ĐẨY MẠNH DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

Lượt xem: 101

Trong những năm gần đây, công tác đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng được các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở rất quan tâm. Nhiều chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được ban hành và triển khai thực hiện như: chính sách dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số, chính sách dạy nghề cho người nghèo, dạy nghề cho phụ nữ, cho người tàn tật, dạy nghề cho lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất canh tác từ 50% trở lên, chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để giả quyết việc làm và đặc biệt là ngày 27/11/2009 Thủ tướng chính phủ đã có Quyết định số 1956/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956).

Đ/c Nguyễn Văn Linh – Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh chủ trì hội nghị sơ kết công tác giảm nghèo 6 tháng đầu năm 2014

Đào tạo nghề tập trung vào 03 nhóm nghề chủ yếu sau: (1) Đào tạo các nghề để chuyển đổi lao động nông thôn sang phục vụ cho ngành công nghiệp, dịch vụ như May công nghiệp, Hàn, Điện dân dụng, Sửa chữa xe máy…. (2) Đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho lao động sản xuất sản phẩm nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng; (3) Đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn để tạo việc làm trong những lúc nông nhàn, tăng thu nhập, tăng thời gian sử dụng lao động trong khu vực nông thôn như: mây tre đan xuất khẩu, thêu ren, chế biến nông sản thực phẩm…

Đồng thời với việc triển khai đào tạo nghề, các ngành, các cấp mà nòng cốt là ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã cùng với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên thường xuyên thường xuyên quan tâm đến công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Sau 04 năm (2010-2013) triển khai thực hiện, đã có trên 107.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó đào tạo sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho trên 95.600 người. Kết quả khảo sát có khoảng 75 – 80% lao động sau khi đào tạo là có việc làm ổn định, trong đó: nhóm lao động chuyển sang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ có thu nhập ổn định bình quân từ 3,0 đến 5,0 triệu đồng; riêng nhóm lao động làm nông nghiệp đã đào tạo cho 11.525 lao động nông thôn gồm các nghề chăn nuôi gà đồi, chăn nuôi thỏ, trồng cây ăn quả, trồng lúa cao sản, trồng cây thuốc lá, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng và chế biến nấm… trên 80% lao động nông thôn sau khi học nhóm nghề này đã biết vận dụng kiến thức cơ bản vào việc chăm sóc vật nuôi, cây trồng, biết cách phòng và chữa một số bệnh thông thường ở vật nuôi và cây trồng nhờ đó mà đã giảm bớt được những rủi ro trong trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Nhiều người nhờ có kỹ thuật được học đã mạnh dạn tăng quy mô sản xuất kinh doanh từ 5 đến 10 lần, thu nhập đã tăng từ 3 đến 6 lần.

Nhìn chung công tác đào tạo nghề đã đáp ứng cơ bản nhu cầu học nghề của người lao động và góp phần giải quyết một phần lao động có việc làm, có thu nhập, nâng cao đời sống; đáp ứng phần lớn nhu cầu cho các doanh nghiệp khi tuyển lao động…. từng bước chuyển dịch lao động nông thôn sang các ngành kinh tế công nghiệp và dịch vụ.

Tuy nhiên công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tỉnh Bắc Giang rất lớn, trong khi đó nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ hàng năm cho công tác dạy nghề còn hạn chế chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển chưa hợp lý, quy mô đào tạo còn nhỏ lẻ, phân tán, trình độ đào tạo còn thấp (chủ yếu là ngắn hạn); lĩnh vực ngành nghề đào tạo còn ít. Điều kiện của nhiều cơ sở dạy nghề còn hạn chế (Diện tích hẹp, trang thiết bị lạc hậu; thiếu giáo viên cơ hữu, chất lượng chưa cao; chương trình, nội dung chưa thật sự sát với thực tiễn sản xuất nông nghiệp và của doanh nghiệp). Nhiều lao động qua đào tạo còn yếu về tác phong và kỷ luật lao động.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa và nhu cầu sử dụng lao động xã hội, đào tạo nghề thời gian tới cần quan tâm:

Một là; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp để người lao động và toàn xã hội có nhận thức đúng đắn về học nghề, về vị thế của người lao động trực tiếp trong phát triển kinh tế, xã hội. Thu hút người lao động nhất là thanh niên tham gia học nghề, khắc phục tình trạng thiếu thợ có tay nghề trong doanh nghiệp, thiếu lao động có kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao.

Hai là; đẩy mạnh đào tạo nghề dài hạn có trình độ đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp, phục vụ các khu công nghiệp; đồng thời tiếp tục quan tâm mở rộng đào tạo nghề ngắn hạn nhằm tạo cơ hội tìm việc làm cho người lao động. Đảm bảo cân đối về cơ sở dạy nghề theo từng vùng, về quy mô đào tạo và cơ cấu ngành nghề…

Ba là; tăng cường công tác quản lý nhà nước về dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của các cơ sở dạy nghề như: quy hoạch đất đai dành cho xây dựng các trường, trung tâm dạy nghề; tạo thuận lợi cho các cơ sở dạy nghề vay vốn, liên kết đào tạo; hỗ trợ đào tạo giáo viên. Đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở dạy nghề theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng đào tạo. Xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo nghề dài hạn; có chính sách đầu tư và cơ chế hỗ trợ các hoạt động dạy nghề cho phù hợp với yêu cầu thực hiện công nghiệp hóa và phát triển ngành nghề nông thôn.

Bốn là; tập trung đẩy mạnh Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng: Đào tạo nghề để nâng cao chất lượng, năng suất của lao động làm nghề nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản); đào tạo chuyển đổi nghề và cơ cấu lao động trong nội bộ nông thôn (mở nghề mới, phát triển các nghề dịch vụ tại chỗ); đào tạo đề chuyển lao động nông thôn sang các ngành công nghiệp, dịch vụ góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động và đáp ứng nhu cầu lao động của các ngành kinh tế khác và phục vụ xuất khẩu lao động.

Năm là; đẩy mạnh thực hiện chủ trương XHH công tác dạy nghề. Củng cố, nâng cao chất lượng của các cơ sở dạy nghề công lập; khuyến khích phát triển các cơ sở dạy nghề ngoài công lập; khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề; thu hút đầu tư nước ngoài vào đào tạo nghề trên địa bàn. Khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo nghề tại chỗ. Với mô hình này sẽ gắn được người học với doanh nghiệp; người học thường xuyên được tiếp cận với công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị của doanh nghiệp nơi mình sẽ làm việc; đồng thời khai thác và phát huy được kiến thức của cán bộ kỹ thuật có trình độ cao tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập, thực hành cho học sinh./.

Trương Đức Huấn

Phó giám đốc Sở LĐTBXH