12,4 tỷ USD nhập siêu trong năm 2010

Lượt xem: 153

Sự hứng khởi của hoạt động thương mại quốc tế tiếp tục thể hiện trong tháng cuối cùng của năm nay. Tháng 12/2010 ghi nhận kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt ngưỡng 7,1 tỷ USD, trong khi nhập khẩu chinh phục mốc 8,5 tỷ USD. Nhập siêu cũng soán ngôi đầu của tháng 2 để vượt lên với mức 1,4 tỷ USD trong tháng này. Ba chỉ tiêu quan trọng là kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và nhập siêu đều đạt mức cao nhất trong so sánh 12 tháng qua, nhưng trong khi 2 chỉ tiêu đầu là tích cực, chỉ tiêu sau cho thấy nỗi lo thâm hụt thương mại gây áp lực lên bất ổn vĩ mô vẫn thường trực, dù chỉ mang tính thời điểm. Không ghi nhận đột biến của vàng, xuất khẩu cà phê, cao su, dệt may, giày dép, điện tử máy tính… là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu trong tháng này, khi các doanh nghiệp tăng tốc chạy tiến độ giao hàng cuối năm. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tìm trợ lực từ hóa chất, tân dược, chất dẻo, các nguyên liệu đầu vào dệt may, da giày, đồ gỗ, giấy… Nhìn lại từ đầu năm đến nay, nếu không tính xuất nhập khẩu vàng làm nhiễu xu hướng chung, ngoại thương của Việt Nam có một năm phục hồi khá rõ nét. Trong 8 tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu luôn đạt từ 6-7 tỷ USD và nhập khẩu cũng chinh phục các mức khoảng 7-8,5 tỷ USD. Vượt ra ngoài các con số cụ thể này, ngoại thương của Việt Nam dường như đang xác lập mức năng lực tiềm năng mới, cao hơn hẳn so với giai đoạn trước. Chốt lại cả năm, kim ngạch xuất khẩu 2010 ước đạt 71,63 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009; nhập khẩu đạt 84 tỷ USD và tăng 20,1%. Như vậy, nhập siêu cũng tiến đến 12,4 tỷ USD, giảm so với năm 2009 (so với 12,85 tỷ USD) và chiếm khoảng 17,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm 2010. Phía xuất khẩu, đóng góp vào con số gần 72 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, khu vực doanh nghiệp FDI có sự phục hồi nhanh hơn các thành phần còn lại và chiếm hơn nửa tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Mức tăng trưởng kim ngạch của khu vực này đạt 27,8%, nếu không kể dầu thô đạt 40,1%. Thêm hạt điều và sản phẩm chất dẻo gia nhập “câu lạc bộ” các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, năm 2010 có tới 16/26 nhóm hàng được Tổng cục Thống kê liệt kê trong báo cáo có kim ngạch xuất khẩu đạt mức này. Túi xách, va li, ví, ô dù cũng đang ngấp nghé vào nhóm này. Dệt may năm nay lần đầu tiên đạt kim ngạch trên 11 tỷ USD, đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu trong 26 mặt hàng chính. Trong khi đó thủy sản, da giày đã vượt qua dầu thô để lên các vị trí trong top 3 mặt hàng có kim ngạch cao nhất. Có một số thay đổi vị trí, nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm nay vẫn tiếp tục là thiết bị, nguyên liệu đầu vào sản xuất, khoáng sản, sản phẩm công nghiệp nhẹ và nông sản. Tính gia công và giá trị gia tăng thấp vẫn thể hiện trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Xét về tăng trưởng kim ngạch, đa số các mặt hàng được Tổng cục Thống kê đưa vào báo cáo đạt tăng trưởng dương, một số nhóm tăng ở mức cao như cao su, thép, hóa chất, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, dây và cáp điện… 11 mặt hàng có thống kê về lượng đều cho thấy giá bình quân xuất khẩu tăng hơn năm ngoái. Với nhập khẩu, 17 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ không có thay đổi so với năm 2009, tuy nhiên mức tăng trưởng mạnh về kim ngạch trong nhóm này cũng gắn với các sản phẩm xuất khẩu tương ứng, cụ thể là nhập khẩu vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày; linh kiện phụ tùng; chất dẻo; hóa chất, gỗ… Có hai mặt hàng thuộc nhóm không khuyến khích nhập khẩu giảm về kim ngạch trong năm nay, đó là ô tô và xe máy nguyên chiếc. Nhập khẩu xăng dầu cũng giảm một phần do trong nước đã đáp ứng được nhờ Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động trong năm nay.

Theo VnEconomy