Lục Nam vui mùa na chín

Lượt xem: 89

Thu nhập cao, cuộc sống khấm khá

Năm nay sản lượng na Lục Nam ước đạt hơn 14 nghìn tấn trên diện tích hơn 1,7 nghìn ha. Khảo sát tại xã Huyền Sơn, vùng trọng điểm na của huyện vào một ngày cuối tháng 7 cho thấy, na tiêu thụ thuận lợi, giá cao, bà con phấn khởi đón mùa quả mới. Ngay trung tâm xã có một dãy ô tô tải hạng nhẹ đỗ chờ “ăn” hàng. Ước tính, Huyền Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 20 tấn na mỗi ngày.

Một điểm thu mua na tại xã Huyền Sơn (Lục Nam).

Một điểm thu mua na tại xã Huyền Sơn (Lục Nam).

Riêng thôn Khuyên có 4 điểm cân nông sản, khoảng chục thương nhân gom na ở mỗi điểm. Điểm cân nhà ông Nguyễn Văn Tuy có hàng chục lao động đang phân loại, gói, xếp na vào thùng xốp. Ông Tuy cho biết, bà con mang na đến điểm cân từ 6 giờ, đến trước 8 giờ sáng là bán hết. Tại đây, mỗi ngày thu mua khoảng 3-5 tấn na.

Đang đôn đốc người làm thuê đóng hàng, chị Phạm Thị Hằng, thương nhân đến từ Hà Nội vui vẻ nói: “Tôi mang na về bán ở khu vực gần sân bay Nội Bài. Để có hàng đẹp, tôi thường đi từ rất sớm. Đã nhiều năm trong nghề, tôi thấy na Lục Nam chất lượng rất tốt, chúng tôi lấy hàng ở đây được nhiều ngày vì vụ na thu hoạch kéo dài hơn so với trước”.

Đơn vị chuyên môn của huyện Lục Nam đang phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục xây dựng chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho quả na dai của huyện. Dự kiến, chỉ dẫn địa lý được công bố vào tháng 8 năm nay.

Xác định na là cây trồng cho thu nhập chính, giúp tăng hiệu quả kinh tế, bà con xã Huyền Sơn tiếp tục mở rộng diện tích. Năm nay, toàn xã có 150 ha na, tăng 20 ha so với năm trước. Với hơn một ha na, vụ này hộ ông Phương Minh Hiến, thôn Khuyên dự kiến thu khoảng 400 triệu đồng.

Từ đầu vụ đến nay, ông Hiến đã bán chừng 2 tấn quả, giá từ 37-45 nghìn đồng/kg. Tương tự, hộ ông Trần Văn Hòa, ông Lưu Văn Khiển ở thôn Văn Giang cũng thu về hàng trăm triệu đồng từ những vườn na.

Tại xã Đông Phú (Lục Nam) có hơn 100 ha na, tập trung tại thôn Yên Bắc và Phong Quang. Giá na tại đây dao động từ 30-45 nghìn đồng/kg (tùy loại). Đứng trên gác thượng của một tòa nhà phóng tầm mắt, Đông Phú hiện hữu là một vùng quê trù phú. Đường bê tông phẳng phiu uốn lượn quanh vườn quả xanh ngắt. Nhiều ngôi nhà lợp ngói, mái tôn đỏ, xanh khiến cho bức tranh quê thêm sống động. Cây na đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân sở tại.

Sản phẩm an toàn, bền cây

So với một số cây ăn quả khác na Lục Nam vẫn được mùa dù thời tiết bất thuận. Điểm đặc biệt, sản phẩm không thu hoạch dồn vào cùng một thời điểm mà rải vụ, tránh bị thương lái ép giá. Bà con chủ động được thời điểm na chín theo từng ngày, thu hoạch kéo dài từ nay đến tháng 11 Âm lịch thay vì chỉ 20 ngày như trước đây. Cuối năm, na bán tại vườn bình quân 60-70 nghìn đồng/kg, tính ra một thúng na tương đương cả tạ thóc.

Ông Bùi Văn Quang, Giám đốc HTX Na dai Lục Nam chia sẻ, giờ đây người dân trong xã làm chủ kỹ thuật về thụ phấn nhân tạo, điều chỉnh thời điểm na ra quả. Na chủ yếu ra quả từ thân, cành chính, quả đủ dinh dưỡng, vị ngọt đậm và to hơn. Với việc thành lập được HTX, các thành viên trao đổi kinh nghiệm, thống nhất không “bắt” quả trùng nhau.

Để dễ hình dung, ông Quang dẫn khách đi thăm vườn. Cả vườn na rộng lớn là những cây ngang tầm với, dễ hái quả. Nhiều quả nằm gọn tại cành, đoạn thân từ gốc lên ngọn hoặc cành chính đều nhú mầm xanh. Chỉ vào một đốt mầm, ông Quang bảo: “Những đốt này chỉ sau một tháng nữa sẽ bật chồi dài, cho hoa, đậu quả”. Cầm theo chiếc kéo, chốc chốc, ông Quang lại cắt một cành lộc mập mạp bởi biết cành đó chỉ nuôi lá, không trổ bông.

Người trồng na Lục Nam cũng tích cực áp dụng biện pháp chăm sóc an toàn, sản phẩm bảo đảm vệ sinh thực phẩm, giúp na bền cây. Na là cây trồng khó tính, nếu không chăm sóc tốt thì chỉ khai thác được 1-2 vụ là tàn. Thực tế, ở nhiều hộ, na đã bị bệnh, chết hàng loạt phải phá bỏ.

Rút kinh nghiệm, các nhà vườn chú trọng bón phân hữu cơ, chế phẩm sinh học giúp cây khỏe, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Đây cũng là cách mà người trồng na tự bảo vệ sức khỏe cho mình vì ít phải dùng đến phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Lục Nam có nhiều lợi thế về phát triển cây ăn quả, trong đó na dai là sản phẩm chủ lực của địa phương, luôn được huyện quan tâm, hỗ trợ. Hiện đơn vị chuyên môn của huyện đang phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục xây dựng chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho quả na dai của huyện. Dự kiến việc xây dựng chỉ dẫn địa lý được công bố vào tháng 8 năm nay.

Nguồn baobacgiang.com.vn