán lưu thông thịt heo sạch vào vùng dịch, vùng bị uy hiếp như hiện nay sẽ gây kiệt quệ cho ngành chăn nuôi, gián tiếp đưa thịt nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này gây ra cho ngành chăn nuôi Việt Nam, thịt heo sẽ không thể khôi phục và mất tính cạnh tranh. Mặt khác, khi các cơ cở giết mổ quy mô lớn, hiện đại không được phép tiêu thụ thịt heo do nằm trong vùng dịch bệnh, trong khi thịt nhập khẩu cũng không thể đến tay người dân, dẫn đến người tiêu dùng quay lại sử dụng thịt không kiểm soát…

Chờ hỗ trợ

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, dịch tả heo châu Phi hiện nay đang ở mức độ rất nghiêm trọng, rất khó kiểm soát và khả năng lây lan cao. Trong khi vẫn có địa phương còn coi nhẹ, giao phó hoàn toàn công tác phòng chống dịch cho cơ quan thú y, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phòng chống dịch hiệu quả cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở địa phương để “ngăn chặn dịch bệnh lây lan và có biện pháp hữu hiệu để dập dịch”.

Còn theo đánh giá của ông Phùng Đức Tiến, đây là lần đầu tiên dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Việt Nam, chúng ta cũng không thể lường đươc mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng nên việc dự phòng kinh phí địa phương có sự bị động. Do đó, Ban chỉ đạo quốc gia đã đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét nguồn kinh phí, nhanh chóng hướng dẫn địa phương cơ chế hỗ trợ đảm bảo kịp thời phòng chống dịch bệnh. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng trong xử lý dịch. Bộ NN&PTNT đã đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với heo con, heo thịt và tăng gấp 1,5 – 1,8 lần đối với heo nái và heo đực giống buộc phải tiêu hủy. Đồng thời bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi heo vì không khả thi.

Mặc dù số heo chết hiện chiếm 4% trong tổng đàn heo nuôi của cả nước nhưng người dân nhiều nơi có tâm lý buông xuôi, bỏ mặc, người dân vẫn đang “sống dở chết dở” chống dịch, hoặc phó thác số phận cho dịch bệnh lây lan. Hàng triệu người nuôi heo vẫn đang hàng ngày chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt hơn của hệ thống chính trị.

Để phòng, chống dịch tả heo, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy, bảo đảm công khai, minh bạch để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch; bố trí kinh phí trả thù lao phù hợp cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh…

Nguồn langmoi.vn