Bắc Giang triển khai Kế hoạch giải tỏa hành lang giao thông đường bộ, đường sắt năm 2021

Lượt xem: 90
Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt để người dân tự giác chấp hành quy định. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Kế hoạch nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt để người dân tự giác chấp hành. Qua đó, tập trung thực hiện giải tỏa các vi phạm, lấn chiếm trái phép trên phần đất đã thu hồi thuộc hành lang giao thông đường bộ, đường sắt; các vị trí nút giao, điểm mất ATGT, các điểm che khuất tầm nhìn; không để tái lấn chiếm làm che khuất tầm nhìn­.

Thực hiện giải tỏa hành lang an toàn đối với các tuyến đường có các dự án chuẩn bị đầu tư sửa chữa, cải tạo nâng cấp giai đoạn năm 2021 – 2022 kể cả các tuyến đường giao thông nông thôn. Tập trung giải tỏa hành lang an toàn đường sắt trên dọc tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn; Kép – Hạ Long trên địa bàn tỉnh; nhất là tuyến Hà Nội – Lạng Sơn để thực hiện xây dựng hệ thống đường gom, rào chắn đường sắt, xóa bỏ các lối đi tự mở theo lộ trình. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt sau giải tỏa. Giải tỏa vi phạm đến đâu quản lý chặt chẽ đến đó, kiên quyết không để tái lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đã được giải tỏa.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Sở Giao thông vận tải đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt để mọi người tự giác chấp hành. Riêng đối với những đoạn tuyến quốc lộ ủy thác, đường tỉnh đi qua các thị trấn, thị tứ, khu dân cư phạm vi giải tỏa theo chỉ giới xây dựng.

Về phạm vi giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, trường hợp khó khăn, liên quan đến đất hợp pháp có thể thay đổi phạm vi giải tỏa nhưng tối thiểu phải giải tỏa hết phạm vi đất của đường bộ trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và đường huyện được giao cho địa phương quản lý, phạm vi hành lang an toàn đường sắt, nhất là đối với các vị trí thực hiện xây dựng hệ thống đường gom.

Đối với hành lang ATGT đường bộ, UBND các huyện, thành phố rà soát xâv dựng Kế hoạch giai tỏa hành lang an toàn đường bộ tập trung vào các nút giao, điểm mất ATGT, điểm che khuất tầm nhìn, các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường phục vụ cho dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên tổ chức giải tỏa. Tổ chức tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trên đài truyền hình, truyền thanh, loa truyền thanh tại các địa phương.

Xác định phạm vi giải tỏa trên thực địa, vận động nhân dân tự tháo dỡ công trình, vật kiến trúc, cây xanh… trong phạm vi giải tỏa. Rà soát, thống kê, phân loại đất, tài sản nằm trong hành lang ATGT đường bộ và xác định các nút giao, điểm mất ATGT, điểm che khuất tầm nhìn, các vị trí thực hiện dự án để thực hiện giải tỏa.

Về hành lang ATGT đường sắt, các huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua cần rà soát kết hợp xây dựng Kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn đường bộ và đường sắt tập trung các vị trí có nhiều điểm lối đi dân sinh tự mở, đường ngang, các vị trí chuẩn bị cho dự án xây dựng; đường gom, rào chắn, các vị trí có nguy cơ mất ATGT đường sắt các vị trí che khuất tầm nhìn.

Tổ chức tuyên truyền pháp luật về giao thông đường sắt, các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rà soát, thống kê, phân loại đất, tài sản nằm trong hành lang ATGT đường sắt và xác định các nút giao, điểm mất ATGT, điểm che khuất tầm nhìn, các vị trí để thực hiện xây dựng đường gom để thực hiện giải tỏa.

Nguồn: atgt.bacgiang.gov.vn