Phong tục đón Tết độc đáo của người Sán Dìu ở Bắc Giang

Lượt xem: 231

Giao thừa đến, mỗi gia đình người Sán Dìu đều làm mâm cỗ để cúng tổ tiên. Mâm cỗ rất đơn giản, chỉ có con gà hoặc một miếng thịt lợn luộc và một chai rượu trắng; còn các loại hoa quả bánh trái đều đã bày sẵn ở bàn thờ.

Sáng mồng 1 Tết, người Sán Dìu ăn chay. Đây là một tập quán khá đặc biệt của người Sán Dìu. Người ta nấu cháo bột có một chút thịt nạc băm nhỏ và rau hành để cả nhà cùng ăn. Ăn chay xong, con cháu mừng tuổi cho bố mẹ, người già mừng tuổi cho trẻ nhỏ những đồng tiền lẻ cùng những lời chúc tốt lành. Đàn ông thì được vào nhà bạn bè và người thân trong làng, trong bản để chúc Tết. Đàn bà con gái cũng được ra đường nhưng không được vào nhà ai nên các bà, các chị thường ở nhà dọn dẹp và đón khách đến nhà mình chúc Tết.

Ngày mồng 1 và mồng 2 Tết, người Sán Dìu kiêng quét nhà. Sáng mồng 3 Tết, người ta mới quét và moi rác ở các xó xỉnh trong nhà rồi cho vào thùng hay sọt rách, thắp một nén hương, cho vào đó một lát bánh chưng nhỏ. Sau đó, thùng rác này được đưa ra cổng, đổ vào một gốc cây to nào đó ở trong làng. Tục lệ này, đồng bào gọi là “Sộng phống cúi“, có nghĩa là để đuổi ma đói ra khỏi nhà.

Sáng mồng 2 Tết, người Sán Dìu mới tổ chức đón năm mới thịnh soạn. Trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình đều có thịt lợn, thịt gà đã được chế biến sẵn cùng 5 bát bánh trôi nước để cúng ông bà tổ tiên. Từng gia đình, dòng họ làm cỗ mời khách. Đó là những người anh em họ hàng, bè bạn xa gần đến chúc Tết. Quanh mâm cơm ngày Tết, mọi người ăn uống vui vẻ, bàn bạc công việc làm ăn của những ngày sắp tới và cùng chúc nhau những điều may mắn tốt lành.

Sau khi đã cùng nhau ăn Tết, thanh niên nam nữ Sán Dìu tổ chức hát Soọng cô. Ở từng thôn bản, mỗi tốp dăm bảy anh con trai của làng này đến hát với các cô gái ở làng bạn. Những gia đình nào được đám thanh niên tổ chức hát tại nhà mình, họ coi đó là một niềm vinh hạnh. Do vậy, gia chủ tiếp bạn hát của mình rất niềm nở và hào phóng.

(ST)