Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Bắc Giang cần tiếp tục phát triển cây ăn quả theo cấu trúc 3 trục sản phẩm

Lượt xem: 87

Vườn quả ngọt bạc tỷ

Đoàn đã đến thăm vườn cam ngọt rộng 2 ha của hộ ông Lưu Văn Sáng, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn. Cây nào cũng cho quả sai trĩu, chín đỏ rực. Cây được chăm sóc theo hướng hữu cơ, sản lượng quả ước đạt gần 120 tấn, giá bán 40-45 nghìn đồng/kg, doanh thu khoảng 4 tỷ đồng. Đáng chú ý là toàn bộ cam được ghép trên gốc bưởi, không những cho năng suất cao, vị ngọt mà giúp cây luôn khỏe mạnh, ít sâu bệnh. Vườn cam này được huyện đánh giá là có sản lượng cam ngọt cao nhất huyện.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm vườn cam ngọt tại hộ ông Lưu Văn Sáng, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn (Lục Ngạn).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm vườn cam ngọt tại hộ ông Lưu Văn Sáng, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn (Lục Ngạn)

Cùng thời gian đoàn đến thăm vườn bưởi hữu cơ tại hộ ông Trần Đình Én, thôn Tân Trường, xã Thanh Hải. Với diện tích gần 2 ha, vụ này ông Én thu về gần 1,5 tỷ đồng. Ông Én chú trọng bón đậu tương, cá mắm và phân gà ủ hoai mục cho bưởi nên sản phẩm đạt chất lượng cao. Qua đó thu hút nhiều khách du lịch về tham quan, trải nghiệm. Riêng dịp nghỉ Tết Dương lịch, vườn có 30 đoàn khách ở Hà Nội, Quảng Ninh, mỗi đoàn từ 20-30 người đến tham quan, mua sản phẩm.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái (thứ 2 bên trái) trò chuyện với ông Trần Đình Én, thôn Tân Trường, xã Thanh Hải (Lục Ngạn).

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái (thứ 2 bên trái) trò chuyện với ông Trần Đình Én, thôn Tân Trường, xã Thanh Hải (Lục Ngạn)

Thông tin với đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết, hai vườn quả trên không phải là cá biệt mà tại Bắc Giang có rất nhiều vườn quả đẹp cho thu nhập cao, làm giàu cho người dân. Hiện toàn tỉnh có hơn 52 nghìn ha cây ăn quả các loại. Trước đây chủ yếu là vải thiều, tuy nhiên tỉnh xác định phải đa dạng hóa không phụ thuộc vào bất kỳ một loại cây nào nên đã chuyển đổi một phần vải sang cây có múi gồm: Cam, bưởi. Các loại cây trồng này đang phát triển tốt.

Để phát triển cây ăn quả bền vững Bắc Giang quan tâm 3 vấn đề. Thứ nhất là sản xuất theo hướng hữu cơ để bảo vệ đất đai cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thứ hai xây dựng thương hiệu cho nông sản, riêng cây có múi tỉnh sẽ hoàn thành xây dựng chỉ dẫn địa lý trong năm 2021, mở cơ hội cho nông sản của Bắc Giang đi vào tiêu thụ ở siêu thị, trung tâm thương mại và xuất khẩu. Thứ 3 là áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, vừa tăng năng suất, vừa nâng giá trị sản phẩm.

Về phía chính quyền, quan tâm quảng bá tiêu thụ sản phẩm; quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp, tạo môi trường sản xuất thuận lợi. Nhờ vậy, bà con tin tưởng vào những giải pháp của chính quyền địa phương.

Với thương hiệu, kỹ thuật đã có, bà con say mê với công việc của mình và được chính quyền hỗ trợ, Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng chắc chắn nông nghiệp Bắc Giang sẽ phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Và thực tế nhiều người dân trở thành triệu phú như ông Sáng, ông Én.

Tuân thủ 3 nguyên tắc

Tham quan các vườn quả, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao cách làm của Bắc Giang. Bộ trưởng cho rằng, Bắc Giang là một trong tỉnh đi tiên phong khai thác lợi thế của sản phẩm cấp tỉnh.

Cây cam ngọt được đấu giá 65 triệu đồng của hộ ông Lưu Văn Sáng.

Cây cam ngọt được đấu giá 65 triệu đồng của hộ ông Lưu Văn Sáng.

Bắc Giang vốn được biết đến là tỉnh miền núi, với diện tích đồi gò lớn, những năm qua, Bắc Giang đã khai thác tốt lợi thế này, đặc biệt khai thác thế mạnh để phát triển cây ăn quả. Lục Ngạn là một vùng nổi tiếng về vải thiều, cùng đó có các cây trồng khác. Hiện nay họ cây có múi như cam ngọt thâm canh tại đây cũng đạt năng suất rất cao, năng suất một số vườn lên đến 50 tấn/ha, hiệu quả kinh tế từ 1-2 tỷ đồng/ha.

Qua đây cho thấy, nếu tổ chức sản xuất tốt, biết cách khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương thì chính những nhóm sản phẩm của cấp tỉnh cũng sẽ trở thành trăm triệu đô và tiến tới tỷ đô. Đó là một trong những định hướng mà Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến khích các tỉnh, TP trong cả nước cùng nghiên cứu, khai thác giống, sản phẩm mà địa phương có lợi thế như cách triển khai của Bắc Giang.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Bắc Giang đã hình thành các vùng chuyên canh na, cây có múi, vải thiều, sản phẩm không dừng ở tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Như vậy, Bắc Giang đã làm rất tốt khâu sản xuất hàng hóa thành vùng tập trung, không còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Để đạt hiệu quả cao hơn, Bộ trưởng đề nghị, thời gian tới Bắc Giang cần khai thác lợi thế, phát triển cây ăn quả gắn với 3 trục sản phẩm chủ lực như: Sản phẩm quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh, sản phẩm đặc sản địa phương. Theo đó cần tuân thủ 3 nguyên tắc: Trước hết tiếp tục ứng dụng công nghệ cao nhất, phù hợp với những đối tượng, quy mô sản xuất và trình độ canh tác của từng nơi.

Thứ hai, tổ chức sản xuất theo chuỗi hàng hóa. Dù quy mô ở cấp độ nào cũng phải gắn bó chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu cho đến khâu tập trung chế biến, thị trường có như vậy mới thành một thể liên hoàn để khai thác giá trị mà không vấp phải câu chuyện được mùa, rớt giá.

Thứ 3, trên cơ sở xác định được cây con đối tượng sản xuất lợi thế thì phải tập trung bằng các nhóm giải pháp từ cơ chế, chính sách khuyến khích, kỹ thuật để đạt hiệu quả cao nhất.

Trò chuyện với các chủ vườn, Bộ trưởng động viên người dân cần duy trì các vườn quả như hiện nay. Xu thế sản phẩm phải sạch mới bán được nên tiếp tục tuân thủ quy trình sản xuất an toàn. Bộ trưởng cũng giao cho đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, tìm các giải pháp giúp nông dân Lục Ngạn hạn chế sâu bệnh trên cây ăn quả, nhất là cây có múi.

Nguồn: baobacgiang.com.vn