7 nhóm giải pháp hỗ trợ để xây dựng “Người nông dân chuyên nghiệp”

Lượt xem: 334
Hiện nay, có một bộ phận nông dân (ND) Việt Nam rất nhanh nhạy trong sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu thị trường, có tư duy kinh tế, sản xuất với giá thành hợp lý, sản xuất ra những sản phẩm an toàn, sẵn sàng hợp tác, chủ động tạo lập các mối quan hệ xã hội. Khi người ND được trang bị kiến thức, họ sẽ quyết định được việc làm của mình để nâng cao đời sống cho chính bản thân, cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh. Họ là mẫu hình ảnh của “Người nông dân chuyên nghiệp”.
Có nhiều HTX và nông dân đã sử dụng thiết bị máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp.

Lấy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi làm nền tảng 

Vừa qua, tại diễn đàn “Người nông dân chuyên nghiệp” do Hội NDVN phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức, bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng ban Kinh tế, T.Ư Hội NDVN đã có bài tham luận về vai trò của người ND chuyên nghiệp trong phong trào SXKD giỏi. Bà Hoa cho hay, hằng năm có 3,6 triệu hộ ND đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp; với nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn cho thu nhập hàng tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 5 triệu lao động, trong đó có trên 1,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên; hơn 3 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ; giúp hơn 200 nghìn hộ ND thoát nghèo.

Trong giai đoạn 2017 – 2022, chất lượng phong trào nông dân SXKD giỏi ngày càng nâng cao, tiếp tục xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn. Số hộ ND giỏi có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2012 – 2017.

Anh Nguyễn Văn Linh ở thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh với mô hình trồng cà rốt xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc là một ví dụ. Anh Linh cho hay, để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, củ cải, cà rốt phải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, sản phẩm thu hoạch về phải áp dụng máy móc hiện đại vào quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm.

Hiện anh Linh có 40ha diện tích đất bãi trồng củ cải, cà rốt xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản mỗi năm khoảng 2.200 tấn mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm; HTX của anh đang tạo công ăn việc làm cho từ 30 đến 50 lao động tại địa phương.

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hồng ở xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam với mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả. Trang trại của ông Hồng đã đầu tư xây dựng khu giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn đã mang lại thu nhập bình quân hàng năm cho gia đình trên 6,5 tỷ đồng (riêng năm 2021 là 7,8 tỷ đồng), tạo việc làm ổn định cho 25 lao động, giúp đỡ 25 hộ nghèo, khó khăn về kỹ thuật, giống chăn nuôi.

Hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Minh ở xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp với mô hình trồng xoài, trồng ổi trên diện tích 7ha, kết hợp thu mua trái cây trong vùng; thực hiện dịch vụ du lịch sinh thái miệt vườn đã mang lại thu nhập hàng năm trên 5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động và hơn 150 lượt lao động mùa vụ, giúp đỡ 28 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo…

“3 gương ND có đầu óc nhạy bén làm kinh tế trên đại diện cho hàng triệu gương nông dân SXKD giỏi. Họ là những ND biết ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức, liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản. Những ND này trở thành lớp ND mới, ND kinh tế số, ND công nghệ… làm đầu tàu dẫn dắt các lớp ND khác vươn lên làm giàu, nắm bắt công nghệ, góp phần giải phóng sức lao động, từng bước nâng cao năng suất lao động của khu vực nông thôn…”, bà Hoa nhận định.

Giải pháp hỗ trợ người nông dân có tri thức

Việt Nam hướng đến nền nông nghiệp hiện đại thì phải có người ND chuyên nghiệp. Người ND chuyên nghiệp hội tụ các yếu tố như có tri thức, có tư duy kinh tế, kiến thức, kỹ năng sản xuất (biết áp dụng kiến thức khoa học – kỹ thuật).

Chính vì vậy, muốn định hướng cho người ND hướng đến chuyên nghiệp cần mở nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng, huấn luyện chuyên môn, tạo ra không gian mở để người ND tiếp cận, kết nối những quan hệ mới mẻ, đa dạng, phong phú trong xã hội. Đó là, những phân tích, nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý trong diễn đàn “Người nông dân chuyên nghiệp”.

Thông qua diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp” vừa được tổ chức, Hội NDVN muốn tập hợp để những hộ SXKD giỏi trở thành hạt nhân nòng cốt trong tham gia phát triển nông thôn, đặc biệt là kinh tế nông thôn; để họ trở thành những hạt nhân tham gia phát triển kinh tế tập thể, kinh tế nông thôn. Các hộ SXKD giỏi cũng là nòng cốt để tập trung đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng để họ trở thành những hạt nhân dẫn dắt quá trình thực hiện mục tiêu tri thức hóa nông thôn.

Để góp phần xây dựng giai cấp ND, người ND chuyên nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN cho rằng: Nông nghiệp hiện đại cần có những người ND chuyên nghiệp, Hội NDVN đã đưa ra 7 nhóm giải pháp chính hỗ trợ để người ND trở thành người ND chuyên nghiệp. Cụ thể gồm:

Nhiệm vụ đầu tiên, là phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho ND nắm được những nội dung, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, ND, nông thôn, nhất là những yêu cầu đặt ra hiện nay.

Thứ 2, tăng cường trang bị kiến thức cho ND thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực cho ND. Người ND làm chủ kiến thức sẽ tự quyết định được con đường cho mình.

Thứ 3, tổ chức thật tốt và có hiệu quả các dịch vụ tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ, tạo việc làm cho ND; định hướng dẫn dắt cho ND, hỗ trợ ND thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh, lấy giá trị, hiệu quả, nhân văn làm mục tiêu phát triển; liên kết, hợp tác trong sản xuất…

Thứ 4, phải quan tâm thường xuyên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người ND, phát huy được vai trò là cầu nối giữa Đảng và ND. Hội ND phải thực sự là tổ chức đại diện cho giai cấp ND, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho ND; chủ động làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất xây dựng các chính sách về nông nghiệp, ND, nông thôn.

Thứ 5, tăng cường mở rộng các hoạt động về đối ngoại và hợp tác quốc tế để khai thác các nguồn lực, hỗ trợ cho ND phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Thứ 6, xây dựng tổ chức Hội ND vững mạnh, tập hợp đoàn kết ND tham gia tổ chức Hội; đẩy mạnh thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp; không ngừng đổi mới nội dung hoạt động, lấy quyền và lợi ích thiết thân của ND làm mục đích hoạt động của Hội.

Nhiệm vụ giải pháp cuối cùng, rất quan trọng, đó là phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, tăng cường phối hợp với chính quyền, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội để tạo ra những cơ chế, chính sách khai thác những nguồn lực, kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi để Hội ND các cấp thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.

Nguồn: tapchinongthonmoi.vn