Bắc Giang ưu tiên kiểm soát dịch Covid-19, từng bước khôi phục hoạt động KT-XH

Lượt xem: 77

Đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì. Cùng dự tại điểm cầu tỉnh có đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì hội nghị.

Theo đánh giá của BCĐ tỉnh, các ổ dịch ở Việt Nam mặc dù đang dần được kiểm soát song vẫn còn diễn biến phức tạp. Hà Nội vẫn được đánh giá có nguy cơ.

Xác định thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa tiếp tục phòng, chống dịch vừa từng bước khôi phục, đẩy mạnh các hoạt động KT-XH, Bắc Giang sẽ gặp khó khăn hơn trong việc kiểm soát, truy xuất nguồn lây. Trước thực tế này, toàn tỉnh tập trung cao rà soát, đánh giá nguy cơ.

Được biết, hiện số người đang cách ly tập trung giảm nhiều, còn 75 người. Bệnh nhân số 228 và 240 đã xuất viện về tỉnh đang được cách ly tập trung. Ngày 23/4, Trung tâm Y tế huyện Lục Nam phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm cho hai bệnh nhân trên để theo dõi sức khoẻ người bệnh sau khi ra viện.

Toàn tỉnh đã bố trí gần 208,34 tỷ đồng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Sở Giáo dục và Đào tạo đã vận động được 2,6 tỷ đồng dự kiến hỗ trợ hơn 3 nghìn giáo viên, người lao động trong ngành bị ảnh hưởng bởi dịch. TP Bắc Giang đã hỗ trợ 100% hộ nghèo, cận nghèo, mỗi hộ 500 nghìn đồng với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng ngoài chương trình hỗ trợ của Chính phủ.

Thảo luận tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng: Trong những ngày gần đây, nước ta chưa ghi nhận ca nhiễm mới; các tỉnh, TP đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Đây là tin vui nhưng các cấp, ngành, người dân không được chủ quan ứng phó với dịch.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo tại hội nghị.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo tại hội nghị.

Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, nhiều doanh nghiệp ảnh hưởng của dịch bệnh. Toàn tỉnh có hơn 600 người lao động mất việc làm; 7,6 nghìn lao động tạm ngừng việc; 12 nghìn lao động giảm giờ làm. Mặc dù đã được Chính phủ hỗ trợ nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Do thiếu nguyên phụ liệu sản xuất, khan hiếm nguyên liệu đầu vào, một số mặt hàng phục vụ đời sống tăng giá. Riêng giá thịt lợn tăng cao tác động không nhỏ đến đời sống nhân dân trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Từ hôm nay, lao động nước ngoài đã được vào Việt Nam làm việc theo quy định, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng tỉnh tiếp tục rà soát, không cấp phép số lượng lớn người lao động nước ngoài vào ồ ạt mà nên phân thành từng đợt để kiểm soát dịch hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh thảo luận tại hội nghị.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh thảo luận tại hội nghị.

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương cho biết, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn rất nghêm trọng. Nhật Bản, Singapore trong thời gian đầu kiểm soát dịch tốt nhưng khi mở cửa từng phần để khôi phục hoạt động KT-XH trở lại đã không kiểm soát được hết các nguy cơ để dịch bệnh bùng phát. Đây là bài học để các cấp, các ngành, người dân Bắc Giang luôn chủ động phòng chống dịch, không lơ là, chủ quan trong bối cảnh đất nước chuyển sang giai đoạn sống chung an toàn với dịch từ ngày hôm nay (23/4).

Các cấp, ngành, nhân dân chung sức thực hiện song hành 2 nhiệm vụ nhưng vẫn ưu tiên nhiệm vụ số 1 là triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước khôi phục, phát triển KT-XH.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới, ngoài ngăn chặn dịch xâm nhập từ các ổ dịch trong nước, Bắc Giang sẽ đứng trước 3 nguy cơ dịch có thể lây nhiễm từ: Lao động nước ngoài được cấp phép nhập cảnh trở lại Bắc Giang từ 23/4; thương lái nước ngoài, nhất là người Trung Quốc vào thu mua nông sản, tiêu thụ vải thiều sắp tới; đồng bào Bắc Giang sinh sống ở nước ngoài về nước khi Chính phủ mở cửa biên giới từng phần (ưu tiên người già, trẻ em, người ốm đau, hoạn nạn, khó khăn về theo đợt, với số lượng kiểm soát).

Đồng chí cho biết các đối tượng từ nước ngoài về sẽ được cách ly, kiểm soát y tế. Tuy nhiên khó quản lý sức khỏe nhất đối với các thương lái nhập cảnh đến Bắc Giang thu mua nông sản. Do đó Sở Công thương phối hợp với Sở Y tế, Sở Ngoại vụ và các huyện có vải thiều, nhất là Lục Ngạn sớm có phương án kiểm soát dịch đối với thương nhân nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc sang thu mua vải thiều trong mùa thu hoạch sắp tới để vừa tiêu thụ được hàng hoá vừa ngăn chặn được dịch không xâm nhập vào địa bàn, phải lường những tình huống xấu.

Trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu tiếp tục giám sát chặt chẽ các dịch vụ chưa được hoạt động trở lại theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh trong công văn số 1699/UBND-KGVX về việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch và phát triển KT-XH từ ngày 23/4.

Các địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên vệ sinh khử khuẩn, không tập trung đông người để phòng tránh lây nhiễm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Tiếp tục theo dõi, giám sát y tế người từ nước ngoài về từ ngày 7/3 đến nay. Các trường hợp mới về từ hôm nay (23/4) vẫn áp dụng cách ly tập trung và yêu cầu tự theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày tại nơi cư trú.

Người từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch về Bắc Giang từ ngày 22/4 trở về trước vẫn thực hiện cách ly tại nhà 28 ngày; riêng về Bắc Giang từ ngày 23/4 thì không áp dụng cách ly nhưng các xã, phường, thị trấn phải nắm bắt để theo dõi, quản lý.

Đối với người cư trú ở Hà Nội song làm việc tại Bắc Giang từ hôm nay (23/4) sẽ được đi lại bình thường, trừ những người ở 2 huyện Thường Tín và Mê Linh. Các trường hợp đang cách ly (tập trung, tại nơi ở) tiếp tục thực hiện đến khi hoàn thành đủ 14 ngày.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở: Ngoại vụ, Y tế và Công an tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh rà soát, thẩm định nhu cầu người lao động nước ngoài vào Bắc Giang làm việc theo từng đợt, không vào ồ ạt, áp dụng cách ly, khai báo y tế, theo dõi sức khỏe và không được ở trong khu công nghiệp.

Các huyện, TP đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch theo Nghị quyết 42 của Chính phủ; chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho học sinh, sinh viên đi học trở lại; tiếp tục thực hiện xét nghiệm người nghi nhiễm, trường hợp cách ly, tiếp xúc gần với bệnh nhân; quản lý, chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế. Từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương thực hiện các biện pháp chung sống an toàn với dịch.

Nguồn: baobacgiang.com.vn