Đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đường bộ

Lượt xem: 80

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay mức phạt tiền tối đã trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40.000.000 đồng đối với cá nhân, mức phạt này thấp hơn so mức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông đường sắt, đường thủy nội địa trong khi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ không ít nguy hiểm hơn so với hai lĩnh vực nêu trên; một số hành vi vi phạm nghiêm trọng nhưng mức xử phạt không tương xứng với hành vi phạm như hành vi chở quá số người chỉ khống chế ở mức 40 triệu kể cả số tiền/số người vi phạm vượt hơn số đó.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 24 và khoản 4 Điều 39 Luật xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt của lực lượng công an nhân dân trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì Giám đốc Công an tỉnh, Chánh Thanh tra Sở được phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa (tương ứng tối đa 20.000.000 đồng đối với cá nhân; 40.000.000 đồng đối với tổ chức); Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT Công an cấp tỉnh được phạt tiền đến 20% mức tiền phạt tối đa (tương ứng tối đa 8.000.000đ đối với cá nhân; 16.000.000 đồng đối với tổ chức). Tuy nhiên hiện nay, các hành vi vi phạm thường xuyên xảy ra trong lĩnh vực giao thông đường bộ có mức phạt rất cao, vượt quá thẩm quyền xử phạt của Giám đốc Công an tỉnh, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng CSGT cấp tỉnh, dẫn đến tình trạng phải chuyển hồ sơ vi phạm lên cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt, làm chậm và phát sinh khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, hiện nay một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ như vi phạm quy định về nồng độ cồn, điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm quy định về giao thông trên đường cao tốc… có tính chất, mức độ vô cùng nguy hiểm, khả năng gây tai nạn giao thông với hậu quả rất nghiêm trọng. Việc quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4-6 tháng hoặc 22 – 24 tháng là chưa đủ sức răn đe.

Đặc biệt, nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên thực tế chưa được quy định trong Nghị định xử phạt như: Hành vi lắp thêm đèn chiếu sáng phía trước của các xe ô tô, gây ảnh hưởng, mất an toàn giao thông đối với xe đi ngược chiều, trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng người lái xe sử dụng ma túy, cấp giấy vận tải, lệnh vận chuyển cho lái xe hoặc đảm bảo nội dung theo quy định, hành vi sử dụng giấy phép lái xe mà giấy phép đó đã khai báo mất để được cấp lại; nhiều hành vi vi phạm các quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ như hành vi vi phạm của các đơn vị sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô; chở hàng quá sức chở của đầu kéo…

Nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên thực tế chưa được quy định trong Nghị định xử phạt. Ảnh: Internet.

Để khắc phục những vấn đề trên, trong dự thảo Nghị định 46 đã đề xuất tăng mức phạt tiền tối đã trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 80.000.000 đồng đối với cá nhân, tương đương như mức phạt tiền tối đa lĩnh vực giao thông đường sắt, đường thủy nội địa. Đồng thời điều chỉnh tỉ lệ % phạt tiền so với mức phạt tiền tối đa của các chức danh, đề xuất tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, có thể tước quyền sử dụng giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.

Theo đó, phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi lùi xe trên đường cao tốc; điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định (tước giấy phép lái xe 4-6 tháng).

Phạt tiền từ 26.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (tước giấy phép lái xe 10-12 tháng); Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất ma túy của người thi hành công vụ (tước giấy phép lái xe 10-12 tháng); Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy (tước giấy phép lái xe 22-24 tháng).

Nguồn langmoi.vn