Để xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh cần đạt được 3 mục tiêu cốt yếu
17/01/2011 02:46
Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội
Kính thưa các đồng chí đại biểu dự Đại hội!
Cùng với đẩy mạnh các phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hoá và giữ gìn trật tự, an ninh ở nông thôn, thời gian qua, Ban chấp hành Hội nông dân Việt Nam các cấp, từ cơ sở tới trung ương đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến và cơ bản đồng thuận cao với nội dung các dự thảo văn kiện của Đại hội, Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam đồng tâm tin tưởng Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI sẽ thành công tốt đẹp.
Kính thưa Đại hội!
Giai cấp nông dân Việt nam có vị trí, vai trò, có bề dầy truyền thống, có đóng góp xứng đáng trong lịch sử dựng nước, giữ nước, trong đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam XHCN. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng (khoá X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” Đảng ta nêu quan điểm:”Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH- HĐH, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế xã hội bền vững, giữ gìn ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước…”. Trong nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết cũng đã nêu:”Chăm lo xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, củng cố liên minh công nhân – nông dân – trí thức trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường trình bày tham luận tại Đại hội
Thực hiện nghị quyết của Đảng, giai cấp nông dân Việt Nam đã nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, bền chí vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện sự nghiệp đổi mới bằng hành động của chính mình, góp nên thành tựu to lớn, toàn diện. Nông nghiệp phát triển với tốc độ ổn định, đảm bảo vững chắc an ninh lương thức quốc gia, tiếp tục giữ ngôi thứ cao về xuất khẩu gạo, cà phê và một số hàng hoá nông sản khác trên thế giới; Công cuộc xoá đói giảm nghèo đạt được những kết quả to lớn… Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua, ở nước ta, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn luôn là nhân tố tạo sự bình ổn cho nền kinh tế đất nước. Theo đánh giá chung của thế giới, nước ta xét về năng lực cạnh tranh, về môi trường kinh doanh… đều ở thứ hạng tương đối thấp. Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến quan trọng về thu hút đầu tư quốc tế. Và kinh tế nước ta vẫn vượt qua khó khăn, thử thách do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, bảo đảm được sự ổn định và nhanh chóng trở lại xu thế phát triển với tốc độ khá do sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có hiệu quả của Đảng, Nhà nước nhưng cũng có phần do có chỗ dựa vững chắc đó là sự ổn định của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh đó, những tiến bộ rõ nét về xoá đói, giảm nghèo, về giải quyết việc làm, thực hiện dân chủ, mở rộng an sinh xã hội… tiếp tục tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định. Và đây là kết quả trực tiếp của đường lối phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn do Đảng ta lãnh đạo và giai cấp nông dân là lực lượng trực tiếp thực hiện.
Qua hơn 4 năm tham gia hội nhập kinh tế thế giới, xét ở khía cạnh Lao động và nông nghiệp thì sức mạnh của người dân nông thôn Việt Nam có thể là một hiện tượng nổi bật, mặc dù đóng góp của nông nghiệp trong GDP của đất nước chỉ dao động ở mức 20% và đóng góp cho xuất khẩu khoảng 23%, nhưng hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp thể hiện bằng chỉ số hiệu quả đồng vốn cao hơn hẳn so với các ngành khác và xuất khẩu nông sản là một trong rất ít ngành kinh tế xuất siêu trong thương mại. Chúng ta rất tự hào về các mặt hàng nông sản xuất khẩu: hạt tiêu, hạt điều đứng thứ nhất, gạo, cà phê đứng thứ 2, cao xu đứng thứ 3 trên thế giới. Rõ ràng sản phẩm nông nghiệp Việt nam do nông dân Việt nam làm ra đã góp phần nâng cao vị thế quốc gia nước ta trên trường quốc tế về mặt kinh tế.
Từ lý luận và thực tiễn, trong dự thảo Chiến lược kinh tế- xã hội 10 năm 2011- 2020 tại Đại hội XI này Đảng ta tiếp tục xác định:” khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng xuất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với từng loại cây, con. Khuyến khích tập trung ruộng đất; phát triển gia trại, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng…” Sự khảng định này thể hiện sự nhất quán về tư duy và hành động của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới, trong chỉ đạo phát triển nông nghiệp, trong xây dựng giai cấp nông dân Việt nam vững mạnh và trong xây dựng nông thôn mới theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CHN-HĐH đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức nặng nề, đó là: Nhìn chung nông dân thu nhập còn thấp, mức sống chưa cao, sản xuất nông nghiệp còn quá manh mún, sản xuất nhỏ vẫn là chủ yếu, môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, tư duy kinh tế gắn sản xuất với thị trường của người dân còn thiếu hệ thống và chiều sâu; phong cách, kỷ luật lao động còn tuỳ tiện, chạy theo lợi nhuận trước mắt, ít quan tâm đến thương hiệu hàng hoá nông sản ổn định, đồng nhất, rõ ràng về xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Bên cạnh đó nông dân cũng gặp những thách thức, khó khăn khác trong cơ chế thị trường, đó là: Những bạn đồng hành vốn có của giai cấp nông dân đang có những biến động: các doanh nghiệp nhà nước chuyển nhanh sang cổ phần hoá, hướng về mục tiêu lợi nhuận; các tổ chức sự nghiệp cung cấp dịch vụ công của nhà nước cũng chuyển sang xã hội hoá, tự chủ về tài chính; các tổ chức viện trợ nhân đạo quốc tế chuyển sang đối tác kinh doanh; người tiêu dùng chuyển thị hiếu về sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Trong quá trình toàn cầu hoá ngày càng rộng, đã có những luật chơi không công bằng của hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ và được trợ cấp dồi dào ở các quốc gia phát triển đang cạnh tranh gay gắt với nông nghiệp, nông dân và kinh tế nông thôn Việt Nam. Những khó khăn đó diễn ra ngay trong quá trình xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam để thực hiện CNH-HĐH đất nước; thêm vào đó là ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, bất ổn của thị trường và biến đổi khí hậu toàn cầu, những rủi ro trong đời sống, sản xuất…Người nông dân cũng tự nhận thức được rằng: cách duy nhất để đứng vững trong cơ chế thị trường và làm giàu cho gia đình, cho quê hương, đất nước là phải thực hiện thắng lơị CHN-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Do đó để xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh cần phải đạt cho được 3 mục tiêu cốt yếu:
Một là: Nông dân phải trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.
Hai là: Nông dân phải là lực lượng chính trị- xã hội vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ba là: Nông dân là lực lượng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam ở nông thôn.
Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ CNH – HĐH không phải là vấn đề phát triển về số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo cho được sự: Biến đổi về chất lượng chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước; là nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỷ cương hợp tác lao động; thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng là đối tượng chính được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.
Do vậy, chúng tôi xin đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam đến năm 2020 và trước mắt là thời kỳ 2011-2015 như sau:
Một là, huy động các nguồn lực để giúp nông dân phát triển kinh tế theo hướng: thoát khỏi đói, nghèo chuyển sang no đủ và làm giàu. Trước hết phải tập trung cho công tác quy hoạch nông thôn, quy hoạch các vùng sản xuất. Có quy hoạch phù hợp mới có cơ sở để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn hiện đại theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới và tạo thuận lợi cho phân công lao động theo cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; khắc phục sự manh mún trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh có khối lượng, chất lượng sản phẩm cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu để giải phóng triệt để sức lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân, để xóa đói, giảm nghèo và làm giầu, tiến tới phân công lao động “ai giỏi nghề gì, việc gì thì làm nghề đó, việc đó” đối với nông dân ngay tại bản, làng, thôn, xóm nơi sinh sống. Nếu không chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho nông dân thì nông dân không thể nào phát huy được vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, trong xây dựng nông thôn mới. Nhiệm vụ, giải pháp này cũng là điều kiện tiên quyết để hình thành các hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đầu tư vốn, lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia trại, trang trại chuyên canh, đa canh, trang trại tổng hợp… Sản xuất có kiến thức, có khoa học kỹ thuật, có hạch toán kinh tế, gắn sản xuất với thị trường, hướng mạnh vào sản xuất hàng hoá xuất khẩu.
Hai là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kiến thức cho người nông dân về: kinh tế, về khoa học, kỹ thuật, văn hoá xã hội, pháp luật, thị trường và hội nhập. Trong đó, trọng tâm là chuyển giao khoa học – kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; trước mắt cần làm thí điểm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tại các vùng chuyên canh lớn, có thế mạnh như: nuôi trồng thuỷ, hải sản, trồng cây công nghiệp, rau hoa, cây ăn quả lưu niên, chăn nuôi bò sữa và gia súc gia cầm tại địa bàn nông thôn ven đô thị, ví dụ như cạnh các khu công nghiệp lớn ở Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Lạt – Lâm Đồng, Đồng Nai, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bình Dương… từng bước nhân rộng ra vùng nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng và Tây Nguyên. Tập trung nâng cao chất lượng dạy nghề cho nông dân, khả năng tiếp cận, chia sẻ thông tin, tạo ra bước chuyển cơ bản về nhận thức để người nông dân lựa chọn nghề phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân; phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế và nhu cầu sử dụng của xã hội. Sau khi học nghề nông dân chủ động chuyển nghề, tạo được việc làm, lao động có năng suất, có thu nhập cao và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ba là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nông dân tại địa bàn dân cư về: Đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về lao động và việc làm, về thị trường và giá cả, về văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật và kinh tế hội nhập…Coi trọng công tác tuyên truyền miệng, theo hướng ngắn gọn, rễ hiểu, tăng cường đối thoại để tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nông dân. Tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào nông dân thi đua yêu nước; trọng tâm là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu; phong trào xây dựng nông thôn mới; phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để hình thành tiêu chuẩn người nông dân mới, đó là: Yêu nước, yêu chế độ, đoàn kết sáng tạo, hợp tác lao động có kỹ thuật, có kỷ luật, có năng suất hiệu quả cao, có nếp sống văn hóa, văn minh, sống Trung thực lành mạnh và hài hoà, là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Từ các phong trào nông dân thi đua yêu nước, có thể lựa chọn, đào tạo những người sản xuất kinh doanh giỏi, giúp họ trở thành những doanh nhân, doanh nghiệp có “đức, tài” làm nòng cốt và cầu nối nông nghiệp với công nghiệp, sản xuất với thị trường và chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới, đào tạo họ trở thành những cán bộ ưu tú các cấp của Đảng, Nhà nước và của Hội Nông dân Việt Nam.
Bốn là, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững về chính trị tư tưởng, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động thực sự là “Trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”; Hội Nông dân hoạt động có hiệu quả để tập hợp, đoàn kết nông dân thành lực lượng chặt chẽ thống nhất; Tăng cường các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân; tiến tới có thể tiếp nhận một số dịch vụ công từ nhà nước và giảm chi phí cho dịch vụ của tư nhân đến nông thôn. Hội phải đủ mạnh để đại diện cho nông dân, các Hiệp hội ngành nghề nông dân trong tham gia đàm phán, xử lý tranh chấp với các đối tác hoặc trong các vụ kiện về kinh tế. Tham gia có hiệu lực, hiệu quả trong huấn luyện nông dân phát triển sản xuất hàng hoá; tích cực tham gia tổ chức hợp tác lao động, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hoá, thôn, ấp, bản làng văn hoá, bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc để mỗi cơ sở trở thành những đơn vị tự quản, chủ động trong quá trình tham gia quản lý xã hội, quản lý tài nguyên thiên nhiên, khai thác và sử dụng các cơ sở hạ tầng ở nông thôn và phát triển sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết TW 7 (khóa X) về nông nghiêp, nông dân, nông thôn và Kết luận số 61- KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010- 2020”. Hội Nông dân Việt Nam mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp tham gia thực hiện một số chương trình, đề án phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống của nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tăng cường liên minh giai cấp nông dân, giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xã hội, trong đó, trọng tâm là đổi mới phương thức hoạt động của đảng bộ, chi bộ cơ sở để thực sự là hạt nhân lãnh đạo trên địa bàn nông thôn; củng cố nâng cao năng lực bộ máy quản lý nông nghiệp nhất là cấp huyện, xã. Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức xã, đồng thời với việc sửa đổi Luật Đất đai, mở rộng hạn mức sử dụng đất, khuyến khích tích tụ đất đai; tiếp tục giao cho nông dân quyền sử dụng đất lâu dài. Có cơ chế khuyến khích những tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào các dự án đầu tư, giải quyết tốt vấn đề đất ở, nhà ở, việc làm cho nông dân bị thu hồi đất; có cơ chế bảo vệ vững chắc đất trồng lúa, đất rừng, đất trồng cây công nghiệp xuất khẩu. Tăng cường hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hoá. Tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho nông dân, nông nghiệp; khuyến khích các nhà khoa học, trí thức, cán bộ trẻ về nông thôn công tác. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn, các chính sách bảo hiểm y tế với người nghèo, thí điểm bảo hiểm nông nghiệp để người nông dân có nhiều cơ hội tiếp cận phong phú các nguồn vốn, được trợ giúp kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, thông tin thị trường, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn nông thôn, xúc tiến thương mại và các dự án phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, sử dụng nguyện liệu và thu hút nhiều lao động nông nghiệp tại chỗ cùng với phát triển doanh nghiệp chế tạo máy, cơ khí động lực, thiết bị, vật tư nguyên liệu…phục vụ nông nghiệp.
Về kiến nghị: Có thể tóm tắt 3 vấn đề lớn, then chốt, nông dân muốn kiến nghị với Đảng, Nhà nước, đó là: Thứ nhất: mong muốn Đảng và Nhà nước bổ sung và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, nâng cao mức sống nông dân, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, việc dạy nghề, giải quyết nhu cầu việc làm cho nông dân; Hai là: bảo đảm được mức và cơ cấu đầu tư để xây dựng hạ tầng nông thôn mới như Nghị quyết TW 7 (khóa X) đã chỉ ra; Ba là: chỉ đạo có hiệu quả việc chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật và xúc tiến thị trường hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Đó là những nội dung rất cần thiết để giúp giai cấp nông dân Việt Nam vững bước tiến vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Kính thưa Đại hội!
Trên các chặng đường lịch sử đầy gian nan, thử thách nhưng cũng vô cùng vẻ vang của đất nước, giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam luôn gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của dân tộc, của đất nước, luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Ngày nay, đứng trong khối đại đoàn kết dân tộc, trong khối liên minh công nhân – nông dân – trí thức, giai cấp nông dân Việt Nam vẫn luôn là thành trì vững chắc ngăn chặn mọi âm mưu của các thế lực thù địch, là lực lượng đông đảo thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, trong đó, ưu tiên công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân Việt Nam đang được tập hợp và nhân lên sức mạnh của mình trong tổ chức Hội Nông dân Việt Nam đã và đang vững bước trên con đường đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Kính chúc sức khoẻ các đồng chí đại biểu
Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp
Xin trân trọng cám ơn!