2 trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc

Lượt xem: 108

Theo Nghị định, có 2 trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc. Trường hợp thứ nhất là theo nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức, đơn vị (CQ-TC-ĐV) có thẩm quyền đồng ý. Trường hợp thứ 2 là do công chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của Luật Cán bộ, Công chức. Trường hợp công chức xin thôi việc theo nguyện vọng, phải làm đơn gửi CQ-TC-ĐV có thẩm quyền xem xét. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, CQ-TC-ĐV có thẩm quyền phải ra quyết định thôi việc bằng văn bản nếu đồng ý, còn nếu không đồng ý cho công chức thôi việc thì cũng phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Với trường hợp thôi việc do công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày có kết quả phân loại đánh giá công chức, CQ-TC-ĐV có thẩm quyền thông báo bằng văn bản đến công chức đó về việc giải quyết thôi việc đến công chức, trừ trường hợp khác quy định tại Luật Công chức. Cũng với thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo bằng văn bản, CQ- TC- ĐV ra quyết định thôi việc đối với công chức. Kể từ ngày quyết định thôi việc được ban hành, CQ-TC-ĐV phải có trách nhiệm thanh toán trợ cấp thôi việc đối với công chức trong thời hạn 30 ngày. Mức hưởng trợ cấp thôi việc Công chức thôi việc theo quy định tại Nghị định này, cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 1 tháng lương hiện hưởng. Nghị định nêu rõ, thời gian làm việc được tính trợ cấp là tổng thời gian tính theo năm có đóng bảo hiểm xã hội (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp phục viên. Nếu thời gian làm việc có tháng lẻ được tính bằng 1/2 năm làm việc nếu người đó đủ từ 3 đến đủ 6 tháng làm việc; từ trên 6 tháng đến 12 tháng thì được tính bằng 1 năm làm việc. Trường hợp dưới 3 tháng lẻ sẽ không được tính. 4 lý do không giải quyết thôi việc Các lý do không giải quyết thôi việc gồm: – Công chức đang trong thời gian thực hiện việc luân chuyển, biệt phái, đang bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; – Công chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với CQ-TC-ĐV khi được xét tuyển; – Công chức chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân đối với CQ-TC-ĐV. – Do yêu cầu công tác của CQ-TC-ĐV hoặc chưa bố trí được người thay thế. Trường hợp lùi thời điểm nghỉ hưu Thời điểm nghỉ hưu là ngày 1 của tháng liền kề sau tháng công chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp trong hồ sơ của công chức không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì thời điểm nghỉ hưu là ngày 1 tháng 1 của năm liền kề sau năm công chức đủ tuổi nghỉ hưu. Thời điểm nghỉ hưu được lùi không quá 1 tháng khi thời điểm nghỉ hưu trùng với ngày nghỉ Tết Nguyên đán; công chức có vợ, hoặc chồng, bố, mẹ (vợ hoặc chồng), con bị từ trần, bị tòa án tuyên bố mất tích; bản thân hoặc gia đình công chức bị thiệt hại do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn. Thời điểm nghỉ hưu được lùi không quá 3 tháng khi công chức bị bệnh nặng hoặc bị tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện; lùi không quá 6 tháng đối với trường hợp đang điều trị bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, có giấy xác nhận của bệnh viện. Công chức được lùi thời điểm nghỉ hưu nếu thuộc nhiều trường hợp quy định nêu trên thì chỉ được thực hiện theo quy định đối với một trường hợp có thời gian lùi thời điểm nghỉ hưu nhiều nhất. Nghị định cũng nêu rõ, những người được Đảng, Nhà nước điều động, phân công và những người được tuyển dụng, bổ nhiệm theo chỉ tiêu biên chế được giao làm việc trong tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp cũng được áp dụng Nghị định này.

Theo VGPNEWS