Đánh bạc vào nuôi trâu bò hay là lúc “cải tổ” của ngành chăn nuôi?

Lượt xem: 93
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (trái) cùng Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên (giữa) xem khu vực chế biến thức ăn cho trâu bò từ lõi bắp ngô. Ảnh: M.H

Đánh cược vào trâu bò

Chỉ 3 tháng sau khi Việt Nam lần đầu ghi nhận DTLCP ở Hưng Yên và Thái Bình, đến nay đã có 55 tỉnh, thành xuất hiện ổ dịch. Tình hình này đã khiến ông Trần Văn Chiến – một chủ trang trại ở Hà Nội có 20 năm chăn nuôi lợn phải từ bỏ nghề. Thay vào đó, ông Chiến đang đặt cược tương lai vào gà, bò và thậm chí cả đà điểu – loại chim có trọng lượng khổng lồ và thịt đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Chiến cho biết, sau khủng hoảng giá lợn hơi năm 2017 và rất nhiều lần giá cả bấp bênh, bị các loại dịch bệnh tấn công, gia đình ông đã chịu nhiều tổn thất và khốn khổ từ chăn nuôi lợn. Vì vậy, ông đã quyết định không nuôi lợn nữa.

Là một trong những tỉnh đầu tiên bị DTLCP “càn quét”, nhiều hộ chăn nuôi bị chết sạch không còn con lợn nào, mới đây lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Bình đã mời 8 lãnh đạo của 8 huyện thuộc tỉnh này đi thăm mô hình nuôi trâu, bò công nghệ cao tại Hòa Bình với mục đích tìm hướng đi mới cho ngành chăn nuôi của tỉnh.

Ông Nguyễn Hồng Diên – Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình cho biết, nếu chỉ phát triển chăn nuôi riêng lẻ thì rất khó thành công, thường gặp nguy cơ rủi ro cao về dịch bệnh, giá cả. Việc xử lý “khủng hoảng” DTLCP thời gian qua đã khiến Thái Bình phải tìm lối thoát cho ngành chăn nuôi, tìm sinh kế mới cho bà con.

“Được sự khuyến cáo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, chúng tôi đã có chuyến thăm trang trại sản xuất bò giống, bò thịt và vỗ béo trâu của Công ty CP T&T 159 Hoà Bình. Tôi nhận thấy đây là mô hình hay, có thể đáp ứng được những mong muốn của Thái Bình vì chúng tôi có đủ điều kiện để phát triển chăn nuôi trâu, bò. Mặc dù ngành nào cũng có rủi ro, nhưng nếu đầu tư bài bản thì rủi ro sẽ được hạn chế mức thấp nhất” – ông Diên nói.

Ông Diên cũng cho biết, sau chuyến thăm này, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình sẽ ban hành những cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò quy mô lớn, ưu tiên doanh nghiệp làm chủ đầu tư vì nuôi trâu bò đòi hỏi vốn lớn.

Trong khi đó, tỉnh Bình Định cũng đang quyết tâm giảm thiểu chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trong nông hộ, tập trung phát triển gia trại, trang trại xa khu dân cư, đồng thời vận động hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chuyển sang nuôi bò để thực hiện tái cấu trúc ngành chăn nuôi.

Một “ông lớn” khác về chăn nuôi là Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng đang khởi động chương trình xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh hướng tới xuất khẩu giai đoạn 2019-2020 tại tỉnh Bình Phước. Dự án có vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, với công suất đạt 50 triệu con gia cầm/năm.

Hiện C.P đã triển khai xây dựng 3 nhà máy chế biến thức ăn; ấp con giống và nhà máy giết mổ, dự kiến tháng 4/2020, dòng sản phẩm thịt gà sạch an toàn dịch bệnh sẽ bán ra thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu

Được biết, Bình Định đang có đàn lợn gần 900.000 con, với 5.300 gia trại và gần 100 trang trại chăn nuôi lợn.

Ông Phan Trọng Hổ – Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ vận động người dân giảm dần hình thức nuôi lợn nhỏ lẻ sang nuôi bò chất lượng cao, loài vật nuôi mà ngành chức năng có thể khống chế được dịch bệnh và giá cả ổn định.

“Hiện các dự án Cạnh tranh nông nghiệp, Sinh kế nông thôn bền vững, “Sind hóa” và “Zebu hóa” đàn bò lai… trên địa bàn đang phát huy hiệu quả; trong đó, chương trình nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả cao, đây là điều kiện tốt để vận động người dân bỏ hình thức nuôi lợn nhỏ lẻ chuyển sang nuôi bò để đạt hiệu quả kinh tế hơn” – ông Hổ chia sẻ.

Nhiều đại gia “nhảy” vào nuôi gia cầm

Rõ ràng với cơ cấu ngành chăn nuôi tập trung quá nhiều vào con lợn (sản lượng thịt lợn chiếm khoảng 70%, giá trị chiếm khoảng 60% ngành chăn nuôi), mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người cao nhất thế giới…, thì khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm không có thuốc chữa như DTLCP, nghề nuôi lợn sẽ bị thiệt hại vô cùng lớn.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, đây chính là lúc phải cải tổ mạnh mẽ ngành chăn nuôi, cơ cấu lại ngành theo hướng tăng thị phần gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê, ngựa, cừu… và đầu tư xứng tầm cho gia cầm, thuỷ sản. Việc này vừa nhằm đa dạng cơ cấu thực phẩm, phục vụ tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng, vừa giảm áp lực cho ngành chăn nuôi lợn và hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.

Ước tính, đàn gia cầm của Việt Nam tăng khoảng 7,1% trong tháng 5/2019 so với cùng kỳ năm 2018; trong khi đàn bò tăng gần 3%. Trong đó, tại các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, số đàn vịt, gia cầm cũng đang tăng lên nhanh chóng từ đầu năm tới nay.

Đáng chú ý, thời gian gần đây có khá nhiều doanh nghiệp lớn “nhảy” vào nuôi trâu bò và gia cầm. Theo ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Tổng giám đốc Công ty De Heus Việt Nam, khó khăn về chăn nuôi lợn hiện nay là cơ hội cho ngành chăn nuôi gia cầm phát triển. De Heus Việt Nam đã đặt mục tiêu từ năm 2019 đến 2024, sẽ tăng đàn gia cầm của công ty từ 18 lên 38 triệu con gà thịt/năm và khoảng 2 triệu gà đẻ/năm.

Hiện công ty này liên kết với hơn 10 trang trại nuôi gia cầm có quy mô từ lớn từ 80.000 đến 400.000 con gà thịt/năm tại khu vực Đông Nam Bộ, cùng với 7 nhà máy giết mổ và sẵn sàng đẩy mạnh cung ứng thịt gà cho thị trường trọng điểm tại TP.HCM, khu vực Đông Nam Bộ và xuất khẩu thịt gà. Trong đó, Tập đoàn Hùng Nhơn Group (Bình Dương) cũng đang là đối tác lớn của De Heus.

Được biết, Hùng Nhơn Group hiện có khoảng 28 trang trại chăn nuôi đặt tại huyện Đồng Phú (Bình Phước) và đang chuẩn bị đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao tại Đăk Lăk, với sản phẩm chủ lực là lợn giống và gà. Hùng Nhơn cũng là doanh nghiệp Việt đầu tiên gặt hái thành công khi xuất khẩu thịt gà vào Nhật Bản vào năm 2017 nhờ liên kết với các đối tác nước ngoài từ con giống, thức ăn đến chế biến.

Hiện chuỗi liên kết này đang tạo thành một dây chuyền khép kín (sản xuất thịt gà sạch đạt tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản) và đều đặn xuất khẩu 300 tấn thịt gà mỗi tháng sang Nhật.

Hà Nội, Thái Bình sẽ là “hạt nhân” phát triển chăn nuôi bò thịt

Mới đây, lãnh đạo Bộ NNPTNT và tỉnh Thái Bình đã có buổi làm việc với Hà Nội về chính sách và mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Hà Nội trong thời gian tới có thể phát triển gấp đôi đàn bò hiện có; còn Thái Bình phát triển gấp 3-4 lần do nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong thời gian tới của nước ta sẽ tăng từ 330.000 tấn lên đến 1 triệu tấn.

Đồng thời tập trung phát triển bò thịt chất lượng cao, hình thành ngành kinh tế về chăn nuôi bò, trong đó Hà Nội sẽ dần trở thành trung tâm chuyển giao về phát triển chăn nuôi bò của cả nước và hướng tới khu vực Asean; kỳ vọng Thái Bình và Hà Nội sẽ trở thành hạt nhân trong phát triển chăn nuôi bò thịt ở Đồng bằng sông Hồng.

Nguồn: Dân Việt