Xuất-nhập khẩu nông sản: Cần có cơ chế quản lý hiệu quả

Lượt xem: 157

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sụt giảm

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá trị xuất khẩu XK của ba nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tăng mạnh trong tháng 4 đã kéo tổng kim ngạch XK của nhóm hàng này trong 4 tháng đầu năm 2010 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2009, đạt 5,6 tỷ USD. Trong đỏ, nông sản đóng góp hơn 3 tỷ USD, thủy sản 1,2 tỷ USD, lâm sản 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đạt được chủ yếu nhờ sự tăng giá của những mặt hàng nông sản thứ yếu, trong khi những nông sản XK chủ lực như gạo, càphê, cao su, điều… đều rơi vào cảnh ế ẩm và rớt giá. Trong quý I/2010, kim ngạch XK các mặt hàng nông sản chính chỉ đạt 1,9 tỉ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2009.

Đối với gạo, mặc dù Hiệp hội Lương thực Việt Nam luôn khẳng định, triển vọng XK năm 2010 rất lạc quan, nhưng thực tế cho thấy tổng lượng gạo XK trong quý I chỉ đạt 1,2 triệu tấn, giảm 30% về lượng và 16,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Thông thường, XK gạo những tháng đầu năm rất sôi động. Tuy nhiên, năm nay, thị trường có sự đảo chiều, giá thu mua lúa gạo giảm và điệp khúc buồn “được mùa mất giá” lại diễn ra.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận định, khả năng đột phá của gạo là rất khó, bởi giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng cao kéo chi phí sản xuất tăng lên. Diện tích canh tác không tăng, thậm chí còn giảm, trong khi đó, biến đổi khí hậu kèm thiên tai có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Đặc biệt, XK càphê sụt giảm mạnh cả về lượng và giá trị. Tổng lượng càphê xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 465.000 tấn, thu về 651 triệu USD, giảm 16% về lượng và 21% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Càphê – Ca cao Việt Nam, từ đầu năm đến nay, giá càphê XK đã thấp hơn khoảng 140 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2009. Sự sụt giảm của giá càphê thế giới khiến giá thu mua càphê trong nước ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua (khoảng 21.000 đồng/kg). Không chỉ nông dân, cả người thu mua càphê cũng lâm vào cảnh lao đao. Sau khi có chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu càphê mua tạm trữ 200.000 tấn, gần đây giá càphê đã nhích lên khoảng 25.000 đồng /kg càphê nhân xô, thị trường thế giới cũng có những chuyển động tích cực song đến lúc này, người trồng càphê đã lĩnh đủ những hệ lụy của việc rớt giá vì không còn càphê để bán.

Cần đổi mới cơ chế quản lý

Trong khi xuất khẩu gặp khó khăn thì nhập khẩu vật tư nông nghiệp và một số nông sản tăng mạnh, với kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt 5 tỷ USD, tăng 77%. Điều này liệu có hợp lý khi Việt Nam được coi là quốc gia sản xuất, xuất khẩu nông sản hàng đầu. Các chuyên gia cho rằng, việc thiếu chủ động trong xây dựng các hàng rào kỹ thuật cần thiết là nguyên nhân chính khiến nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp, nông sản của nước ngoài có điều kiện thâm nhập thị trường nội địa.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, trong tháng 4/2010, tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản, vật tư nông nghiệp, nguyên liệu chế biến là 1,5 tỷ USD. Theo đỏ, cao su và bông là 2 mặt hàng có giá trị nhập khẩu tăng mạnh, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2009.

Một vị lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT lý giải, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu là cần thiết để đáp ứng nhu cầu sản xuất của các DN chế biến, xuất khẩu. Đơn cử, với mặt hàng đồ gỗ, hiện nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng được khoảng 20%, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu.

Nhưng có một nghịch lý là, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước hoàn toàn có khả năng đáp ứng tiêu dùng nội địa như mía đường, song trong 4 tháng đầu năm, chúng ta vẫn nhập khẩu đường với số lượng lớn.

Theo ông Trần Đức Tụng, chuyên gia cao cấp của ngành nông nghiệp, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu nông sản, vật tư nông nghiệp cần phải có hàng rào kỹ thuật, không thể nhập khẩu ồ ạt những mặt hàng không thiết yếu như hiện nay. Cùng với đó, cần phải có chính sách đồng bộ để thúc đẩy các ngành hàng sản xuất trong nước, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh…

Không thể hoàn toàn đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan là thị trường diễn biến phức tạp, rõ ràng những bất cập từ nội tại của việc quản lý, điều hành XK đang đưa nông sản Việt Nam vào thế khó và việc chính các DN tự ghìm chân nhau đã khiến nông sản Việt mất dần vị thế.

Một chuyên gia của ngành nông nghiệp cho rằng, cần thẳng thắn thừa nhận sự yếu kém trong việc quản lý điều hành XK hiện nay. Hầu hết nông sản Việt Nam được XK dưới dạng thô, nhưng ngay cả ở dạng thô, các DN cũng đang làm giảm giá trị sản phẩm khi có quá nhiều DN tham gia XK một ngành hàng, trong khi cơ chế quản lý cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng đối với mỗi mặt hàng lại chưa được đề ra.

Lấy ví dụ ngành chè, hiện sản lượng chè XK không lớn nhưng cả nước có tới hơn 620 DN chế biến chè XK. Sự manh mún đã kéo chất lượng, phẩm cấp và kéo luôn giá chè thụt lùi. Bên cạnh đó, sự yếu kém trong công tác phân tích dự báo thị trường cũng khiến các mặt hàng nông sản XK của Việt Nam luôn gánh phần thua thiệt.

Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, để các mặt hàng XK ổn định, chúng ta cần có một định hướng chiến lược, thể hiện bằng cơ chế quản lý cụ thể với mục đích lành mạnh hóa thị trường XK, tạo dựng và khẳng định vị thế và hiệu quả XK, từ đó bình ổn sản xuất

Theo KTNT