Tổng quan thị trường hàng hoá thế giới ngày 22/7/2010

Lượt xem: 172

Phiên giao dịch ngày 21/7, giá đồng trên thị trường thế giới leo lên mức cao nhất 3 tuần qua bởi nhu cầu mua từ Trung Quốc trong khi dự trữ kim loại đỏ giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Giá dầu giảm bởi triển vọng kinh tế không lạc quan và dự trữ dầu tăng. Trên thị trường nông sản, giá lúa mì tăng 2,5% bởi nỗi lo hạn hán sẽ làm giảm sản lượng tại châu Âu và Nga.

Chỉ số CRB của 19 loại hàng hoá nguyên liệu thô đi ngang bởi giá đồng và lúa mì tăng bù lấp cho sự sụt giảm của giá dầu mỏ – mặt hàng có ảnh hưởng mạnh nhất tới chỉ số này.

Đồng

Giá đồng đã tăng 5% trong tháng 7 này và là lần tăng đầu tiên trong vòng 4 tháng qua, nhờ nhu cầu tăng từ quốc gia tiêu thụ kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới, dự trữ giảm, đồng Euro mạnh so với USD và thị trường chứng khoán mạnh đầu phiên.

Dù tăng giá nhưng nhiều nhà phân tích đang tỏ ra nghi ngờ về xu hướng tăng tiếp của kim loại đỏ. Randly North thuộc RBC Capital Markets nhận định “Trừ khi bạn thấy tình hình cung khan hiếm trên thị trường vật chất hoặc đồng Euro lên tới 1,30 USD, tôi thấy đồng khó có thể vững ở các mức hiện tại”.

Các nhà phân tích cho biết, giá đồng sẽ có những điều chỉnh mạnh mẽ ngay lập tức trong phiên 22/7 khi Mỹ công bố doanh số bán nhà sẵn có trong tháng 6 và kết quả thanh tra ngân hàng ở châu Âu công bố ngày 23/7.

Giá đồng giao tháng 9 tại New York đóng cửa phiên 21/7 tăng 3,1% lên 3,0930 USD/lb. Giá đồng giao sau 3 tháng tại Luân Đôn cũng tăng 3,2% tức 213 USD elen 6.850 USD/tấn.

Theo kết quả cuộc khảo sát giữa năm của Reuters với các nhà phân tích và các thương nhân, giá đồng trong năm nay có thể đạt trung bình 6.878 USD/tấn, thấp hơn so với mức 7.077 USD/tấn trong lần khảo sát thực hiện trong tháng 1.

Cùng với đồng, giá các kim loại công nghiệp khác cũng tăng trong phiên giao dịch hôm qua. Giá kẽm leo lên mức cao nhất gần 8 tuần, giá thiếc cao nhất kể từ 30/4, giá chì cao nhất 2 tháng.

Dầu mỏ

Giá dầu thô giảm khỏi mức cao nhất 3 tuần rưỡi qua sau khi Mỹ công bố tình hình dự trữ dầu thô tăng tuần trước tăng cao hơn dự đoán. Giá dầu cũng chịu sức ép giảm bởi biên bản phiên điều trần của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ông Ben Bernanke trước Quốc hội Mỹ được công bố cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với triển vọng hồi phục “không chắc chắn khác thường”. Ông Bernanke cho biết ngân hàng trung ương cũng đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp thêm nữa nhằm hỗ trợ tăng trưởng nếu cần thiết.

Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York đóng cửa phiên hôm qua ở 76,56 USD/thùng, giảm 1,3 % tức 1,02 USD.

Vàng

Giá vàng giảm trong phiên hôm qua phần lớn bởi ảnh hưởng từ sự suy yếu của thị trường chứng khoán sau khi biên bản điều trần của ông Bernanke trước Quốc hội được công bố.

Giá vàng giao ngay tại New York cuối giờ chiều còn 1.185,85 USD/ounce, so với 1.191,40 USD phiên trước đó. Giá vàng giao tháng 8 giảm 10 cent còn 1.191,80 USD/ounce.

Dù phát biểu của ông Bernanke nhưng nhu cầu vàng trong vai trò là công cụ đầu tư an toàn vẫn không tăng trong phiên hôm qua. Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới báo cáo đã bán 6,1 tấn vàng trong phiên 21/7 – ngày bán ra mạnh nhất kể từ tháng 12 năm ngoái – đã làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư.

Triển vọng thị trường thời gian tới, chuyên gia phân tích giàu kinh nghiệm Scott Meyers của Pioneer Futures ỏ New York cho rằng giá vàng sẽ tìm mức hỗ trợ mới ở 1.168 – 1.175 USD/ounce.

Một cuộc khảo sát mới đây của Reuters với 55 nhà phân tích, các thương nhân và các quỹ hàng hoá cho thấy giá vàng sẽ tăng năm thứ 11 liên tiếp trong năm nay bởi các nhà đầu tư tìm đến vàng nhiều hơn trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy lạc quan.

Nông sản

Sự tăng giá của lúa mì trên thị trường đã hỗ trợ cho giá ngô và đậu tương tăng theo bởi các nhà đầu tư lo lắng thời tiết xấu sẽ ảnh hưởng tới vụ mùa ở châu Âu và giữa tây nước Mỹ.

Giá lúa mì đỏ mềm mùa đông giao tháng 9 tại Chicago đóng cửa phiên 21/7 ở 5,88 – 1/4 USD/bushel, tăng 2% tương đương 11 – 1/4 cent so với phiên trước đó. Giá lúa mì từng ở mức cao nhất 3 tháng qua hôm 15/7 khi đạt 5,98 – 1/2 USD/busel.

Giá ngô kỳ hạn tháng 9 tại Chicago tăng 5,75 cent lên 3,7975 USD/buseh. Giá đậu tương cùng kỳ hạn tăng 3,5 cent lên 10,1525 USD/bushel.

Cà phê

Giá cà phê arabica trên thị trường New York giảm phiên thứ 4 liên tiếp tính đến ngày 21/7 bởi các yếu tố kỹ thuật yếu trong khi người bán lẫn các nhà rang xay đều không mấy bận tâm đến thị trường.

Giá cà phê arabica giao tháng 9 giảm 1,25 cent và đóng cửa phiên hôm qua ở 1,5730 USD/lb. Giá cà phê robusta cùng kỳ hạn giảm 12 USD xuống còn 1.672 USD/tấn.

Cả cà phê arabica và robusta đều được dự báo sẽ chịu sức ép giảm giá trong các tháng tới bởi vụ mùa bội thu ở Braxin và Việt Nam bước vào vụ thu hoạch mới kể từ cuối tháng 10.

Đường

Giá đường biến động lên xuống bởi sức ép tăng giá từ tình hình giao hàng gặp trục trặc tại các cảng của Braxin và sức ép giảm giá bởi nguồn cung vụ mới dồi dào từ Braxin, Ấn Độ, các nước Liên xô cũ và châu Phi. Tuy nhiên cuối phiên, giá đường vẫn tăng với đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,19 cent lên 17,47 cent/lb.

Thị trường đường trắng cũng chịu sức ép tăng giá bởi cung khan hiếm. Giá đường giao tháng 10 tại Luân Đôn đóng cửa phiên 21/7 ở 542,20 USD/tấn, tăng 3,9 USD so với phiên trước đó.

Ca cao

Giá ca cao giảm trong phiên hôm qua bởi các yếu tố kỹ thuật yếu. Giá ca cao giao tháng 9 tại New York giảm 42 USD, tức 1,4% và đóng cửa ở 2.935 USD/tấn. Giá ca cao cùng kỳ hạn tại Luân Đôn giảm 33 bảng xuống còn 2.286 bảng/tấn.

Thị trường ca cao vẫn đang được hỗ trợ bởi các thông tin công bố tuần trước, bao gồm giao dịch trên thị trường đạt mức cao nhất 14 năm khi công ty Armajaro thực hiện chuyến giao hàng 240.100 tấn ca cao, và hoạt động nghiền ca cao tại châu Âu tăng hơn dự đoán trong quý 2.

Theo Vinanet