Lục Ngạn vượt qua những ngày “nóng” nhất

Lượt xem: 108

Nhiều biện pháp quyết liệt, sáng tạo

Trước diễn biến khó lường của dịch Covid -19, tỉnh xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều, huyện Lục Ngạn với yêu cầu cụ thể, linh hoạt hơn đã xây dựng 6 kịch bản, trù liệu mọi tình huống khó khăn nhất.

Các đồng chí: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (thứ hai từ trái sang); Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thôn Đồng Mậm, xã Sơn Hải. Ảnh: Danh Lam

Các đồng chí: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (thứ hai từ trái sang);

Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thôn Đồng Mậm, xã Sơn Hải. Ảnh: Danh Lam

“Vành đai thép” được dựng lên để bảo vệ an toàn nhất cho vùng vải thiều. Rất nhiều công nhân người Lục Ngạn là F0, F1 ở tâm dịch Việt Yên được tỉnh hỗ trợ cách ly nơi khác chứ không đưa về Lục Ngạn. Thương nhân, lái xe, người lao động được tầm soát lấy mẫu xét nghiệm, ưu tiên tiêm vắc – xin…

Cùng với các biện pháp mở “luồng xanh” trên khâu lưu thông, khơi thông thị trường nên vụ vải sớm của Lục Ngạn cơ bản được tiêu thụ thuận lợi. Tuy nhiên, bước vào chính vụ thì “vành đai thép” bị chọc thủng bởi ổ dịch bùng phát tại thôn Bằng Công, xã Kiên Thành ngày 15/6, do lây nhiễm từ khu cách ly, lúc đó toàn huyện mới tiêu thụ khoảng 70 nghìn tấn vải, chiếm 50% sản lượng.

Ban Chỉ huy tiền phương số 2 của tỉnh được thành lập để chỉ đạo phòng, chống dịch tại Lục Ngạn. Nhiều ngày qua, trung tâm chỉ huy đặt tại trụ sở Huyện ủy đèn không tắt. Ban Chỉ huy hàng ngày họp trực tuyến với Chủ tịch UBND tỉnh, có khi họp ngay trong đêm để ra biện pháp chỉ đạo thời.

Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy tiền phương số 2, nói rằng, qua kiểm tra thực tế tại ổ dịch thôn Bằng Công, chúng tôi xác định nguy cơ trở thành ổ dịch rất lớn, lo ngại nhất là dịch có thể lây lan ra nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh, do các hoạt động mua bán vải thiều đang diễn ra rất sôi động.

Đúng với nhận định trên, sau ca F0 phát hiện đầu tiên, chỉ mấy ngày sau, bình quân mỗi ngày tăng 20 ca F0, trở thành ổ dịch cộng đồng lớn nhất trong tỉnh. “Nếu trong điều kiện bình thường thì chắc chắn toàn bộ huyện Lục Ngạn đã phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, nhà nào ở yên nhà đó, nội bất xuất, ngoại bất nhập” – đồng chí Mai Sơn nói.

Với phương châm thần tốc dập dịch, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân là ưu tiên hàng đầu, đồng thời hỗ trợ đẩy nhanh tiêu thụ vải thiều, lực lượng chống dịch đã có nhiều cách làm sáng tạo. Bằng cách đánh giá rất sát nguồn lây, đối tượng, nguy cơ lây là những người trong cùng gia đình, tổ đổi công thu hoạch vải thiều, lái xe, người ở các điểm cân dọc Quốc lộ 31…, do vậy các lực lượng đã chạy đua với thời gian lấy mẫu xét nghiệm, bảo đảm có kết quả nhanh nhất để truy vết, khoanh vùng.

Sơ chế, đóng gói vải thiều Lục Ngạn trước khi tiêu thụ. Ảnh: THẾ ĐẠI

Sơ chế, đóng gói vải thiều Lục Ngạn trước khi tiêu thụ. Ảnh: THẾ ĐẠI

Nếu như “vùng xanh” tầm soát lấy mẫu xét nghiệm đại diện 1 đến 2 lần thì “vùng đỏ” xét nghiệm liên tục 5 đến 6 lần, mỗi lần cách nhau 2 đến 3 ngày, “vùng vàng” 3 đến 4 lần, cách nhau 3 đến 5 ngày. Căn cứ vào kết quả này, Ban Chỉ huy đã lập bản đồ dịch tễ, kết hợp với bản đồ các vùng vải thiều của huyện, bản đồ hành chính để xác định khoanh vùng cách ly xã hội ở phạm vi nhỏ nhất, trọng tâm nhất, ít ảnh hưởng nhất đến tiêu thụ vải thiều.

Nhờ cách làm trên đã nhanh chóng chặt đứt nguồn lây của dịch, các kịch bản thu hoạch, tiêu thụ được điều chỉnh, áp dụng phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Trong khâu thu hoạch, huyện thành lập 800 tổ đổi công và huy động lực lượng tình nguyện để khắc phục thiếu nhân lực do lao động từ nơi khác đến thu hái thuê so với mọi năm không đáng kể.

Với các xã trong diện cách ly, việc thu hoạch được hướng dẫn nhà nào ở nhà ấy, mỗi người thu hái một cây, không chở vải thiều ra điểm cân mà đưa xe thu mua đến tận vườn. Kịch bản tăng sản lượng sấy khô đã phát huy tác dụng nhờ việc huyện hỗ trợ 4 tỷ đồng xây dựng 2 nghìn lò sấy mới, cộng với 1 nghìn lò sấy cũ đã bảo đảm cho gần 1/3 sản lượng được sấy khô, giảm đáng kể áp lực tiêu thụ vải thiều tươi. Vụ vải thiều đã rút ngắn được 20 ngày so năm trước.

Những bài học kinh nghiệm

Sau 2 tuần, Ban Chỉ huy tiền phương số 2 và huyện Lục Ngạn với những biện pháp trúng, đúng, kịp thời đã khống chế được dịch. Toàn huyện ghi nhận 167 trường hợp F0, hơn 750 F1, gần 2.400 F2, hơn 10 ngày qua không phát sinh thêm F0 mới trong cộng đồng. Nhờ khoanh vùng gọn, dập dịch nhanh nên không ảnh hưởng nhiều đến tiêu thụ vải thiều. Kết quả, toàn huyện tiêu thụ 145 nghìn tấn, cao nhất từ trước đến nay với giá bán khoảng 22,5 nghìn đồng/kg, thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ hơn 4 tỷ đồng, tương đương năm ngoái.

Có được kết quả trên, theo đồng chí Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Ban Chỉ huy tiền phương số 2, sự hỗ trợ của các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong huyện. Thắng lợi trong thực hiện “mục tiêu kép” là động lực để toàn huyện vững tin bước vào phát triển KT – XH trong trạng thái bình thường mới.

Những bài học kinh nghiệm “chống dịch để tiêu thụ vải thiều, tiêu thụ vải thiều để chống dịch” mà Ban Chỉ huy tiền phương số 2 và huyện Lục Ngạn rút ra là: Bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, đồng thời phải sâu sát, đánh giá đúng tình hình, vận dụng hiệu quả kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống dịch cùng với bản lĩnh, cân nhắc, tính toán rất kỹ, tuyệt đối không vội vàng phong tỏa cả huyện, như vậy mới thực hiện được “mục tiêu kép”. Những biện pháp sáng tạo có được là nhờ sự sâu sát cơ sở.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát huy vai trò của đội tuyên truyền lưu động, tổ Covid cộng đồng, tổ truy vết… để cán bộ, đảng viên, nhân dân có nhận thức đầy đủ từ đó đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ và chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch; bảo đảm an toàn sản xuất, tiêu thụ vải thiều trong điều kiện có dịch.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện nghiêm kỷ luật “chiến trường”, chấn chỉnh, phê bình, đình chỉ công tác với những cán bộ lãnh đạo chủ quan, lơ là, không hoàn thành nhiệm vụ; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Chống dịch đúng vào mùa vải thiều là việc khó khăn gấp bội, Lục Ngạn đã vượt qua những ngày “nóng” nhất. Từ thắng lợi kép của vụ vải thiều năm nay đã cho bài học kinh nghiệm quý về “chống dịch để tiêu thụ nông sản, tiêu thụ nông sản để chống dịch”. Thắng lợi ấy củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền để cùng chung sức, đồng lòng từng bước đưa huyện Lục Ngạn thành vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước.

Nguồn: baobacgiang.com.vn